Bảo đảm ổn định nguồn điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt đến hết năm 2023
Chiều 4/7, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ, cung cấp thông tin về tình hình kinh tế-xã hội tháng 6 và nửa đầu năm 2023.
Buổi họp báo Chính phủ diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn - Người phát ngôn của Chính phủ. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành và đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tham dự và trả lời các câu hỏi liên quan.
Buổi họp báo Chính phủ diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn - Người phát ngôn của Chính phủ |
Mở đầu họp báo, tóm tắt thông tin về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023 và Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương diễn ra cùng ngày dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Người phát ngôn của Chính phủ cho biết: Phiên họp diễn ra trong bối cảnh đất nước ta vừa đi qua 1/2 chặng đường của năm 2023 - một chặng đường mà đất nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức bởi diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường của tình hình thế giới với nhiều yếu tố bất lợi mà theo Thủ tướng Phạm Minh Chính khái quát là nổi lên 6 cơn gió ngược: Một là tăng trưởng thế giới suy giảm, lạm phát đang ở mức cao, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn; Hai là hậu quả Covid-19 còn kéo dài; Ba là cạnh tranh địa chiến lược, chủ nghĩa bảo hộ, sự phân tách, phân mảnh, thiếu liên kết chặt chẽ, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy cục bộ; Bốn là các cuộc xung đột đe dọa an ninh lương thực, năng lượng toàn cầu; Năm là các nước đang phát triển có khả năng thích ứng, sức chống chịu hạn chế trước những cú sốc từ bên ngoài; Sáu là biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh phức tạp, khó lường, gây hậu quả nặng nề.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã bám sát và tập trung chỉ đạo các bộ, các ngành, các địa phương triển khai quyết liệt Nghị quyết Đảng lần thứ XIII, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội và đúng phương châm “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”.
Trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc họp, hội nghị, tham vấn ý kiến nhiều chuyên gia, nhà khoa học; ban hành 66 văn bản quy phạm, 106 Nghị quyết, trên 829 Quyết định cá biệt, 41 Công điện, 22 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
Nhìn chung, các nhiệm vụ, giải pháp đề ra khá đồng bộ, toàn diện, đúng và trúng, sát thực tiễn, được Nhân dân, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế đánh giá cao và đã có hiệu quả rõ nét với nhiều số liệu tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau hiệu quả hơn quý trước.
Trong đó, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế, an sinh xã hội, đời sống nhân dân được bảo đảm; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; giữ gìn được môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển đất nước…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời các câu hỏi của phóng viên, nhà báo tại buổi họp báo thường kỳ tháng 6/2023 |
Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của các nhà báo, phóng viên liên quan đến việc đảm bảo cung ứng điện trong 6 tháng cuối năm 2023, Người phát ngôn của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, qua tổng kết 6 tháng đầu năm, nhu cầu về điện cho sản xuất cũng như cho tiêu dùng của người dân tăng.
Tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện quốc gia tháng 6 đầu năm 2023 ước đạt 25,323 tỷ kWh cao hơn 3,4% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện quốc gia ước đạt 136,090 tỷ kWh (bao gồm sản lượng điện mặt trời mái nhà bán vào hệ thống), cao hơn 2,2% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 47,8% so với kế hoạch năm 2023 (284,5 tỷ kWh).
Cũng theo Thứ trưởng, trong 4 tháng đầu năm, cơ bản chúng ta đã thực hiện tốt, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu điện cho sản xuất và đời sống của nhân dân cả nước. Tuy nhiên, tình hình cung cấp điện từ tháng 5, 6 gặp nhiều khó khăn do thời tiết nắng nóng kéo dài, nhu cầu tiêu thụ điện tăng; cùng với đó là tình hình thủy văn không thuận lợi, lưu lượng nước về các hồ thủy điện thấp, đặc biệt là ở phía Bắc phụ thuộc rất nhiều vào thủy điện.
Thêm vào đó là các khó khăn trong vận hành sửa chữa các nhà máy điện đã ảnh hưởng đến tình hình cung ứng điện. Trước bối cảnh này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã phải thực hiện tiết giảm điện, cắt điện luân phiên tại một số địa phương, đặc biệt là các địa phương khu vực phía Bắc.
10 ngày cuối tháng 6, lưu lượng nước về các hồ thủy điện tăng, mực nước tại các hồ dâng nhanh, và một số tổ máy gặp sự cố đã được khắc phục kịp thời, và dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành trong đó có Bộ Công Thương thì hệ thống điện miền Bắc đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu phụ tải.
Bước sang tháng 7, và 6 tháng cuối năm, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, công tác vận hành hệ thống điện vẫn còn có những khó khăn, đặc biệt là đối với hệ thống điện ở phía Bắc khi thời tiết được dự báo sẽ tiếp tục các đợt nắng nóng kéo dài, trong khi mực nước các hồ thủy điện có cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp.
“Chính vì vậy, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo và yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam bám sát và cập nhật liên tục diễn biến thực tế của tình hình thời tiết và các điều kiện vận hành hệ thống điện và thị trường điện, đảm bảo vận hành và cung cấp điện an toàn, ổn định và tin cậy cho hệ thống điện quốc gia”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Để đảm bảo cung ứng điện trong nửa cuối năm, Bộ Công Thương đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó với các tình huống khó khăn trong hệ thống điện. Trường hợp có những ảnh hưởng bất thường phải kịp thời báo cáo Bộ Công Thương và các cấp có thẩm quyền để xem xét, chỉ đạo và phối hợp với các khách hàng sử dụng điện, đặc biệt là khách hàng lớn chuẩn bị kịch bản, kế hoạch thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải điện.
Trong trường hợp cần thiết nhằm đảm bảo an ninh hệ thống điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải thực hiện đồng bộ 4 giải pháp:
Một là, phải cung cấp đủ nguyên liệu cho các nhà máy nhiệt điện, tăng khả năng và hạn chế tối đa sự cố vận hành, nếu có phải nhanh chóng khắc phục các sự cố.
Thứ hai, vận hành hợp lý nguồn thủy điện.
Thứ ba, phải làm tốt công tác tiết kiệm điện và đặc biệt là vai trò của UBND các tỉnh, thành phố trên toàn quốc và đầu mối là các Sở Công Thương.
Thứ tư, phải đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án nguồn và lưới điện.
Dựa trên các dự báo và tính toán, Bộ Công Thương cho rằng, từ nay đến cuối năm 2023 cơ bản sẽ không thiếu điện để phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong nước, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin.