Gia tăng vi phạm kinh doanh trên thương mại điện tử tại Lạng Sơn
Từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) Lạng Sơn đã phát hiện, xử lý 24 vụ việc liên quan đến hoạt động kinh doanh trên thương mại điện tử. Trong đó, xử phạt hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ với số tiền trên 300 triệu đồng; Trị giá hàng hóa vi phạm hơn 400 triệu đồng. Tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính là gần 600 triệu đồng.
Chỉ tính riêng trong tháng 7/2022, Cục QLTT Lạng Sơn kiểm tra, phát hiện 6 vụ việc vi phạm thông qua hình thức kinh doanh online trên nền tảng faceboook, zalo...
Các vi phạm chủ yếu là vi phạm về bán hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… Hàng hóa vi phạm chủ yếu là thực phẩm chức năng, quần áo, giầy dép, mỹ phẩm, đồ gia dụng thuốc tân dược…
Công chức Đội QLTT số 2 kiểm tra hàng hoá tại hộ kinh doanh Nguyễn Duy Tạo |
Gần đây nhất, qua công tác nắm tình hình địa bàn, trinh sát, ngày 9/8, Đội QLTT số 2 đã thực hiện kiểm tra đối với hộ kinh doanh Nguyễn Duy Tạo, địa chỉ: số 110A, khu Dây Thép, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc. Đây là cơ sở kinh doanh quần áo, hàng hóa được bán trực tiếp và online thông qua tài khoản zalo có tên "Duy Tú". Tại thời điểm kiểm tra, Đội QLTT số 2 phát hiện, cơ sở này đang bày bán các sản phẩm áo phông, có nhãn mác của các thương hiệu nổi tiếng đã được bảo hộ tại Việt Nam như: Adidas, Nike...
Làm việc với cơ quan chức năng, chủ cơ sở Nguyễn Duy Tạo không xuất trình được hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc và hàng hóa có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng. Đội QLTT số 2 đã tiến hành lập biên bản hồ sơ vụ việc, tạm giữ toàn bộ hàng hóa vi phạm để xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Cũng trong ngày 9/8, Tổ QLĐB huyện Bắc Sơn đã tổ chức kiểm tra tại 02 cơ sở kinh doanh bánh kẹo, nước giải khát, đường sữa là Hộ kinh doanh Nguyễn Văn Xây và Hộ kinh doanh Nông Minh Nguyệt đều có địa chỉ tại thôn Lân Páng, xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn. Qua kiểm tra, phát hiện tại cửa hàng do ông Nguyễn Văn Xây (có tài khoản Zalo: “Thiệp (chạy xe dịch vụ)” ) là chủ hộ đang bày bán 16 túi bột ngũ cốc dinh dưỡng (loại 200g/túi), có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, có giá niêm yết tại cửa hàng 75.000 đồng/túi, tổng giá trị hàng hóa 1.200.000 đồng.
Trong khi đó, tại cửa hàng do bà Nông Minh Nguyệt (có tài khoản Zalo: “Nguyet Moon”) là chủ hộ đang bày bán 48 hộp sữa nước (loại 200ml/hộp), có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, có giá niêm yết tại cửa hàng 32.000 đồng/hộp, tổng giá trị hàng hóa 1.536.000 đồng. Tất cả các hàng hóa trên đều không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập Biên bản vi phạm hành chính, đồng thời ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 02 hộ kinh doanh: Nguyễn Văn Xây, mức phạt 1.500.000 đồng; Nông Minh Nguyệt, mức phạt 1.500.000 đồng; buộc ông Nguyễn Văn Xây và bà Nông Minh Nguyệt tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa nhập lậu trên theo quy định của pháp luật.
Công chức Đội QLTT số 4 kiểm tra hàng hóa tại hộ kinh doanh |
Đặc biệt, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Cục QLTT tỉnh Lạng Sơn về việc đẩy mạnh công tác phối hợp triển khai thực hiện kiểm tra, xử lý kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại trên nền tảng số, thương mại điện tử, trong 2 ngày 8-9/8, Tổ công tác huyện Chi Lăng - Đội QLTT số 4 phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn huyện tiến hành kiểm tra đột xuất đối với 03 cơ sở kinh doanh có dùng mạng xã hội để đăng bán hàng hóa vi phạm gồm: Facebook: “Haixuong”; Zalo “Lương Tươi” đều có địa chỉ thôn Làng Thành, xã Chiến Thắng. Facebook “Minh Tuyết” có địa chỉ Thị trấn Chi Lăng.
Tại thời điểm kiểm tra các Hộ kinh doanh đang hoạt động kinh doanh bình thường và sử dụng tài khoản mạng xã hội Zalo, Facebook để kinh doanh hàng hóa vi phạm. Kết quả kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện tại Hộ kinh doanh Nông Thị Hải, hộ kinh doanh Lương Thị Tươi đang bày bán 380 sản phẩm hàng hóa được sản xuất ngoài Việt Nam (trên bảo bì hàng hóa đếu có chữ nước ngoài) thuộc nhóm hàng thực phẩm như: Trà sữa hiệu Chupai; Bia chai hiệu LIQ; Bia lon hiệu LIQ; Xì dầu; Dầu hào; Lương khô...
Tại hộ kinh doanh Lương Thị Tuyết, lực lượng chức năng phát hiện, cơ sở này đang bày bán 29 chiếc kính dâm mang các nhãn hiệu CHANEL, GUCCI, DIOR, BURBERRY có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam, toàn bộ hàng hóa trên được sản xuất ngoài Việt Nam, không có hóa đơn, chứng từ, chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp, không có vỏ hộp, lô gô nhãn hiệu hình trên sản phẩm không sắc nét.
Để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm, Đội QLTT số 4 đã ban hành Quyết định tạm giữ, niêm phong toàn bộ tang vật có dấu hiệu vi phạm tại các cửa hàng trên, tiếp tục xác minh, làm rõ các tình tiết liên quan để xử lý vụ việc theo quy định.
Thời gian tới, Cục QLTT Lạng Sơn sẽ tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.