Mô hình ngành dọc của Quản lý thị trường đã thực sự phát huy hiệu quả?
Sau hơn 4 năm hoạt động theo mô hình ngành dọc, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) đã chứng minh được tính hiệu quả xuyên suốt; đã khắc phục được điểm yếu lớn nhất từ trước đây đó là sự chia cắt theo địa bàn. Không chỉ vậy, sự chỉ đạo xuyên suốt, thống nhất từ Tổng cục đến địa phương đã tạo thuận lợi cho các đơn vị phối hợp hành động kịp thời, khẳng định vai trò nòng cốt của QLTT trong Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, làm cơ sở cho sự phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo 389 tỉnh/thành phố xử lý nhiều vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại.
Điển hình, 10 tháng đầu năm 2022, lực lượng QLTT cả nước đã liên tiếp phát hiện, “truy quét”, “xóa sổ” nhiều tụ điểm kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ... Như vụ đồng loạt kiểm tra 3 tổng kho, cửa hàng kinh doanh hàng giả, hàng lậu lớn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; vụ triệt phá cơ sở kinh doanh có 4 kho hàng chứa chữ nhiều sản phẩm giả mạo nhãn hiệu tại Sầm Sơn, Thanh Hóa; vụ bắt giữ lô hàng mỹ phẩm nhập lậu và thuốc trị giá gần 20 tỷ đồng tại TP. Hồ Chí Minh...
Mới đây nhất, trong những ngày đầu tháng 11/2022, dưới sự chỉ đạo của Tổng Cục trưởng, lực lượng QLTT liên tiếp tấn công, kiểm tra thiên đường mua sắm “Sài Gòn Square” tại TP. Hồ Chí Minh và phát hiện hàng ngàn sản phẩm giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng đã được bảo hộ tại Việt Nam. Trong lần kiểm tra này, ngoài sự chủ trì của lực lượng QLTT đã có thêm sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Điều đó cho thấy sự phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường của lực lượng, từng bước hạn chế tiến tới xóa sổ những hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu để bảo vệ người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước.
Trong diễn biến liên quan đến vụ việc hàng giả tại Trung tâm thương mại Sài Gòn Square, bên lề kỳ họp Quốc hội khóa XV, một số đại biểu đã có những chia sẻ thẳng thắn về vai trò, trách nhiệm của lực lượng QLTT trong công tác phòng, chống hàng giả, hàng nhái cũng như những đánh giá, nhận định về mô hình hoạt động theo ngành dọc của lực lượng sau hơn 4 năm triển khai.
Quản lý thị trường đã “làm thật, xử thật”
Chia sẻ với phóng viên, Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đây là một “chiến công lớn”. QLTT đã “làm thật, xử thật”. Nếu những sản phẩm hàng giả, hàng vi phạm này chót lọt ra thị trường, hệ quả sẽ rất khôn lường, ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng, đến doanh nghiệp và lớn hơn nữa là thiệt hại về kinh tế.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu cho rằng, mô hình ngành dọc của QLTT có nhiều đổi mới và mang tính hệ thống từ Trung ương đến địa phương. Dấu ấn của mô hình này là từ những hành động “làm thật, xử thật" hay “chủ động tấn công thay vì ngồi chờ tin báo” |
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu nhìn nhận, QLTT đã vào cuộc kịp thời. Không riêng vụ đột kích, tấn công vào Trung tâm thương mại Saigon Square, mà trước đó, kể từ khi chuyển đổi mô hình hoạt động, lực lượng đã “đặt chân đến” nhiều điểm nóng về sản xuất, kinh doanh hàng giả như: Lucky Plaza TP. Hồ Chí Minh, phố cổ Hà Nội, trung tâm thương mại tại Móng Cái (Quảng Ninh), chợ Ninh Hiệp...
“Mô hình ngành dọc có nhiều đổi mới và mang tính hệ thống từ Trung ương đến địa phương. Tính vận hành thông suốt, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm. Dấu ấn của mô hình này là từ những hành động “làm thật, xử thật" hay “chủ động tấn công thay vì ngồi chờ tin báo””, Đại biểu Nguyễn Thị Sửu đánh giá và nhấn mạnh, đây là minh chứng cho sự chuyển mình rõ rệt của lực lượng QLTT sau hơn 4 năm hoạt động theo mô hình mới.
“Khách quan mà nói, lực lượng QLTT đã có sự đột phá đáng ghi nhận. Từ công tác phối hợp liên ngành trong kiểm soát buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng ở khu vực biên giới, nội địa đến công tác chỉ đạo, quản lý điều hành. Hoạt động của lực lượng QLTT đã đáp ứng được niềm tin, kỳ vọng của của người dân và Chính phủ”, Đại biểu Sửu nhấn mạnh một lần nữa.
Hoạt động tích cực và trách nhiệm
Trong khi đó, Đại biểu Trần Văn Lâm - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, Ủy viên Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội chia sẻ, công tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đã được Bộ Công Thương, Tổng Cục QLTT và QLTT các tỉnh, thành phố triển khai khá tích cực, hiệu quả.
Minh chứng, đã có rất nhiều vụ việc liên quan đến hàng giả, háng nhái, hàng kém chất lượng, buôn lậu, gian lận thương mại được đưa ra ánh sáng và xử lý nhiều đối tượng, nhiều hành vi vi phạm một cách nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.
“Điều này cho thấy sự nỗ lực, hiệu quả trong công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng QLTT. Hoạt động tích cực, có trách nhiệm. Đồng thời, cũng cho thấy việc cơ cấu lại lực lượng theo hệ thống ngành dọc bước đầu đã có hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu tình hình mới”, Đại biểu Trần Văn Lâm đánh giá.
Đại biểu Trần Văn Lâm đánh giá, lực lượng QLTT đã hoạt động tích cực, có trách nhiệm. Việc cơ cấu lại lực lượng theo hệ thống ngành dọc bước đầu đã có hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu tình hình mới |
Cũng theo Đại biểu Lâm, thời gian tới, nhất là trong thời điểm cuối năm, thị trường sôi động hơn, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại diễn ra ngày càng tinh vi và phức tạp, vì vậy đòi hỏi lực lượng QLTT càng phải nỗ lực, quyết tâm và có nhiều biện pháp nghiệp vụ chuyên sâu, hiệu quả hơn nữa để nắm bắt thông tin cũng như có biện pháp mới trong đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, Đại biểu Lâm cũng cho rằng, trong lĩnh vực đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái... trách nhiệm chính là của lực lượng QLTT nhưng đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ của rất nhiều cơ quan từ Trung ương tới địa phương, các cơ quan chuyên môn tới các chính quyền ở các cấp ở địa phương.
“Cần phải có sự chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ương tới các ngành và các cơ quan ở địa phương. Có như vậy, công tác đấu tranh phòng chống gian lận thương mại ngày càng đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả cao nhất”, Đại biểu Trần Văn Lâm đề xuất.
Tập trung vào địa bàn trọng tâm, mặt hàng trọng điểm
Chia sẻ bên lề kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV về hoạt động của lực lượng QLTT, Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà - Đoàn TP. Hà Nội, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng, trong đó có lực lượng QLTT đã có nhiều cố gắng, tích cực khi triển khai nhiều biện pháp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Qua đó, phát hiện, xử lý hàng chục ngàn vụ việc vi phạm, góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng, bảo vệ sản xuất trong nước và an ninh kinh tế.
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà - Đoàn TP. Hà Nội đánh giá về hoạt động của lực lượng QLTT bên lề kỳ họp 4, Quốc hội khóa XV |
Tuy nhiên, theo Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn đang diễn ra rất phức tạp. Đặc biệt, ở nhóm hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền... Các vi phạm diễn ra ngày một đa dạng với phương thức thủ đoạn tinh vi, phạm vi rộng từ thành thị đến nông thôn, miền núi.
Nguy hiểm hơn, các đối tượng vi phạm đã lợi dụng những bất cập về cơ chế chính sách, những sơ hở trong công tác quản lý và những hạn chế của người tiêu dùng để sản xuất, phân phối, hình thành các đường dây, băng nhóm sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng nói trên.
Đặc biệt, sự bùng nổ của dịch vụ Internet và hoạt động kinh doanh, quảng cáo trên các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội khiến người tiêu dùng dễ dàng tiếp nhận thông tin và thực hiện việc mua bán các sản phẩm là hàng giả, hàng kém chất lượng... Thực tế trên đây là đáng báo động, gây ra những tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống của người tiêu dùng, làm nhiễu loạn thị trường, tổn hại sản xuất kinh doanh.
Kịp thời khắc phục tình hình đó, các bộ, ngành, các địa phương, các lực lượng chức năng, trong đó chủ công là lực lượng QLTT tiếp tục quán triệt sâu sắc và đề cao trách nhiệm trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đặc biệt, tập trung đánh vào những địa bàn trọng tâm, những mặt hàng trọng điểm. Phải xác định đây là nhiệm vụ quan trọng vừa cấp bách và lâu dài.
Ngày 10/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) trực thuộc Bộ Công Thương. Đây là dấu mốc quan trọng, đánh dấu bước chuyển mình trong 65 năm hình thành và phát triển của lực lượng. Từ một lực lượng chưa được tổ chức thống nhất, bị phân tán, cắt khúc theo địa giới hành chính trở thành lực lượng được tổ chức thống nhất, xuyên suốt từ trung ương đến địa phương. Đặc biệt, sau hơn 4 năm hoạt động theo mô hình ngành dọc, lực lượng QLTT đã chứng minh được tính hiệu quả xuyên suốt, mang lại hiệu ứng tốt trên thị trường, nhận được đánh giá tích cực từ phía Chính phủ, các doanh nghiệp và người tiêu dùng. |