Bộ Y tế đưa nhiều đề xuất gây khó cho du lịch quốc tế
Du lịch phải an toàn tuyệt đối
Bộ Y tế vừa có văn bản khẩn gửi Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch để góp ý kiến về dự thảo phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới.
Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch cân nhắc bổ sung, sửa đổi một số nội dung liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19. Việc mở lại các hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới cần căn cứ trên kết quả đánh giá cấp độ dịch bệnh tại mỗi địa phương, khu vực dự kiến cung cấp dịch vụ lưu trú, tham quan, vui chơi, giải trí cho khách… nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách và cộng đồng.
Bộ Y tế cũng góp ý trong phương án đón khách cần quy định, làm rõ trách nhiệm của địa phương, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch, dịch vụ lưu trú và đặc biệt cá nhân hành khách trong việc giám sát, quản lý, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo trong vòng 72 giờ đầu kể từ khi nhập cảnh, hành khách không nên rời khỏi nơi lưu trú. Trường hợp ngày thứ 2 và 3 khách cần rời khỏi nơi lưu trú thì phải làm xét nghiệm SARS-CoV-2 hằng ngày (xét nghiệm kháng nguyên nhanh hoặc PCR) âm tính. |
Trong khi Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch muốn đón cả nhóm khách có nguy cơ cao (chưa tiêm đủ liều vắc xin COVID-19), chỉ cần đi cùng người bảo hộ đáp ứng đủ điều kiện phòng chống dịch, thì Bộ Y tế khuyến cáo nhóm này, gồm người từ 65 tuổi trở lên, phụ nữ có thai, người có bệnh lý nền hạn chế đi du lịch cho đến khi có thông báo mới. Bộ Y tế muốn thực hiện nghiêm ngặt việc tuân thủ tiêm đủ mũi vắc xin phòng chống dịch COVID-19 trước khi nhập cảnh Việt Nam.
Và theo dự thảo, khách được tham gia du lịch ngay khi nhập cảnh vào Việt Nam có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính, nhưng Bộ Y tế đòi trong vòng 24 giờ đầu (kể từ khi nhập cảnh), hành khách không rời khỏi nơi lưu trú, thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo trong vòng 72 giờ đầu kể từ khi nhập cảnh, hành khách không nên rời khỏi nơi lưu trú. Trường hợp ngày thứ 2 và 3 khách cần rời khỏi nơi lưu trú thì phải làm xét nghiệm SARS-CoV-2 hằng ngày (xét nghiệm kháng nguyên nhanh hoặc PCR) âm tính.
Du khách dưới 12 tuổi chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin hoặc chưa từng bị nhiễm SARS-CoV-2 thì từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 7 muốn rời khỏi nơi lưu trú phải thực hiện xét nghiệm liên tục hằng ngày.
Doanh nghiệp lữ hành “thất vọng” về những ý kiến của Bộ Y tế
Những góp ý này của Bộ Y tế có thể khiến những nhà quản lý trong ngành du lịch cùng các doanh nghiệp thất vọng, bởi ngay cả khi mở thông thoáng nhất thì vẫn không dễ dàng cho ngành du lịch trong bối cảnh hiện nay.
Theo chuyên gia Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch, với đề nghị của Bộ Y tế, Việt Nam sẽ không có du lịch quốc tế, mà không có du khách thì sẽ không có hàng không quốc tế hồi phục trong năm nay. Kiểu mở thí điểm như vậy nếu kéo dài chỉ làm doanh nghiệp mệt mỏi hơn và làm mất uy tín điểm đến Việt Nam, bởi mở cửa các cơ sở lưu trú sáng đèn nhưng lao động sẽ ngồi nhìn nhau chờ khách.
"Không thể thực hiện với đề xuất của Bộ Y tế nếu muốn có khách. Chúng ta cần đồng ý rằng nếu du khách đáp ứng điều kiện nhập cảnh, một khi vào Việt Nam thì cần đối xử bình đẳng như khách nội địa. Cần chấm dứt phân biệt đối xử, nếu cứ làm khó nhau thế này thì mở ra không hiệu quả, thậm chí doanh nghiệp còn nguy cơ không hiệu quả hơn", ông Nam nói.
Ông Võ Anh Tài - Phó Tổng giám đốc Saigontourist Group cho biết trước khi có phản hồi của Bộ Y tế, các doanh nghiệp đã nỗ lực để chuẩn bị cho việc mở cửa vào ngày 15-3. “Hội đồng tư vấn du lịch đã họp khẩn, và sẽ có thư kiến nghị về các yêu cầu của Bộ Y tế. Chúng ta muốn có kế hoạch mở cửa sớm nhất, đảm bảo an toàn nhưng phải tạo thuận lợi cho du khách quốc tế. Với cách mở này, liệu có khách đến?", ông Tài nói.