Điện Biên Phủ - “nàng công chúa” cuối trời Tây Bắc
Cánh đồng “Mường trời” - cái nôi văn hóa của vùng Tây Bắc
Du lịch tỉnh Điện Biên có nhiều tiềm năng, thế mạnh không chỉ ở cụm di tích lịch sử Điện Biên Phủ mà còn là đời sống văn hóa đặc sắc của 21 dân tộc anh em cùng phong cảnh Tây Bắc đẹp, hùng vĩ. Nếu du khách đi theo đường bộ, vượt qua đèo Tẳng Quái, dốc Nà Lơi (QL 279), đèo Cò Chạy (QL 12) một thung lũng đẹp như bức tranh thủy mặc với chiều rộng khoảng 12km hiện ra trước tầm mắt; dòng Nậm Rốm ngàn năm oằn mình cuộn chảy tưới tắm cho cánh đồng Mường Thanh gạo trắng nước trong với những loại gạo đặc sản ngon nổi tiếng cả nước…
Hoa ban - loài hoa trắng trong, tinh khiết, đặc trưng của mảnh đất "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" |
Lần dở trang vàng lịch sử, tên Điện Biên Phủ có từ năm Tân Sửu (1841) do vua Thiệu Trị đổi từ châu Ninh Biên. Trong sách “kiến văn tiểu lục” nhà bác học Lê Quý Đôn đã phác họa đất Mường Thanh: “Thế núi vòng quanh, ruộng đất bằng phẳng, màu mỡ... công việc làm ruộng bằng nửa công việc các châu khác mà số hoa lợi thu gấp đôi”. Mường Thanh là tên gọi cổ xưa nhất của Điện Biên Phủ, phiên âm tiếng Thái là Mường Then có nghĩa “Mường Trời”, là vùng cái nôi của dân tộc Thái từng được ca tụng “nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc”.
Từ các câu chuyện truyền miệng trong dân gian, đến các thư tịch, rồi qua các công trình nghiên cứu, Mường Thanh là điểm khảo cổ tập trung, chứa đựng vô số những bí ẩn thời trung - cận đại, là điểm du lịch văn hóa lịch sử vô cùng hấp dẫn.
Không chỉ “xứ Mường Trời”, Điện Biên còn sở hữu nhiều danh thắng hoang sơ, đẹp và hùng vĩ, như động Pa Thơm (huyện Điện Biên), động Xá Nhè (huyện Tủa Chùa). Hai hang động này dài hàng trăm mét. Khách tham quan sẽ bắt gặp những tảng đá, nhũ đá khổng lồ mang nhiều hình dáng sống động, màu sắc huyền ảo. Nếu muốn thử sức chinh phục thiên nhiên, từ TP Điện Biên Phủ du khách có thể vượt 200 cây số vào huyện Mường Nhé. Đây có một trong những Khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất Việt Nam, có cột mốc A Pa Chải - tiếp giáp 3 nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc, “nơi 3 nước cùng nghe một tiếng gà”...
Khu di tích lịch sử độc nhất vô nhị
Lịch sử chống xâm lăng của dân tộc đã ưu ái dành cho tỉnh Điện Biên một khu di tích lịch sử độc nhất vô nhị với trận thư hùng lịch sử năm 1954 giữa Quân đội Việt Minh với quân thực dân Pháp. Sau “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm/ Mưa dầm cơm vắt…”, tướng Võ Nguyên Giáp và đội quân của ông đã làm nên một “Chiến thắng lừng lẫy năm châu, trấn động địa cầu” (các chữ in nghiêng -thơ Tố Hữu).
Từ năm 1984 - dịp kỷ niệm 30 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đến nay, Chính phủ đã nhiều lần đầu tư tôn tạo Cụm di tích đặc biệt này. Điểm nhấn trước hết là Nghĩa trang liệt sĩ A1 - nơi an nghỉ của 644 anh hùng liệt sĩ đánh trận A1; cạnh đó là Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ với nhiều hiện vật quý giá, tái hiện lại 56 ngày đêm trong trận đánh oai hùng.
Ngoài ra, Đồi A1 nằm ở phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ là điểm đến không thể thiếu với du khách khi đặt chân lên xứ sở Mường Trời. Ngày nay, Đứng trên đồi A1, du khách có thể phóng tầm mắt nhìn toàn cảnh cánh đồng Mường Thanh, cạnh sân bay Điện Biên Phủ - nơi mỗi ngày có từ 2 - 4 chuyến bay về Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Một góc thành phố Điện Biên Phủ hôm nay nhìn từ máy bay |
Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh Văn Thành Chương |
Cánh đồng Mường Thanh nhìn từ máy bay |
Cách thành phố Điện Biên Phủ 30km là Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ thuộc xã Mường Phăng (huyện Điện Biên). Vị trí này nằm ở độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển, ẩn mình dưới tán rừng cổ thụ, dưới chân núi Pú Đồn. Nơi đây hiện còn lưu giữ nhiều di tích có giá trị lịch sử như: Lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, Trưởng ban thông tin liên lạc Hoàng Đạo Thúy…
Đặc biệt, tại đây có hồ Pá Khoang - hồ thủy lợi có diện tích trên 600ha “mọc” trên núi đẹp nổi tiếng với thắng cảnh hoang sơ. Xung quanh hồ là những bản người Thái nằm nép mình dưới tán rừng ban khoe sắc. Hồ Pá Khoang hiện được đầu tư xây dựng thành khu du lịch - nghỉ dưỡng đắt khách. Vào mùa Xuân, những bản làng xung quanh hồ được nhuộm hồng bằng những cánh hoa anh đào mỏng manh.
Cách đây 15 năm, tháng 10/2006 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 230/QĐ - TTg về việc quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên giai đoạn 2006 - 2020; trong đó có mục tiêu xây dựng Điện Biên thành trung tâm du lịch tầm cỡ của vùng Tây Bắc và là trọng điểm du lịch trong hệ thống du lịch quốc gia.
Khách tham quan Khu di tích Đồi A1 trước thời điểm dịch Covid-19. Ảnh Văn Thành Chương |
Trước đại dịch Covid-19, trung bình mỗi năm Điện Biên đón gần 1 triệu khách du lịch, trong đó có 200.000 khách quốc tế, với điểm nhấn “hút khách” là Lễ hội hoa ban (tổ chức vào ngày 13/3 hàng năm - kỷ niệm trận đánh mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954) và dịp 7/5 - Kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Nền kinh tế không khói này đã tạo công ăn việc làm cho gần 14.000 người, với doanh thu về du lịch ước đạt hơn 1.300 tỉ đồng (số liệu năm 2019), góp phần xóa đói giảm nghèo, từng bước thay đổi diện mạo vùng đất lịch sử này…
Cũng như các ngành kinh tế khác, đại dịch đã khiến du lịch Điện Biên gặp khó. Tuy nhiên với chủ trương “thích ứng an toàn”, cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng tỉnh Điện Biên đã và đang nỗ lực điều chỉnh các giải pháp, từng bước khôi phục lại các hoạt động du lịch. Năm Nhâm Dần 2022, kỷ niệm 68 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ là một cơ hội vàng cho du lịch tỉnh Điện Biên vượt qua đại dịch Covid-19 và cất cánh…