Mở cửa hoàn toàn ngành du lịch: An toàn để phát triển
Chốt mở lại du lịch quốc tế từ 15/3
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc đồng ý mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3/2022.
Trước đó, trong nỗ lực phục hồi ngành kinh tế xanh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương án mở lại hoạt động du lịch quốc tế và nội địa trong bối cảnh bình thường mới từ ngày 15/3.
Tại cuộc họp bàn phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong bối cảnh thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, gắn với từng bước phục hồi kinh tế - xã hội do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan đã thảo luận kỹ những nội dung để có thể mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3, nhằm mau chóng phục hồi, phát triển du lịch nói riêng, kinh tế nói chung.
Việt Nam sẽ mở lại hoạt động du lịch quốc tế trong bối cảnh bình thường mới từ ngày 15/3 |
Thống kê của Tổng cục Du lịch cho thấy, từ khi thực hiện chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế (từ tháng 11/2021-8/2/2022), Việt Nam đã đón được hơn 8.900 khách du lịch quốc tế.
Việc thí điểm đón khách quốc tế được thực hiện bài bản, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, không để xảy ra sai sót, mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách với các loại hình hấp dẫn như: du lịch thể thao, giải trí sôi động, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái tại những điểm đến nổi tiếng của Việt Nam.
Không chỉ thúc đẩy thị trường du lịch khởi sắc, việc thí điểm đón khách quốc tế cũng được xem là đã giúp các địa phương có sự chuẩn bị nguồn lực, tích lũy kinh nghiệm để sẵn sàng cho việc mở rộng quy mô đón khách, sớm phục hồi du lịch.
Cũng theo số liệu của Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch), lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam từ đầu năm 2022 đang tăng mạnh. Đáng chú ý, từ đầu tháng 1 đến nay, lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không Việt Nam đang duy trì ở mức rất cao, có thời điểm tăng 425%.
Bối cảnh hiện tại đang mang đến cơ hội cũng như khả năng sớm phục hồi cho thị trường du lịch Việt Nam. Nhiều địa phương có lợi thế trong việc thu hút khách đặc biệt là khách quốc tế như Quảng Ninh, Phú Quốc, Khánh Hòa... hay Bình Định - địa phương thứ sáu đủ điều kiện đón khách quốc tế từ đầu năm 2022 đã chủ động xây dựng chiến lược mở cửa.
Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp nhận định, việc Chính phủ đồng ý với đề xuất mở cửa hoàn toàn ngành du lịch từ ngày 15/3/2022 tạo cơ hội tích cực cho các địa phương và doanh nghiệp du lịch phục hồi toàn diện. Các tỉnh có tiềm năng về di lịch như Quảng Ninh, Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Nam, Bình Định… đã chủ động xây dựng kế hoạch mở cửa.
Mở cửa an toàn để phát triển
Trong buổi gặp mặt báo chí sáng nay (21/2) để thông tin về các kế hoạch, phương án đề xuất mở cửa du lịch đảm bảo yêu cầu an toàn, khoa học và hiệu quả, ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch nhấn mạnh, “toàn ngành du lịch đã sẵn sàng và đang trong quá trình chuẩn bị các công tác chuẩn bị để đảm bảo tốt nhất cho việc mở cửa hoàn toàn du lịch”.
Theo đó, Tổng Cục Du lịch đã đưa ra 7 nội dung, phương án quan trọng đẻ chuẩn bị cho việc mở cửa du lịch vào ngày 15/3. Trong đó, đảm bảo an toàn phòng chống dịch là điều kiện tiên quyết.
Trước hết, là việc tạo điều kiện tốt cho việc phục hồi và phát triển du lịch. Ông Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh, thời gian qua, việc kiểm soát dịch bệnh có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn đó những nguy cơ như: Sự xuất hiện của những biến chủng mới, tác động với công tác phòng, chống dịch; Sự chênh lệch về độ bao phủ vaccine giữa các địa phương, độ tuổi, đối tượng khác nhau.
Cùng đó, các quy định phòng chống dịch, cách ly còn khác biệt giữa các địa phương cũng gây ảnh hưởng tới hoạt động khôi phục du lịch chung. Thời gian tới, sẽ phối hợp liên ngành để có những quy định cụ thể, tạo điều kiện tốt cho việc phục hồi và phát triển du lịch.
Các tỉnh có tiềm năng mạnh về di lịch như Quảng Ninh, Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Nam, Bình Định… đã chủ động xây dựng kế hoạch mở cửa, đón khách quốc tế |
Thứ hai, việc khôi phục các chuyến bay thương mại, không hạn chế các chuyến bay quốc tế là điều kiện để phục hồi du lịch. Do đó, trong bối cảnh mới, vai trò của việc phối kết hợp giữa du lịch và hàng không vô cùng quan trọng.
Thứ ba, cấp thị thực là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút khách du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển quốc tế. Do đó, Tổng Cục Du lịch đánh giá cần sớm có áp dụng chính sách thị thực với khách nhập cảnh như thời điểm năm 2019, để nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến.
Thứ tư, với “hộ chiếu vaccine”, Việt Nam đã công nhận 79 giấy chứng nhận tiêm chủng của 79 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 14 quốc gia công nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam.
“Điều đó khiến điều kiện đi ra nước ngoài cũng bị hạn chế theo. Khi đó, sẽ mất cân bằng trong việc khách đi vào và đi ra của các chuyến bay quốc tế. Chỉ khi nào cân bằng được lượng khách việc đi và đến mới giảm chi phí các chuyến bay, làm giảm giá thành chi phí của các công ty du lịch”, ông Khánh nói.
Thứ năm, cần chuẩn bị các điều kiện về năng lực phục vụ, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực vì 2 năm qua, ngành du lịch bị tổn thất nặng nề. Các khu du lịch hầu như đóng cửa, cơ sở vật chất xuống cấp gây ảnh hưởng tới việc phục vụ khách khi mở cửa du lịch.
Lực lượng lao động được đào tạo bài bản, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ thời gian qua đã bị phân tán, nhiều lao động chuyển nghề… Do đó, để chuẩn bị cho giai đoạn tới, một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải tập hợp các lực lượng lao động, tu sửa, bảo dưỡng cơ sở vật chất.
Hiện tại, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tham mưu Chính phủ tiếp tục áp dụng cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động để tập trung xây dựng sản phẩm mới, hoàn thiện cơ sở vật chất, cũng như có các chương trình đào tạo, chính sách thu hút người lao động trở lại làm việc.
Đồng thời, Bộ phối hợp với các địa phương để điều tra, khảo sát tình hình cơ sở vật chất, nâng cấp, hoàn thiện để đảm bảo cung ứng dịch vụ cho khách du lịch. Bộ cũng đề xuất các chương trình đào tạo, đào tạo lại lực lượng lao động. Đề nghị các địa phương có cơ chế chính sách hỗ trợ người lao động trên địa bàn.
Thứ sáu, chất lượng sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến cũng là yếu tố quan trọng. Sau Covid - 19, các quốc gia đều đang ở vạch xuất phát và mở cửa theo những cách khác nhau. Theo Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch, việc mở cửa lại là quá trình cạnh tranh vô cùng khốc liệt, đòi hỏi các quốc gia phải chuẩn bị kỹ càng.
Cuối cùng, Việt Nam vẫn duy trì trao đổi, kết nối với các thị trường trọng điểm trong công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá. Thời gian tới, ngành du lịch sẽ tiếp tục triển khai chương trình xúc tiến quảng bá, truyền thông mạnh trên các nền tảng số; tham gia các chương trình hội chợ quốc tế du lịch lớn được tổ chức ở những thị trường trọng điểm với Việt Nam.
Hiện tại, Bộ cũng đã làm việc với các tập đoàn truyền thông lớn quốc tế để quảng bá du lịch Việt Nam. Đồng thời, triển khai các hoạt động thông qua các đại diện cơ quan Việt Nam ở nước ngoài để phối hợp đưa tin về việc mở cửa du lịch.