Chống buôn lậu thuốc lá: Tập trung chống lậu trước khi tăng thuế
Lợi nhuận buôn lậu thuốc lá quá cao
Ông Hồ Lê Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA) cho biết, trong các năm qua, công tác chống buôn lậu thuốc lá đã đạt nhiều kết quả tích cực nhờ sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Chính phủ. Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, địa phương cùng các lực lượng chức năng đã triển khai hiệu quả các cuộc điều tra biên giới thường xuyên và giám sát thị trường trên toàn quốc, phát hiện thành công nhiều vụ buôn bán thuốc lá bất hợp pháp.
Đặc biệt, trong hai năm gần đây khi việc lưu thông hàng hóa trong nước và giao thương qua biên giới được kiểm soát chặt chẽ hơn do tình hình Covid-19, công tác chống thuốc lá lậu đã có những tiến triển đáng kể. Cụ thể số lượng thuốc lá lậu bị bắt giữ trong năm 2020 tăng gần gấp đôi so với 2019, thị phần thuốc lá lậu trong năm 2020 theo đó cũng giảm gần 2%.
“Dù vậy, vẫn còn rất nhiều thử thách đặt ra cho Chính phủ và các lực lượng chức năng trong công tác chống thuốc lá lậu”, ông Hồ Lê Nghĩa nói.
Công tác chống thuốc lá lậu đã có những tiến triển đáng kể, số lượng thuốc lá lậu bị bắt giữ trong năm 2020 tăng gần gấp đôi so với 2019, thị phần thuốc lá lậu trong năm 2020 theo đó cũng giảm gần 2% |
Nêu nguyên nhân khiến nạn buôn lậu thuốc lá vấn tiếp tục gia tăng, GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội chỉ rõ, đó là lợi nhuận. Bởi hiện nay, lợi nhuận buôn lậu thuốc lá quá cao, lên đến 400% nên nhiều người vẫn bị hấp dẫn, nhất là những người dân nghèo vùng biên giới không có thu nhập ổn định...
Bên cạnh đó, các yếu tố khách quan như đường biên giới phức tạp với nhiều đường mòn lối mở, phương thức vận chuyển của các đối tượng ngày càng đa dạng, tinh vi, hay việc lợi dụng cư dân sống ở vùng biên giới trung chuyển… cũng gây ra rất nhiều khó khăn cho lực lượng biên phòng và các lực lượng chức năng trong việc kiểm soát tình hình.
Ngoài ra, những năm gần đây đây xuất hiện tình trạng vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu từ Campuchia về Việt Nam nhưng trên bao bì dán tem thuốc lá Việt Nam để qua mặt các cơ quan chức năng.
“Các đối tượng vận chuyển thuốc lá lậu thường đối phó bằng cách vận chuyển mỗi lần dưới 1.500 bao để tránh bị xử lý hình sự”, GS.TS Hoàng Văn Cường thông tin và cho rằng, tại thị trường nội địa, thuốc lá điếu ngoại nhập lậu tuy không còn bày bán công khai nhưng vẫn được bán lén lút tại các nhà hàng, quán cafe, tủ bán thuốc lá lẻ…
Báo cáo của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cũng cho biết, tình hình buôn lậu thuốc lá đã diễn biến phức tạp trở lại kể từ cuối năm 2021, đầu năm 2022 sau thời gian giãn cách xã hội. Từ ngày 15/3/2022, Chính phủ đã quyết định mở cửa hoàn toàn giao thương, giao lưu kết nối trong nước cũng như quốc tế, đồng nghĩa với việc các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu hoạt động bình thường trở lại. Điều này tiềm ẩn nguy cơ các đối tượng lợi dụng tuyến biên giới, tuyến biển, cảng biển, tuyến hàng không, thị trường nội địa để buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép các mặt hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Cũng theo VTA, buôn bán thuốc lá lậu thường tập trung ở hai nhãn hiệu phổ biến nhất là Jet và Hero, chiếm hơn 80% thị phần thuốc lá lậu, và tập trung nhiều ở các tỉnh phía Nam giáp biên giới Campuchia, chiếm hơn 84% tổng lượng nhập bất hợp pháp qua các ngả khác trên toàn quốc. Một số lượng khác đi qua các tỉnh có cửa khẩu biên giới với Lào ở miền Trung và biên giới với Trung Quốc ở miền Bắc. Đó là chưa kể tới sự xuất hiện và xâm nhập thị trường ngày càng nhiều của thuốc lá lậu thế hệ mới trong những năm gần đây.
Áp thuế thôi chưa đủ…
Áp thuế là một trong những giải pháp được nhiều chuyên gia đưa ra để hạn chế tình trạng buôn lậu thuốc lá.
GS.TS Hoàng Văn Cường phân tích, nếu như tính thuế mà tính trên giá bán là 35% có nghĩa là cứ 2 lần người ta đi buôn chót lọt mà 1 lần bị bắt thì người ta sẽ tính toán có nên đi buôn hay không? Nhưng nếu thuế tăng lên 50% so với giá bán nếu tính 1 lần buôn, 1 lần bắt, 1 lần phạt người ta cũng sẽ tính toán có nên đi buôn hay không? Nếu thuế tăng theo mức của thế giới là 70% tức là 3 lần buôn 1 lần bị bắt thì người ta mới tính toán chuyện có nên đi buôn hay không? Nếu mà nói như chúng ta thuế hiện nay là 400% có nghĩa là kể cả 5 lần buôn 5 lần bị bắt mà 1 lần thoát tội thì người ta vẫn sẽ tính xem có nên đi buôn hay không?.
“Nói như thế để thấy rằng lợi nhuận đó chính là động lực lớn dẫn đến chuyện người ta có hăng hái tham gia hoạt động này hay không? Các lực lượng dù có cố gắng bao nhiêu thì người ta vẫn lao vào đi buôn lậu”, GS. TS Hoàng Văn Cường chia sẻ, đồng thời, nhận định, vấn đề đặt ra ở đây là thuốc lá đúng là mặt hàng không được khuyến khích tiêu dùng, phải đánh thuế để hạn chế tiêu dùng.
Chống buôn lậu thuốc lá, tăng thuế thôi là chưa đủ. Nếu chỉ tăng thuế mà bỏ quên việc chống lậu thì việc buôn lậu sẽ lại càng phát triển hơn, ảnh hưởng nặng nề hơn... |
Nhưng việc đánh thuế phải song hành với các biện pháp khác nhau, đặc biệt là công tác Phòng chống buôn lậu thuốc lá. Trong bối cảnh công tác chống buôn lậu của chúng ta chưa thực sự hiệu quả, còn phải rút ra nhiều kinh nghiệm thì chính sách thuế cũng là một phương pháp để chúng ta cân đối, giảm động lực của những người buôn lậu, đồng thời khuyến khích những người sản xuất trong nước kiểm soát chất lượng.
Bên cạnh đó, cần phải tăng cường tuyên truyền vận động người tiêu dùng sử dụng có lựa chọn dù không thể bỏ ngay thói quen nghiện thuốc nhưng sẽ thay đổi dần hành vi, chuyển từ sử dụng sản phẩm độc hại nhiều gây thiệt hại mạnh sang sản phẩm ít gây hại hơn rồi bỏ hẳn.
Mặt khác, việc tăng thuế cũng nên ở mức độ nào đó và không tăng một cách đột ngột mà tăng từng bước. Việc tăng đều sẽ không tạo ra những cú sốc là tiền đề cho những người nghiện thuốc họ không thể ngay lập tức từ bỏ việc hút thuốc lá.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, tăng thuế thuốc lá cũng phải xử lý tốt chống lậu. Nếu chỉ tăng thuế mà bỏ quên việc chống lậu thì việc buôn lậu sẽ lại càng phát triển hơn, ảnh hưởng nặng nề hơn.
Để tăng cường đấu tranh, ngăn chặn, kiểm soát hiệu quả hoạt động này, ông Hồ Lê Nghĩa kiến nghị, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Tổng cục quản lý thị trường, Cục quản lý thị trường các địa phương, các lực lượng chức năng tăn cường ra quân kiểm tra, bắt giữ, xử lý hệ thống bán lẻ thuốc lá lậu. Nên thực hiện thường xuyên, liên tục bởi tình trạng này hiện tràn lan, rất dễ phát hiện.
Đồng thời kiến nghị ban hành khung pháp lý hoặc cơ chế thí điểm cho việc kinh doanh, phân phối sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, tạo hành lang pháp lý cho nguồn cung sản phẩm từ doanh nghiệp sản xuất hợp pháp.
Nghị định 98/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/10/2020 quy định người có hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và giao nhận thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ dưới 50 bao, sẽ bị phạt tiền đến 3 triệu đồng. Như vậy, theo quy định này, chế tài xử phạt hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và giao nhận dù chỉ 1 bao thuốc lá nhập lậu có thể bị phạt tiền tới 3 triệu đồng. Mức phạt cao theo quy định tại nghị định đã cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong công tác chống nạn thuốc lá nhập lậu bởi trước đó, quy định tại điều 25, Nghị định 124/2015/NĐ-CP, với số lượng dưới 10 bao, người buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và giao nhận thuốc lá điếu nhập lậu chỉ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 – 1.000.000 đồng. |