Nguy cơ ngộ độc thực phẩm luôn tiềm ẩn khi sử dụng thực phẩm hàng ngày
Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Đồng Nai, tại thời điểm kiểm tra, chủ tiệm bánh mì Băng không có giấy phép kinh doanh tại địa chỉ khu phố 2, P.Xuân Bình (TP.Long Khánh), mà 'mượn' giấy phép kinh doanh của con gái.
Chủ cơ sở bánh mỳ cho biết, ngày 30/4, tiệm bán hơn 1.100 ổ bánh mỳ. UBND TP Long Khánh đã chỉ đạo phòng y tế, trung tâm y tế đề nghị Chi Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh Đồng Nai phối hợp kiểm tra mẫu, điều tra, kết luận vụ việc.
Theo báo cáo nhanh của Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nôn, tiêu chảy, sốt, đau bụng... Qua thăm khám ban đầu, tất cả bệnh nhân ăn bánh mỳ thịt tại tiệm bánh mỳ B. (phường Xuân Bình, TP Long Khánh) từ 15h đến 19h ngày 30/4.
Sau khi ăn, các bệnh nhân xuất hiện những biểu hiện như trên. Trong đó, nhiều người tự mua thuốc uống tại nhà, nhưng không khỏi nên nhập viện chữa trị vào sáng 1/5. Sau khi thăm khám, xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán các bệnh nhân đều bị nhiễm trùng đường ruột và được xử trí kịp thời.
Liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm khiến hàng trăm người nhập viện tại Đồng Nai, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có công văn số 911/ATTP-NĐTT đề nghị Sở Y tế tỉnh Đồng Nai triển khai các nội dung sau:
- Chỉ đạo bệnh viện có bệnh nhân đang điều trị, tập trung nguồn lực tích cực điều trị cho các bệnh nhân ngộ độc thực phẩm không để ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng.
- Khẩn trương điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ ngộ độc theo quy định, lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
- Đình chỉ ngay cơ sở bánh mỳ nghi ngờ gây ngộ độc thực phẩm trên địa bàn. Kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở trên, nếu phát hiện có sai phạm cần xử lý nghiêm theo quy định.
- Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở dịch vụ ăn uống đảm bảo vệ sinh, điều kiện an toàn thực phẩm, thực hiện nghiêm việc quản lý nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm và vệ sinh trong các khâu chế biến.
- Báo cáo kết quả triển khai về Cục An toàn thực phẩm theo quy định.
Đồng thời, Cục An toàn thực phẩm yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho người dân kiến thức an toàn thực phẩm và biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không bảo đảm an toàn thực phẩm trong lựa chọn, và sử dụng thực phẩm, không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Trong những ngày vừa qua, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh và các bệnh viện lân cận đã tiếp nhận, điều trị cho nhiều bệnh nhân với các triệu chứng nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì mua tại một tiệm bánh mì trên địa bàn thành phố Long Khánh.
Đây là hồi chuông cảnh báo cho thấy nguy cơ ngộ độc thực phẩm luôn tiềm ẩn khi chúng ta lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm hàng ngày. Trước mối nguy này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai liên tục phát đi khuyến cáo về việc bảo đảm an toàn thực phẩm.
Nguy cơ ngộ độc thực phẩm luôn tiềm ẩn khi chúng ta lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm hàng ngày |
Tổ chức Y tế thế (WHO) giới lưu ý: Thực phẩm không an toàn có thể gây ra bệnh rất nặng và thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Đồng thời, WHO khuyến cáo lưu ý 5 chìa khóa thực hành quan trọng của an toàn thực phẩm:
1. Giữ vệ sinh sạch sẽ
2. Bảo quản riêng biệt thức ăn sống và chín
3. Nấu kỹ thức ăn
4. Bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ an toàn phù hợp
5. Sử dụng nước sạch và thực phẩm tươi sống