Cảnh giác với sản phẩm bánh Trung thu giá rẻ trên thị trường
Thu giữ hàng trăm ngàn sản phẩm bánh trung thu, đồ chơi trẻ em nhập lậu
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, doanh nghiệp kinh doanh chân chính cũng như giữ thị trường ổn định, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, trong dịp Trung thu năm 2023, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã chỉ đạo Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp tết Trung thu năm 2023 và kiểm tra chất lượng hàng hoá đến hết năm 2023.
Nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục QLTT, trong những ngày qua, Cục QLTT các tỉnh, thành phố đã tăng cường lực lượng thường xuyên kiểm tra, giám sát thị trường, qua đó, kịp thời phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm liên quan đến việc vận chuyển, kinh doanh bánh trung nhập lậu, thực phẩm, hàng hóa là đồ chơi của trẻ em không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Cụ thể, ngày 25/9, Đội QLTT số 5 - Cục QLTT tỉnh Lào Cai đã phối hợp kiểm tra và phát hiện trên 3.000 sản phẩm bánh trung thu các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ với tổng giá trị hàng hóa vi phạm trên 38 triệu đồng tại khu vực đường Hoàng Quy, tổ 26, phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai. Thời điểm kiểm tra, ông Toản - chủ sở hữu của lô hàng (trú tại Tổ 9, phường Kim Tân, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai) không xuất trình được hóa đơn chứng từ, giấy tờ, tài liệu chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hoá. Đội QLTT số 5 đã lập hồ sơ xử lý và tạm giữ hàng hoá để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.
Thời gian qua, lực lượng QLTT TP. Hồ Chí Minh cũng liên tiếp kiểm tra, phát hiện và thu giữ hàng ngàn sản phẩm bánh Trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ |
Trước đó, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, ngày 21/9/2023, Đội QLTT số 12, Cục QLTT TP phối hợp kiểm tra điểm kinh doanh chứa trữ hàng hóa trên đường Quốc lộ 1A, Khu phố 6, phường Tân Thới Nhất, Quận 12. Tại đây, lực lượng chức năng đã phát hiện 4.608 sản phẩm bánh trung thu trứng chảy không rõ nguồn gốc xuất xứ, loại 2,5 kg/thùng, không rõ ngày sản xuất, hạn sử dụng, có tổng trị giá hàng hóa trên 18 triệu đồng. Thời điểm kiểm tra, chủ hộ kinh doanh chưa xuất trình được các hóa đơn, chứng từ liên quan đến số hàng hoá.
Trước đó 1 ngày, cũng trong Quận 12, Đội QLTT số 12 đã phối hợp kiểm tra điểm kinh doanh chứa trữ hàng hóa trên đường TX43, Khu phố 3, phường Thạnh Xuân. Qua kiểm tra, phát hiện 3.576 sản phẩm bánh trung thu, hiệu Bibizan tttt, loại 45gr/cái, ngày sản xuất 15/7/2023, hạn sử dụng là 90 ngày, tổng trị giá trên 25 triệu đồng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn sử dụng. Tại thời điểm kiểm tra, chủ hộ kinh doanh chưa xuất trình được các hóa đơn, chứng từ liên quan đến số hàng hóa nói trên. Đội QLTT số 12 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hoá để xử lý theo quy định.
Hay như tại Hưng Yên, ngày 7/9, Đội QLTT số 5, Cục QLTT tỉnh đã phối hợp h khám phương tiện vận tải theo thủ tục hành chính đối với xe ô tô tải BKS 89C - 253.79. Kết quả khám phương tiện, Đoàn kiểm tra phát hiện trên xe đang vận chuyển 21.000 chiếc bánh Trung thu, được đóng trong 300 thùng carton trên nhãn hàng hóa ghi chữ nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, lái xe không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, tài liệu hợp lệ kèm theo tại thời điểm khám phương tiện.
Quá trình thẩm tra, xác minh, lực lượng QLTT Hưng Yên cho biết, toàn bộ số hàng hóa trên là hàng hóa nhập lậu, chủ hàng là bà Đ.T.P trú tại huyện Yên Mỹ. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với bà Đ.T.P về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền là 16 triệu đồng và tịch thu toàn bộ 21.000 chiếc bánh vi phạm.
Lực lượng QLTT Hà Nội cũng liên tiếp kiểm tra và thu giữ hàng trăm ngàn sản phẩm bánh Trung thu các loại nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ |
Đáng chú ý, trên địa bàn Thủ đô, ngày 14/9, Đội QLTT số 22 – Cục QLTT Hà Nội phối hợp kiểm tra địa điểm kinh doanh tại số 340 đường Bờ Tây Sông Huệ, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm. Qua kiểm tra, phát hiện cơ sở đang kinh doanh hàng hóa là bánh trung thu các loại, Đội QLTT số 22 đã tạm giữ 122.100 sản phẩm bánh các loại có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu. Trị giá hàng hóa trên180 triệu đồng.
Hay như đối với sản phẩm đồ chơi dành cho trẻ em, trong quá trình kiểm tra, rà soát thị trường, Đội QLTT số 2 - Cục QLTT tỉnh Hòa Bình phối hợp kiểm tra xe ô tô Biển kiểm soát: 88C - 091.90. Qua kiểm tra và tiến hành khám phương tiện Đoàn kiểm tra phát hiện trên xe có 14 thùng đồ chơi trẻ em các loại và 80 chiếc ô che do nước ngoài sản xuất là hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên hàng hóa không có thể hiện được thông tin nhà sản xuất, đơn vị chịu trách nhiệm về hàng hóa. Tại cơ quan chức năng, chủ xe khai nhận tên là Đ.V.Đ, sinh năm 1990, trú tại xã Vân Xuân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Toàn bộ số hàng hoá gồm 1.040 sản phẩm đồ chơi Trung thu được vận chuyển từ Vĩnh Phúc về thành phố Hòa Bình giao cho các cửa hàng để tiêu thụ. Hiện số hàng hóa trên đã được tạm giữ xác minh, xử lý theo quy định.
Sản phẩm đồ chơi trẻ em cũng là mặt hàng trọng điểm kiểm tra của lực lượng QLTT trong cao điểm Trung thu năm 2023 |
Cũng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, trong quá trình kiểm tra, giám sát thị trường, Đội QLTT số 5 đã phối hợp kiểm tra điểm kinh doanh đồ chơi trẻ em trên đường Châu Văn Liêm, Phường 14, Quận 5. Qua kiểm tra phát hiện gần 1.500 chiếc lồng đèn trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ, không đảm bảo an toàn sử dụng với tổng trị giá theo giá niêm yết là 51,6 triệu đồng. Theo trình bày của chủ hộ kinh doanh, toàn bộ số hàng hoá này mua trôi nổi trên thị trường, không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hoá.
Cảnh giác với sản phẩm bánh Trung thu không tên tuổi, nhãn mác
Liên quan đến thị trường hàng hóa dịp Tết Trung thu năm 2023, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ QLTT Nguyễn Đức Lê cho biết, ngày 18/8 vừa qua, Tổng cục QLTT đã ban hành văn bản chỉ đạo Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh Trung thu. Trong đó, chú trọng kiểm tra về nguyên liệu sản xuất; việc sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất lượng sản phẩm, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm...
Riêng đối với mặt hàng đồ chơi trẻ em, Tổng cục QLTT đề nghị Cục QLTT các tỉnh, thành phố chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh mặt hàng đồ chơi trẻ em, kiểm tra về nguồn gốc, xuất xứ, hóa đơn chứng từ, ghi nhãn hàng hóa, chứng nhận hợp quy và việc chấp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh.
Song song đó, chú trọng kiểm tra các mặt hàng đồ chơi thông minh, tích hợp nhiều chức năng, đồ chơi trẻ em độc hại, kích động bạo lực, đồ chơi có hình ảnh, hình vẽ, biểu tượng sai sự thật gây nhầm lẫn về chủ quyền quốc gia.
Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ QLTT Nguyễn Đức Lê khuyến cáo người tiêu dùng nâng cao cảnh giác và lựa chọn mua sản phẩm hàng hóa ở những địa chỉ kinh doanh uy tín để bảo vệ sức khỏe của gia đình |
Khuyến cáo người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm bánh trung thu an toàn, Phó Cục trưởng Nguyễn Đức Lê cho rằng, người tiêu dùng nên cảnh giác, chỉ lựa chọn mua thực phẩm của những cơ sở có uy tín, thân quen, không nên mua thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, hay mua tại các cơ sở, địa chỉ sản xuất không uy tín.
Đối với các thực phẩm chế biến ăn ngay, người tiêu dùng cần biết rõ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của cơ sở chế biến. Đối với sản phẩm bao gói sẵn, người tiêu dùng cần lưu ý các thông tin trên bao bì, nhãn hàng hóa, hạn sử dụng, địa chỉ nơi sản xuất, công bố chất lượng.
Đối với thực phẩm nhập khẩu, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm, nhất là nhãn phụ bằng tiếng Việt phải đầy đủ thông tin bắt buộc theo quy định pháp luật Việt Nam, cơ sở sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu phải rõ ràng.
Thêm nữa, người tiêu dùng nên yêu cầu người bán cung cấp các thông tin về an toàn thực phẩm của cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên thương mại điện tử.
"Người tiêu dùng cũng nên cảnh giác với các sản phẩm bánh Trung thu có giá rẻ bất thường. Các sản phẩm giá quá rẻ so với thị trường có thể tiềm ẩn nguy cơ không bảo đảm chất lượng, hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ...
Bên cạnh đó, người tiêu dùng hãy phản ánh kịp thời khi phát hiện các hành vi vi phạm trong kinh doanh thực phẩm cho các cơ quan như QLTT, Y tế, Công an... để được xử lý kịp thời, không để các sản phẩm kém chất lượng thẩm lậu ra thị trường gây nguy hiểm đến sức khỏe của các bạn và chính người thân của các bạn", Phó Cục trưởng Nguyễn Đức Lê khuyến cáo.