Đưa hoạt động của người dân và doanh nghiệp lên môi trường số
Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 06/03 đã có văn bản số 797/BTTTT-THH gửi các Bộ, ngành và các địa phương hướng dẫn một số nhiệm vụ quan trọng thúc đẩy triển khai chuyển đổi số năm 2022.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2022 sẽ là năm đẩy mạnh chuyển đổi số. Định hướng xuyên suốt về chuyển đổi số năm 2022 là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số thông qua phổ cập sử dụng các nền tảng số Việt Nam, giúp người dân, doanh nghiệp thụ hưởng trực tiếp sự tiện lợi cũng như lợi ích của chuyển đổi số.
Năm 2022 sẽ là năm đẩy mạnh chuyển đổi số. Định hướng xuyên suốt là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số thông qua phổ cập sử dụng các nền tảng số Việt Nam |
Cụ thể, năm 2022 sẽ tập trung phổ cập sử dụng sàn thương mại điện tử cho người dân và các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể. Phổ cập sử dụng nền tảng dạy học trực tuyến; sử dụng nền tảng số hỗ trợ tư vấn sức khỏe cá nhân, kết nối trực tiếp giữa người dân với bác sĩ theo quy định, sử dụng nền tảng số hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa của các bệnh viện.
Đồng thời, phổ cập sử dụng nền tảng số khác phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân như liên lạc, giải trí, du lịch, đi lại, ăn uống và bảo đảm an toàn thông tin mạng. Phổ cập sử dụng nền tảng số phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa…
22 giải pháp đưa doanh nghiệp, người dân lên môi trường số
Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo triển khai 22 nhiệm vụ, giải pháp quan trọng vừa mang tính trung hạn, vừa mang tính ưu tiên triển khai trong năm 2022 để thực hiện các định hướng này.
Trong đó nhấn mạnh việc đề xuất ban hành Nghị quyết của cấp ủy Đảng về chuyển đổi số; xây dựng và ban hành kế hoạch tổng thẻ giai đoạn 5 năm và kế hoạch hành động hàng năm về chuyển đổi số phù hợp với định hướng chuyển đổi số năm 2022…
Định hướng xuyên suốt về chuyển đổi số năm 2022 là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số thông qua phổ cập sử dụng các nền tảng số Việt Nam, giúp người dân, doanh nghiệp thụ hưởng trực tiếp sự tiện lợi cũng như lợi ích của chuyển đổi số.
Thiết lập mạng lưới công nghệ số cộng đồng hỗ trợ triển khai chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đến tận cấp đơn vị, cấp cơ sở, phường, xã, tổ, đội với nòng cốt là đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin, có sự tham gia của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân, Liên minh Hợp tác xã, Hội Liên hiệp Phụ nữ và đại diện các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin tại mỗi địa phương.
Đồng thời ban hành Kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, công chức thuộc phạm vi quản lý về chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; trong đó chú trọng tới bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu để ra quyết định và hoạch định chính sách…
Ban hành Kế hoạch thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số thuộc ngành, lĩnh vực và địa bàn. Trong đó, ưu tiên thúc đẩy sử dụng các nền tảng số Việt Nam phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân thuộc các lĩnh vực liên lạc, mua sắm, giải trí, sức khỏe, học tập, du lịch, đi lại, ăn uống và bảo đảm an toàn thông tin mạng. Tổ chức triển khai hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.
Các Bộ, ngành, địa phương cũng được đề nghị công bố công khai danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung để hệ thống hóa tài nguyên dữ liệu, tăng cường quản trị, nâng cao chất lượng dữ liệu và thúc đẩy chia sẻ dữ liệu… Triển khai hoặc thí điểm triển khai nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp cấp bộ, cấp tỉnh nhằm lưu trữ tập trung, tổng hợp, phân tích, xử lý dữ liệu về phát triển kinh tế xã hội từ các nguồn khác nhau, từ đó tạo ra thông tin mới, dịch vụ dữ liệu mới phục vụ chính phủ số, hướng tới việc hình thành kho dữ liệu dùng chung cấp bộ, ngành, địa phương.
Đặc biệt trong năm 2022 sẽ triển khai hoặc thí điểm triển khai Trợ lý ảo trong cơ quan nhà nước để hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức nâng cao hiệu quả và năng suất lao động.
Một giải pháp quan trọng khác được nhấn mạnh là việc ban hành Chương trình đánh giá xác định chỉ số mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số. Cùng với đó, ban hành Kế hoạch hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, bệnh viện, cơ sở y tế tại địa phương…