Hà Nội đầu tư các nhà máy điện rác để giải bài toán môi trường
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội, việc thu gom rác tại một số quận, huyện trên địa bàn TP vẫn còn nhiều bất cập, trong đó có việc phương tiện thu gom chưa phù hợp với đổi mới công nghệ; thiếu các trạm trung chuyển tái chế, phân loại và xử lý rác. Thêm vào đó, việc điều chỉnh quy hoạch chất thải rắn tích hợp trong quy hoạch chung còn chậm, chưa đồng bộ giữa cơ sở hạ tầng với phương thức thu gom.
Điều này đặt ra bài toán khó cho các cấp ủy, chính quyền về phát triển đô thị gắn với bảo vệ được môi trường.
Để giải quyết bài toán đó, thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường đã được lãnh đạo thành phố Hà Nội quan tâm chỉ đạo sâu sát và đạt được những kết quả nhất định. Việc duy trì vệ sinh môi trường cũng như tỉ lệ được thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn Thành phố (TP) ngày càng cải thiện.
Số rác thải trên địa bàn TP Hà Nội khoảng 7.000 tấn/ngày đêm, trong đó phần lớn vẫn đang được xử lý bằng chôn lấp. Do đó, TP đã triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách nhằm cải tạo hạ tầng các khu xử lý đáp ứng hạ tầng kỹ thuật tiếp nhận, bảo đảm an toàn chôn lấp rác, xử lý nước rác; đôn đốc tiến độ hoàn thành các nhà máy xử lý rác công nghệ hiện đại đốt và thu hồi năng lượng để phát điện.
Liên quan đến công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn TP, Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu, Ban Cán sự đảng UBND TP chỉ đạo UBND TP, các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát tình hình quản lý, vận hành các khu xử lý Nam Sơn, Xuân Sơn; Tiếp tục triển khai các giải pháp bảo đảm chủ động tiếp nhận, xử lý khối lượng rác thải đến năm 2025 trong trường hợp nhà máy đốt rác có sự cố, chưa đầu tư đúng tiến độ, bảo đảm việc tiếp nhận xử lý chất thải rắn sinh hoạt của TP không bị gián đoạn.
Nhà máy điện rác (waste-to-energy) đầu tiên của Hà Nội là Nhà máy Sóc Sơn, được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư từ cuối năm 2017, được khởi công tháng 8 năm 2019, trên diện tích 17,51 ha trong Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn với tổng vốn đầu tư là 7.000 tỷ VND. Với công suất xử lý 4.000 tấn rác khô/ngày (tương đương 5.500 tấn rác ướt).
Seraphin là nhà máy điện rác thứ hai của Hà Nội. Cùng với Nhà máy điện rác Sóc Sơn, sau khi Nhà máy điện rác Seraphin đi vào vận hành, hai nhà máy sẽ cơ bản xử lý toàn bộ lượng rác thải sinh hoạt ở Thủ đô.
Nhà máy Seraphin là nhà máy vừa đốt rác, vừa phát điện theo công nghệ châu Âu
Dự án Nhà máy điện rác Seraphin tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn đã bước vào những công đoạn cuối cùng sẵn sàng đưa vào vận hành sau khoảng 2 năm triển khai xây dựng, hoàn thành 99% lắp đặt thiết bị.
Mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã đi khảo sát, kiểm tra tiến độ triển khai dự án Nhà máy điện rác Seraphin trên địa bàn thị xã Sơn Tây, huyện Ba Vì. Ghi nhận và đánh giá cao những cố gắng và sự phối hợp thực hiện dự án của các cơ quan, đơn vị và chủ đầu tư, Bí thư Thành ủy Hà Nội tin tưởng dự án sẽ về đích đúng hạn, vận hành theo kế hoạch.
Nhà máy Điện rác Seraphin có công suất xử lý rác 2.250 tấn/ngày đêm và công suất phát điện 37.5MW, sử dụng công nghệ hiện đại lò ghi cơ học Martin của Đức, sau khi hoàn thành sẽ trở thành một trong những nhà máy điện rác lớn nhất khu vực Đông Nam Á, góp phần giúp thành phố Hà Nội giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do chôn lấp rác thải sinh hoạt.
Theo kế hoạch, dự án dự kiến vận hành chưa phát điện vào ngày 31/5/2024 và đi vào vận hành chính thức vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn hiện tiếp nhận và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ 12 huyện gồm: Ba Vì, Chương Mỹ, Đan Phượng, Hoài Đức, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Quốc Oai, Thạch Thất, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa và thị xã Sơn Tây. Khối lượng bình quân bãi rác này tiếp nhận khoảng 1.500 tấn/ngày. Trong đó, xử lý chôn lấp 1.400 tấn/ngày và khoảng 100 tấn được đốt.
Ngoài hai dự án trên, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai các dự án xử lý rác thải tại Chương Mỹ, Phú Xuyên, Thanh Trì, Gia Lâm. Lãnh đạo thành phố cho rằng việc xây dựng nhà máy rác xung quanh khu vực trung tâm sẽ góp phần giảm cự ly vận chuyển, giảm chi phí và giảm nguồn chi của ngân sách.
Theo Quy hoạch xử lý chất thải rắn thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội có 17 khu xử lý chất thải rắn.
Còn theo báo cáo về tình hình thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) của Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 ngành Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam hiện có 15 nhà máy đốt rác phát điện đang được triển khai xây dựng, trong đó đã có 3 nhà máy chính thức phát điện.
Song song với các giải pháp về bảo vệ môi trường, các sở, ngành, địa phương đã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường tới mọi tầng lớp nhân dân; chủ động phối hợp với các hội, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc các cấp... nhằm tạo sức mạnh tổng hợp bảo vệ môi trường trên địa bàn Thủ đô.