An toàn thực phẩm dịp Tết - câu chuyện cũ hàng năm
Câu chuyện cũ hàng năm
Theo thông lệ vào những tháng cuối của năm, thị trường thực phẩm lại sôi động để chuẩn bị cho mùa lễ, Tết. Lợi dụng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tăng mạnh, một số cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm lại tung ra thị trường nhiều loại hàng hóa không đảm bảo chất lượng. Đây không phải là vấn đề được đặt ra ở một năm cụ thể nào mà là câu chuyện được bàn luận thường xuyên, “đến hẹn lại lên”.
Hiện nay, dân số của Tp. Hà Nội vào khoảng 10,3 triệu người. Nhu cầu lương thực, thực phẩm cần dùng mỗi tháng rất lớn. Một số mặt hàng thực phẩm phải nhập thêm từ các tỉnh thành khác với khối lượng lớn như: thịt trâu, bò (nhập 80,7%); rau củ phải nhập thêm 34,9%; thực phẩm chế biến nhập tới 81%...
Tương tự, dân số TP. Hồ Chí Minh vào khoảng 10 triệu người. Theo thống kê, mỗi ngày người dân thành phố tiêu thụ gần 2.000 tấn gạo; rau, củ, quả khoảng 4.200 tấn; hơn 1.000 tấn thịt các loại;... Tuy nhiên, phần lớn lương thực, thực phẩm đều phải nhập từ các tỉnh, thành phố lân cận.
Ðiều này, đồng nghĩa với việc người dân ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh có thể phải sử dụng các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chưa thật an toàn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Thực tế cho thấy, cơ quan chức năng đã nhiều lần phát hiện, xử lý nhiều đối tượng cố tình tuồn thực phẩm quá hạn sử dụng, không bảo đảm an toàn thực phẩm vào thành phố để kiếm lời.
Thống kê của lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, trong 10 tháng năm 2022, lực lượng đã kiểm tra 4.331 vụ, xử lý 3.321 vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm, xử phạt vi phạm hành chính hơn 12,63 tỷ đồng, trị giá tang vật thu giữ hơn 16,45 tỷ đồng.
Điển hình, mới đây, ngày 20/12, Cục QLTT tỉnh Quảng Bình chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh đón dừng và kiểm tra phương tiện vận tải đang di chuyển theo hướng Bắc - Nam. Quá trình khám phát hiện trên xe vận chuyển 6.235 kg thực phẩm đông lạnh các loại gồm: 1.578 kg sản phẩm động vật thịt gà, thịt gà Đông Tảo, giò heo rút xương, chân gà rút xương, dồi sụn... đều không rõ nguồn xuất xứ.
Đáng chú ý, trong số hàng hóa này có nhiều sản phẩm có hiện tượng biến đổi màu sắc, bốc mùi hôi thối và 4.581 kg thực phẩm đã qua chế biến gồm gà ủ muối, thịt gà hun khói, chả cốm, chả sụn không có số tự công bố sản phẩm theo quy định. Đặc biệt, có nhiều sản phẩm thể hiện sai thông tin về ngày sản xuất (ghi ngày sản xuất là 29/12/2022 hoặc 30/12/2022). Tại thời điểm kiểm tra lái xe Nguyễn Văn Tuệ không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của số hàng hóa nêu trên. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính gần 900 triệu đồng.
Lực lượng QLTT kiểm tra, phát hiện trên 7 tấn tràng trứng đông lạnh, không rõ nguồn gốc |
Hoặc, ngày 12/12, Cục QLTT tỉnh Yên Bái phối hợp với Công an tỉnh kiểm tra, khám phương tiện vận tải, phát hiện trên xe đang vận chuyển 7.560kg tràng trứng gà non đông lạnh. Ước tính tổng giá trị lô hàng trên 1,1 tỷ đồng. Tại thời điểm kiểm tra, toàn bộ số hàng hóa trên không có nhãn, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, không xác định được nguồn gốc, xuất xứ. Một số sản phẩm đã bị biến đổi màu sắc thâm đen không đúng với bản chất tự nhiên của hàng hóa.
Đối với các sản phẩm đồ uống như bia, rượu, mới đây, để vận chuyển, tiêu thụ hàng lậu, các đối tượng đã sử dụng xe thư báo để trốn tránh sự kiểm tra của các lực lượng chức năng. Cụ thể, đêm 15/12, Cục QLTT Quảng Bình đã phối hợp với lực lượng Công an tỉnh bắt giữ phương tiện ô tô tải về hành vi vận chuyển 2.094 chai rượu do nước ngoài sản xuất. Tại thời điểm kiểm tra, chủ xe không xuất trình được hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, số rượu ngoại trên cũng không dán tem rượu nhập khẩu theo quy định. Trị giá hàng hóa ước tính hơn 1 tỷ đồng.
Nâng mức xử phạt các vi phạm về an toàn thực phẩm
Ðể góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là cao điểm Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán sắp đến, các cơ quan chức năng, ban ngành liên quan tập trung kiểm tra thường xuyên những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp cuối năm như thịt, các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, bánh, mứt...
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Chu Thị Thu Hương nhận định, an toàn thực phẩm là lĩnh vực trọng tâm trong quá trình kiểm tra, giám sát thị trường đối với lực lượng. Do vậy, suốt thời gian qua, Tổng cục đã thường xuyên chỉ đạo toàn lực lượng tăng cường quản lý địa bàn, chủ động phát hiện, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm; đồng thời tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về tác hại của việc sử dụng thực phẩm không an toàn, thực phẩm giả, kém chất lượng để không sử dụng các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm và kịp thời cung cấp thông tin về các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực có dấu hiệu vi phạm đến các cơ quan chức năng để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, trong cao điểm cuối năm và các dịp lễ, Tết, Tổng cục đã ban hành Kế hoạch số 10/KH-TCQLTT ngày 07/11/2022 về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2022; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quỹ Mão năm 2023. Theo đó, lãnh đạo Tổng cục yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, ngăn chặn hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung và thực phẩm nói riêng.
Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm online, Phó Tổng Cục trưởng cho biết, Tổng cục cũng như những cơ quan chức năng liên quan đã có kế hoạch kiểm tra, hậu kiểm đối với sản phẩm thực phẩm được bán ra thị trường nhất là trên môi trường số rất cụ thể, chi tiết.
Để hạn chế các hành vi vi phạm, Phó Tổng Cục trưởng kiến nghị, cần nâng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm cao hơn nữa để tạo tính răn đe, bảo đảm tính tuân thủ pháp luật.
Phó Tổng Cục trưởng phân tích, chúng ta cũng đã xây dựng một hệ thống văn bản pháp luật rõ ràng, đủ chế tài, đủ sức răn đe. Vấn đề xử lý vi phạm đối với lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm được áp dụng theo các quy định tại Luật an toàn thực phẩm; các văn bản, Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và Bộ Luật hình sự. Tuy nhiên, việc thực thi pháp luật trong lĩnh vực này còn có những bất cập, trong đó có nguyên nhân do thiếu phương tiện cũng như hiện nay lĩnh vực an toàn thực phẩm do 3 Bộ, ngành quản lý nên mỗi Bộ ngành có quy định riêng về thanh tra, kiểm tra cũng đang gây khó khăn trong việc áp dụng các quy định pháp luật khi kiểm tra, xử lý vi phạm.
“Hạn chế các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, giải pháp trước mắt là kết hợp với việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật không những cho người bán mà kể cả người mua, để người mua trở thành người tiêu dùng thông minh, không tiếp tay cho các hành vi vi phạm”, Phó Tổng Cục trưởng Chu Thị Thu Hương khuyến cáo.