Cảnh báo nguy cơ thiếu an toàn thực phẩm dịp Tết Giáp Thìn 2024
Cuối năm là dịp mà thực phẩm và tiêu dùng nhiều, nhất là vào lễ hội xuân, Tết Nguyên đán. Năm 2024, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương đã ban hành Kế hoạch số 1540 ngày 13/12/2023 về triển khai công tác bảo đảm ATTP Tết Nguyên Đán Giáp Thìn và mùa lễ hội Xuân 2024. Vào mùa Tết Nguyên đán cũng như lễ hội xuân, nhu cầu tiêu dùng tăng lên gấp nhiều lần so với trong năm. Những mặt hàng chủ yếu tăng lên trong dịp này là thực phẩm tiêu dùng trong dịp Tết như các loại thịt, bánh mứt kẹo, đồ uống…
Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương đã chỉ đạo bảo đảm ATTP trong sản xuất, chế biến và kinh doanh cũng như sử dụng thực phẩm nói chung, tập trung vào những cơ sở sản xuất kinh doanh. Từ đó, tăng cường kiểm soát, ngăn chặn kịp thời việc sản xuất kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng cũng như phòng chống ngộ độc thực phẩm.
Cục An toàn thực phẩm xác định những sản phẩm thực phẩm trọng tâm để đi kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh như bánh kẹo, miến, thịt, gạo và các loại đồ uống… trong dịp Tết này.
(Ảnh minh họa) |
Theo ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, gần đây kinh doanh qua mạng online tăng nhiều, thậm chí tăng gấp nhiều lần và xu hướng ngày càng tăng. Đấy là xu hướng chung của thế giới, chứ không phải chỉ riêng Việt Nam, thậm chí bây giờ còn có đặt hàng từ nước ngoài về nữa… Do đó, việc kinh doanh trên mạng cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Việc này ngành công thương sẽ là chủ đạo trong vấn đề kiểm soát, đó là thương mại điện tử.
Tuy nhiên, thương mại điện tử hiện nay có cái khó khăn, đó là kinh doanh hàng online không phải đăng ký kinh doanh mà họ sẽ tự chịu trách nhiệm về những sản phẩm đó. Tất nhiên cơ quan quản lý có trách nhiệm về kiểm soát, kiểm tra. Ví dụ như một cơ sở mà sản xuất một thực phẩm nào đó để bán, thì rõ ràng đấy là họ kinh doanh. Mặc dù họ không phải đăng ký kinh doanh nhưng họ vẫn phải tuân thủ theo các quy định bảo đảm ATTP, mà nếu không tuân thủ, họ vẫn bị xử lý, cấm bán… Những nơi có địa chỉ, cơ quan chức năng vẫn phải căn cứ trên việc kinh doanh đó để kiểm tra, kiểm soát. Dịp Tết này cũng sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát những cái đó.
Cũng theo ông Nguyễn Hùng Long, nguyên tắc cơ bản để đảm bảo ATTP đối với người dân trong việc bảo quản, chế biến thực phẩm ngày Tết là thực phẩm nên ăn chín. Nấu xong không để quá 4 giờ mới ăn. Đặc biệt là đừng làm nhiều quá, để ăn không hết lưu cữu ngày này sang ngày khác. Lúc đó, chúng ta bảo quản để lạnh thế nào, nó vẫn cứ bị ảnh hưởng đến chất lượng và sự an toàn. Đó là lưu ý đầu tiên là trong khâu chế biến và sử dụng.
Thứ hai, là đối với thực phẩm mua sẵn, chúng ta lưu ý về nhãn mác đầy đủ và tuân thủ theo hướng dẫn về vận chuyển, bảo quản của người sản xuất. Thứ ba là về sử dụng. Chúng ta cố gắng làm sao mà sử dụng cho đầy đủ, vừa phải chứ đừng sử dụng quá nhiều. Vì uống rượu quá nhiều, chắc chắn ảnh hưởng sức khỏe. Đây là một vài thông tin cơ bản để chúng ta có thể lưu ý trong quá trình mua, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm trong dịp Tết.