"Bốn mùa thương nhớ": Hành trình đi tìm bản ngã của Nhà thơ Quản lý thị trường
Ra mắt tập thơ đầu tay “Bốn mùa thương nhớ” vào một ngày thu dịu nhẹ, tác giả Nguyễn Sỹ Bình - Đội trưởng Đội 16, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội vinh dự trở thành Nhà thơ Quản lý thị trường (QLTT) đầu tiên trong lực lượng.
Tập thơ “Bốn mùa thương nhớ” là minh chứng rõ nét cho chất thơ hòa cùng chất lính, thăng hoa cùng nghệ thuật ngôn từ.
Lý giải về cội nguồn cảm xúc để sáng tác, tác giả Nguyễn Sỹ Bình cho biết, ông sinh ra và lớn lên tại Hà Nội nhưng tuổi thơ từng về quê ngoại tại Bình Lục, Hà Nam sơ tán. Cảnh làng quê yên bình, cuộc sống nơi nông thôn thấm đượm tình người vẫn in đậm trong tâm trí tuổi thơ ông. “Và cũng chẳng biết từ lúc nào tình yêu đối với văn học và đặc biệt là thơ đã nhen nhóm trong tâm hồn tôi… tôi yêu thơ của nhà thơ Nguyễn Bính gần gũi thân thương, thơ của nhà thơ Xuân Diệu lãng mạn bay bổng, những áng thơ hào hùng nhiệt huyết của nhà thơ Tố Hữu”, tác giả Nguyễn Sỹ Bình tâm sự.
Nhà thơ QLTT Nguyễn Sỹ Bình chia sẻ cảm xúc tại lễ ra mắt Tập thơ "Bốn mùa thương nhớ"
Tác giả chia sẻ, đầu những năm 1980, dù cuộc sống trong quân ngũ (tại Buôn Mê Thuật) đầy rẫy những hiểm nguy, khó khăn cũng không làm vơi đi tình yêu và sự quan tâm của ông dành cho thơ phú. Ngoài giờ huấn luyện, lao động ông dành thời gian đọc những cuốn sách yêu thích tại thư viện của Viện Quân y 48 cho đến ngày ra quân… Sau đó, trở về với cuộc sống bao cấp còn khó khăn, vất vả, đồng lương ít ỏi, nhưng tháng nào ông cũng dành một phần tiết kiệm để mua báo văn nghệ cuối tuần và tạp chí văn nghệ quân đội. Có lẽ những bài viết, những áng thơ cứ âm thầm thẩm thấu trong ông từ đó. “Cuộc sống của tôi đã trải qua đủ cung bậc, với bao thăng trầm. Có những lúc đã tưởng rằng không gượng dậy được, nhưng rồi, nhờ sự động viên giúp đỡ của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp… tôi đã vượt qua tất cả và trở lại chính mình. Sau những thăng trầm trong cuộc sống, sau những cung bậc vui buồn đã trải qua, giờ đây có thể thảnh thơi một chút cũng là lúc những áng thơ dường như được dịp bung tỏa, đánh thức trong tôi”, Nhà thơ Nguyễn Sỹ Bình bộc bạch.
Nhà thơ, nhà báo, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Trần Đăng Khoa phát biểu chúc mừng Nhà thơ QLTT Nguyễn Sỹ Bình
Tại lễ ra mắt Tập thơ “Bốn mùa thương nhớ”, tác giả bày tỏ nguyện vọng sau khi hoàn thành trách nhiệm của cấp trên giao, ông sẽ tham gia lĩnh vực văn học nghệ thuật, dành trọn thời gian, tình cảm để “chơi” cùng ngôn từ.
Nguyên ĐBQH Việt Nam tỉnh Ninh Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội khóa 14 (nhiệm kì 2016-2021) Nguyễn Sỹ Cương phát biểu chúc mừng
Những ai từng sáng tạo nghệ thuật hẳn sẽ hiểu, có những lúc, câu chữ cứ ào ạt tuôn trào, chỉ muốn viết và viết. Tác giả Nguyễn Sỹ Bình là một minh chứng rõ nét. Bén duyên cùng thơ từ năm 2021 nhưng phần lớn các tác phẩm của “Bốn mùa thương nhớ” được sáng tác trong năm 2022. Hơn 100 bài thơ là những trải lòng của tác giả về tình yêu và nhân tình thế thái.
Nhà văn, nhà báo Nguyễn Uyển (áo trắng, bên trái Nhà thơ Nguyễn Sỹ Bình) và các nhà văn, nhà thơ chụp ảnh lưu niệm cùng tác giả tập thơ "Bốn mùa thương nhớ"
Cảm nhận chung về Tập thơ “Bốn mùa thương nhớ”, Nhà văn, nhà báo Nguyễn Uyển cho biết, bản thảo tập thơ đầu tay “Bốn mùa thương nhớ” của tác giả Nguyễn sỹ Bình có tới 103 bài, vào sách cũng phải 200 trang có lẻ. Thể thơ “bát ngôn”, mỗi dòng 8 chữ; gọi cho đúng thì đó là dòng thơ 8 từ! Theo lý lẽ, bài thơ dài hay ngắn của thể loại thơ này không quy định, nhưng ngắn nhất cũng phải đôi dòng. Với Nguyễn sỹ Bình thì không bài nào như thế. Ngắn nhất cũng phải 2 khổ, 8 dòng; dài ngắn tùy đề tài và chủ để mà anh thể hiện...
Theo Nhà văn - nhà báo Nguyễn Uyển, Nguyễn sỹ Bình tuổi cận 60 “đốc chứng” làm thơ suốt 2 năm lại đây, chủ yếu là nửa năm 2022. Tác giả thể hiện khá vững luật thơ “bát ngôn”, cách gieo vần chuẩn mực; đặc biệt là tác giả linh hoạt sử dụng luật thanh trong thể thơ tạo nên âm điệu dương của nhiều bài thơ, vần chéo (giãn cách), vần ôm đầm ấm... cái đáng nể với tác giả khiến tôi đọc liền 103 bài thơ cùng một thể loại (trừ vài bài thất ngôn) mà không mệt; vẫn yêu, vẫn quý bởi Nguyễn sỹ Bình rất giàu cảm xúc, đậm vốn từ khi thể hiện đề tài và chủ đề của mỗi bài viết... “Thơ là tiếng nói của tâm hồn, là sự rung động của con tim. Điều này thật đúng với Nguyễn sỹ Bình. Cuộc đời của anh là công việc của một người có học đến nơi đến chốn. Anh từng là bộ đội nghĩa vụ, từng là cán bộ cần mẫn với công việc của ngành Công Thương Việt Nam cho tới tận hôm nay. Bộn bề nhân tình thế thái, tình yêu con người, yêu công việc, yêu quê hương đất nước... là bản sắc bao trùm trong suốt tập thơ”, Nhà văn – Nhà báo Nguyễn Uyển nhận xét.
Cảm xúc về lứa đôi, về nhân tình thế thái khiến tác giả Nguyễn Sỹ Bình thao thức.
Đã khuya rồi sao không ngủ đi tôi
Để đôi mắt cứ nhìn vào nỗi nhớ
Ở ngoài hiên gió ầm ào nhắc nhở
Rằng trong lòng đang nổi trận bão giông...
(Đêm không ngủ)
Tâm hồn tác giả bừng lên, trở về từ ký ức. Bài mở đầu tập thơ (ghi ngày 6/4/2022) tự cảm đến nao tình:
Tiếng chuông gió làm không gian xao động
Đưa hồn anh từ ký ức trở về
Như bừng tỉnh mọi cảm xúc đam mê
Về thực tại với bộn bề gian khó.
(Giọt thương, giọt nhớ)
Và, tác giả hồi tưởng lại tất cả, tất cả những gì với người mình yêu thương:
Mình đi qua cả bốn mùa thương nhớ
Từng phút giây lắng đọng với thời gian
Có những lúc thật khắc khoải gian nan
Rồi đọng lại vẫn là thương với nhớ...
(Bốn mùa thương nhớ)
Nhà văn – Nhà báo Nguyễn Uyển cho rằng, tình bạn của Nhà thơ Nguyễn Sỹ Bình tuyệt đẹp với cả cõi thực lẫn mơ, với cõi trần và cõi của muôn năm. Rất rất đẹp qua từng bài thơ, trong từng con chữ. Đọc rồi, nhớ mãi cảm xúc rất đỗi tinh khôi:
Rồi hôm nay mình gặp được nhau đây
Ngồi ôn lại những ngày từng trải
Về thời thanh xuân miệt mài mê mải
Với thành công thất bại trong đường đời..
Khi yêu, những lời trách cứ, hờn giận cũng trở nên đáng yêu biết nhường nào! Và chỉ những trái tim thổn thức yêu thương mới tin rằng định mệnh rồi sẽ se duyên đôi lứa:
Em ở đâu mà sao không nói ra
Đừng bắt tội anh đi tìm em nữa
Nếu chúng mình chắc chắn là một nửa
Sẽ bên nhau như số phận an bài.
(Nhớ về em)
Và rồi, sau biết bao thăng trầm của cuộc sống, quá nửa đời người, Nhà thơ ấy tự sự:
Một kiếp nhân sinh đời người ngắn lắm
Hãy chắt lọc trong cuộc sống tinh hoa
Cô đọng lại những gì thuộc về ta
Những gì phù phiếm trả về hư ảo.
(Giữa dòng)
“Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn” (trích thơ Chế Lan Viên). Bởi vậy, mỗi vùng đất đi qua, từ Côn Đảo, Cà Mau, Cần Thơ, Nha Trang, Bắc Hà, Hà Giang, Trà Cổ, Điện Biên…, tác giả đều gửi nỗi niềm qua từng câu chữ:
Tôi đến Hà Giang cực Bắc trời mây
Xuống Trà Cổ với rừng dương ngút mắt
A Pa Chải – Điện Biên cực Tây nắng gắt
Sang Mũi Đôi – Mũi Điện điểm cực Đông
Giờ đến đây thấy xao xuyến trong lòng
Khi Cà Mau thay lên màu áo mới
Em xinh tươi như một làn gió mới
Thổi vào anh một năng lượng tràn trề.
(Cà Mau)
Tác giả tập thơ “Bốn mùa thương nhớ” chia sẻ: “Tôi cứ viết và viết, dồn hết tâm trí, tình cảm để viết. Tôi viết với tất cả tình yêu, sự biết ơn; viết như một sự tri ân dẫu có muộn mằn với người thân, với cuộc đời. Khi nhận được phản hồi của bạn bè người thân nhất là sự khích lệ của người thủ trưởng cũ là bác Phan Văn Đà tức nhà thơ Đà Giang; và khi thơ của tôi được đăng trên ấn phẩm Báo Điện Biên Phủ cuối tuần… tôi thấy là nguồn động viên to lớn và càng thấy tự tin với việc mình làm. Ngày hôm nay ra mắt tập thơ đầu tay với tựa đề BỐN MÙA THƯƠNG NHỚ là sự ghi nhận sự nỗ lực của bản thân tôi, một kỷ niệm đẹp trân trọng trong cuộc đời của tôi”.
Tập thơ có đủ bốn mùa, với không gian ngập tràn tình yêu và nỗi nhớ. Chất liệu đó trở thành cảm hứng xuyên suốt để Nguyễn Sỹ Bình chạm khắc nên “Bốn mùa thương nhớ” theo một cách rất riêng.
Người Quản lý thị trường không chỉ có kiểm tra, kiểm soát; không phải lúc nào cũng răm rắp theo những nguyên tắc, quy định…; trong tâm hồn mỗi người Quản lý thị trường còn có nét tài hoa, những lúc buồn vui, thổn thức có thể mượn nghệ thuật để gửi gắm nỗi lòng. Với những người như tác giả Nguyễn Sỹ Bình, lúc này, được sáng tác, được sống với đam mê nghệ thuật chính là cách để trả nợ với đời, để vơi đi nỗi niềm và để kiếm tìm bản ngã.
Bạn bè, người thân, đồng nghiệp đến chúc mừng lễ ra mắt tập thơ đầu tay của Nhà thơ QLTT Nguyễn Sỹ Bình
Quả thật, đi qua ngày giông bão, con người trở lại vẻ trầm mặc, thích ưu tư, hồi tưởng và hướng về ngày mai. Quá khứ - hiện tại – tương lai trong tâm trí của Nhà thơ Nguyễn Sỹ Bình thật đẹp, cứ hòa quyện, dệt thành những cảm xúc, nỗi niềm chất chứa. Tập thơ khép lại với một bản nhạc, như thể, tâm hồn người nghệ sỹ ấy cứ mãi ngân nga, cứ mãi miên man cùng niềm yêu, nỗi nhớ.