Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên giải đáp kiến nghị của nhà đầu tư nước ngoài về Quy hoạch điện VIII
Ông Greg Testerman - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa kỳ tại Việt Nam (Amcham) cho rằng: Các doanh nghiệp thành viên của Amcham mong muốn Việt Nam đẩy nhanh quá trình cấp phép cho các dự án năng lượng sạch. Điều này sẽ nhanh chóng có tác động tích cực vào tính cạnh tranh của ngành năng lượng Việt Nam.
“Chúng tôi cũng mong muốn Việt Nam sẽ sớm thông qua Quy hoạch điện VIII, hiện có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang chờ đợi việc này” - ông Greg Testerman bày tỏ và cho rằng, Amcham mong muốn Chính phủ Việt Nam sẽ ưu tiên phát triển hệ thống pin dự trữ điện trong Quy hoạch điện VIII, việc thông qua việc mua bán điện trực tiếp và có kế hoạch cho phép các công ty có cam kết cao trong việc giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch tham gia vào quá trình này.
|
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Hội nghị (Ảnh VGP) |
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Gabor Fluit nêu quan điểm: Việt Nam đang đặt mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh, điều này mang ý nghĩa tích cực, bởi năng lượng sạch và tái tạo là chất xúc tác cho đầu tư và tăng trưởng trên toàn nền kinh tế, đồng thời các doanh nghiệp châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn năng lượng này.
Trong thời gian qua, việc chưa đáp ứng được nhu cầu này đã khiến một số dự án đầu tư phải tạm ngưng mở rộng. Để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong tương lai, Việt Nam cần đẩy nhanh việc hoàn thiện và triển khai Quy hoạch phát triển điện VIII.
Ngoài ra, Việt Nam cũng nên có các hợp đồng mua bán điện trực tiếp để khuyến khích các nhà sản xuất năng lượng tái tạo, đặc biệt là các nhà máy trong khu công nghiệp nên được phép tham gia hơp đồng mua bán điện trực tiếp.
“Chúng tôi đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà máy có nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo để đáp ứng các yêu cầu tuân thủ từ EU” - Chủ tịch EuroCham đề xuất.
Ông Michael Michalak - Phó Chủ tịch cấp cao, Giám đốc điều hành khu vực ASEAN, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) thì cho rằng, doanh nghiệp Hoa Kỳ rất lạc quan về triển vọng tăng trưởng thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong thời gian tới trên nền tảng quan hệ song phương ngày càng gắn bó chặt chẽ hơn, thể hiện qua chuyến thăm Hoa Kỳ dự Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Hoa Kỳ - ASEAN của Thủ tướng vào tháng 5/2022 và cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden hôm 29/3.
Tuy nhiên, để khai thác hết tiềm năng đó, đại diện USABC mong muốn, Việt Nam đơn giản hoá và rút ngắn thời gian xem xét và phê duyệt các dự án điện. Cần ưu tiên phê duyệt sớm những dự án đã hoàn thành các thủ tục cần thiết và sớm ban hành Quy hoạch điện VIII.
|
Ông Greg Testerman - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa kỳ tại Việt Nam (Amcham) chia sẻ tại Hội nghị (Ảnh VGP) |
Trước những kiến nghị của đại diện hiệp hội, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài về vấn đề năng lượng sạch và Quy hoạch điện VIII, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Liên quan đến lĩnh vực điện, chúng ta đều biết hạ tầng điện, hạ tầng giao thông bao giờ cũng phải đi trước một bước. Nhưng do tính chất phức tạp, vừa phải khắc phục tồn tại trong quy hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch trước đó, vừa bị tác động nhiều chiều cả điều kiện hoàn cảnh trong nước, cả những cam kết quốc tế.
Quy hoạch điện VIII là một trong số ít quy hoạch ngành, quốc gia của Việt Nam được triển khai từ năm 2019, đến nay đã gần 4 năm, qua 4 lần dự thảo và cơ bản được hoàn thiện, đáp ứng được những nguyên tắc cơ bản, bao gồm: Một là, đáp ứng được nguyên tắc cung ứng đủ điện cho nền kinh tế theo chiến lược phát triển kinh tế của đất nước, bảo đảm phù hợp cơ cấu giữa các nguồn điện, cả điện nền, cả phủ đỉnh, an toàn cho hệ thống, cân đối giữa các vùng miền, cân đối giữa nguồn và truyền tải. Đặc biệt, đã quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là giá thành điện năng đáp ứng được khả năng thanh toán của các đối tượng sử dụng điện.
Hai là, thực hiện nghiêm túc cam kết của Việt Nam tại COP 26, COP 27 cũng như trong các diễn đàn quốc tế về chuyển dịch năng lượng. Việt Nam cam kết và sẽ thực hiện được mục tiêu trung hoà carbon năm 2050 bằng nỗ lực của mình, và bằng những cam kết của các nước phát triển, các tổ chức quốc tế đối với Việt Nam nói riêng và đối với các nước phải thực hiện cam kết này nói chung.
Thứ ba, trong Quy hoạch điện VIII đã mở hướng có thể khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh, góp phần chuyển dịch năng lượng cho khu vực và thế giới. Cụ thể là có thể phát triển năng lượng mặt trời và năng lượng gió, nhất là gió ngoài khơi để có thể xuất khẩu trực tiếp cho các quốc gia hoặc xuất khẩu gián tiếp thông qua điều chế halogen, các pin năng lượng sạch hoặc các hình thức xuất khẩu khác.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Quy hoạch điện VIII cũng ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, cả điện mặt trời, điện gió cả trên bờ và ngoài khơi, điện sinh khối, cũng như các nguồn điện Việt Nam có lợi thế, thực hiện mục tiêu chuyển đổi nhiên liệu của các nhà máy nhiệu điện than, nhiệt điện khí bằng các hình thức đốt kèm, phát triển các ngành sản xuất mới như là hydro, pin năng lượng sạch…
Hiện nay, Bộ Công Thương đang cùng với tư vấn gấp rút hoàn thiện và dự kiến trình Thủ tướng phê chuẩn, chậm nhất là trung tuần tháng 5 năm nay. Sau khi Quy hoạch điện VIII được duyệt, Bộ Công Thương sẽ xây dựng kế hoạch, đề xuất các chính sách triển khai thí điểm để thực hiện.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, những ý kiến của Eurocham, Amcham hay các nhà đầu tư khác sẽ được Bộ Công Thương nghiên cứu một cách nghiêm túc để tiếp thu.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đặt vấn đề với các nhà đầu tư nước ngoài, để thực hiện được ý tưởng chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam cũng như giúp Việt Nam phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, đề nghị các hiệp hội, doanh nghiệp và thông qua các vị có tiếng nói với Chính phủ của mình, các tổ chức quốc tế, các quỹ đầu tư tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc chia sẻ kinh nghiệm và tư vấn chính sách trong phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo nói chung, các cơ chế mua bán điện trực tiếp, phát triển thị trường lưu trữ carbon, các cơ chế chính sách khác trong lĩnh vực phát triển công nghiệp nền tảng như cơ khí, chế tạo, chế biến, năng lượng…
Cùng với đó, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác nghiên cứu để điều chế nguyên liệu mới, vật liệu mới, vật liệu thay thế tại Việt Nam. Hợp tác đầu tư tại Việt Nam về những lĩnh vực mà Việt Nam quan tâm như: Năng lượng mới, công nghệ nền tảng, đồng thời có cam kết, lộ trình rõ ràng và khả thi để các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu. Cuối cùng, vận động các quỹ toàn cầu có những khoản tài trợ không hoàn lại hoặc cho vay với lãi suất thấp để thực hiện các mục tiêu trên.