Doanh nghiệp với áp lực tăng giá xăng
Giá xăng tiếp tục tăng lên gần 27.000đồng/lít Xây dựng kịch bản điều hành giá để lường trước mọi tình huống Thủ tướng ra công điện về điều hành xăng dầu |
Chưa đầy 2 tháng qua, giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh tăng 5 lần liên tiếp trước tác động của thị trường thế giới. Hiện, giá xăng đang dao động trong khoảng 25.532 - 26.287 đồng/lít, tăng 52-56% so với cùng kỳ năm 2021. Tương tự, giá dầu cũng dao động 17.932 - 20.801 đồng/lít, tăng 42-64% so với cùng kỳ năm trước.
Giá xăng dầu liên tục tăng gây áp lực không nhỏ, làm các doanh nghiệp “đau đầu” với bài toán tăng chi phí trong đó, những lĩnh vực chịu tác động trực tiếp như dịch vụ vận tải, sản xuất hàng tiêu dùng.
Theo Tổng cục Thống kê cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2-2022 tăng 1% so với tháng trước, tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,2% so với tháng 12-2021. Theo cơ quan này, nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng tăng là do giá xăng dầu tăng; giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và giá dịch vụ giao thông công cộng tăng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Việc giá xăng dầu liên tục tăng mạnh khiến các doanh nghiệp (DN) vận tải khách và vận tải hàng hóa thêm khốn đốn trong bối cảnh đang chật vật tìm cách phục hồi sau đại dịch. |
Trong 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng thì nhóm giao thông có mức tăng cao nhất với 2,35% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu vào ngày 21/1, 11/2 và 21/2 làm chỉ số giá xăng dầu tăng 5,8% (tác động CPI chung tăng 0,21 điểm phần trăm). Bên cạnh đó, giá vận tải hành khách bằng đường bộ tăng 3,92% do một số đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện kê khai tăng giá phụ thu khi giá xăng dầu tăng và ảnh hưởng của dịch bệnh hạn chế chở số lượng khách. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,54% đã đẩy CPI chung tăng 0,52 điểm phần trăm.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, cho biết xăng dầu là mặt hàng nhiên liệu đầu vào quan trọng của nền kinh tế. Giá xăng dầu tăng làm gia tăng áp lực lên lạm phát. Xăng dầu tác động đến nhóm giao thông vận tải như đường sắt, hàng không, đường bộ, đường thủy, xe buýt, taxi… và vận chuyển hàng hóa; làm tăng chi phí sản xuất các mặt hàng sử dụng xăng dầu làm đầu vào cho sản xuất, từ đó kéo theo các mặt hàng khác trong nhóm hàng hóa, dịch vụ tính CPI tăng theo.
Việc giá xăng dầu liên tục tăng mạnh khiến các doanh nghiệp (DN) vận tải khách và vận tải hàng hóa thêm khốn đốn trong bối cảnh đang chật vật tìm cách phục hồi sau đại dịch.
Nhiều hãng vận tải phản ánh, doanh nghiệp đã cạn kiện nguồn lực bởi dịch bệnh, nền kinh tế vừa mở cửa, doanh nghiệp hoạt động chưa được bao lâu thì áp lực giá xăng dầu tăng khiến các doanh nghiệp khó chồng khó, bởi giá xăng dầu chiếm 35%-40% trong cơ cấu giá thành vận tải nên khi mặt hàng này tăng giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá cước vận tải.
Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (chủ sở hữu nhà xe Sao Việt), chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai, cho rằng sau Tết Nguyên đán DN này mới hoạt động trở lại được khoảng 30% phương tiện vì lượng hành khách rất ít. Điều khiến ông Bằng và nhiều chủ DN vận tải lo lắng nhất lúc này là nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng cao thì chỉ trong một thời gian ngắn nữa sẽ không thể cầm cự được.
Theo tính toán của các doanh nghiệp, giá dịch vụ vận tải, logistics có thể thiết lập mặt bằng giá mới trong tháng 3 hoặc tháng 4 |
Không chỉ trong lĩnh vực tiêu dùng, vận tải khốn đốn, các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp nặng – lĩnh vực phải vận chuyển nhiều, phương tiện chịu tải trọng lớn nên cũng tốn chi phí xăng dầu hơn. Nhiều doanh nghiệp cho biết, các hợp đồng ký với đối tác từ thời điểm tháng 9-10/2021 khi giá xăng dầu ở mức thấp, mặc dù chi phí được tính vào biên độ biến động giá trong hợp đồng nhưng vẫn không đủ bù lỗ chi phí do giá xăng dầu tăng ngoài dự kiến biên độ chi phí.
Ngoài ra, các doanh nghiệp công nghiệp thực hiện đơn hàng xuất nhập khẩu còn lo ngại về đà tăng của các chi phí dịch vụ liên quan đi kèm trước tác động của tăng giá xăng dầu trên thị trường quốc tế. Tính đến phiên giao dịch sáng 28/2 theo giờ Việt Nam, giá dầu thô Brent và WTI đều đã tăng hơn 8%, xác lập đỉnh cao tới hơn 105 USD/thùng, mức tăng cao nhất kể từ giữa năm 2014. Vì thế, theo tính toán của các doanh nghiệp, giá dịch vụ vận tải, logistics có thể thiết lập mặt bằng giá mới trong tháng 3 hoặc tháng 4. Hiện giá logistics vận chuyển đi Mỹ là 20.000 USD/container, châu Âu dao động trong khoảng 17.000-18.000 USD/container.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong ngắn hạn, ít nhất là trong tháng 3/2022, giá xăng dầu vẫn tiếp tục tăng nhẹ và giữ ở mức cao, nhất là khi cuộc xung đột giữa Nga và Ucraine chưa có dấu hiệu sớm được hóa giải.
Theo PGS.TS kinh tế Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), Chính phủ và các bộ ngành cần điều hành chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ phối hợp với chính sách tiền tệ linh hoạt để tạo sự hài hòa, hiệu quả, hợp lý với các chính sách kinh tế vĩ mô chung. Đồng thời, cần theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, tình hình lạm phát chung, diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược để kịp thời ứng phó trong điều hành sản xuất trong nước, cân đối cung cầu và chính sách xuất nhập khẩu phù hợp, tạo điều kiện cho công tác quản lý, điều hành giá nhằm kiểm soát lạm phát trong nước ngay từ những tháng đầu năm 2022.
Ngày 22/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có công điện về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước. Công điện cho biết, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng, nhạy cảm dễ ảnh hưởng đến tâm lý người dân, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô, do đó, phải được quản lý, điều hành một cách khoa học, chặt chẽ, theo đúng quy định của pháp luật. Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu.