Hàng Việt bị điều tra 227 vụ phòng vệ thương mại
Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương vừa công bố Báo cáo thường niên Phòng vệ thương mại năm 2022 với nhiều thông tin hữu ích về thương mại toàn cầu và lĩnh vực phòng vệ thương mại.
Báo cáo thường niên Phòng vệ thương mại năm 2022 được thực hiện với mục đích tổng hợp các hoạt động đã triển khai trong năm 2022, bao gồm các nội dung: Tình hình thương mại và xu hướng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại trên thế giới 2022; Tình hình tổ chức thực thi pháp luật phòng vệ thương mại của Việt Nam năm 2022; Một số biện pháp phòng vệ thương mại nước ngoài áp dụng đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam năm 2022; Công tác cảnh báo sớm và đấu tranh ngăn chặn các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại...
Báo cáo thường niên Phòng vệ thương mại năm 2022 với nhiều thông tin hữu ích về thương mại toàn cầu và lĩnh vực phòng vệ thương mại |
Gia tăng xu hướng bảo hộ thương mại
Theo Báo cáo, thương mại toàn cầu đạt khoảng 25.000 tỷ USD vào năm 2019, sau đó giảm khoảng 2.500 tỷ USD vào năm 2020 do hậu quả của đại dịch Covid-19.
Khi nhu cầu phục hồi, thương mại đã tăng thêm 5.500 tỷ USD vào năm 2021, đạt khoảng 28.000 tỷ USD, sau đó tăng lên mức kỷ lục 32.000 tỷ USD vào cuối năm 2022, tăng khoảng 26% so với mức trước đại dịch năm 2019.
Thương mại hàng hóa tăng trưởng, nhưng đi kèm theo đó là xu hướng gia tăng bảo hộ thương mại.
Chính sách bảo bộ thương mại thể hiện qua biện pháp thuế quan được sử dụng chủ yếu. Ngoài ra còn có các rào cản phi thuế quan như tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh, hạn ngạch, kiểm soát trao đổi, giấy phép nhập khẩu, yêu cầu về thủ tục hải quan hay yêu cầu về quy tắc xuất xứ nghiêm ngặt.
Cùng với đó, chính sách bảo hộ thương mại có thể cho phép các chính phủ thúc đẩy thương mại và sản xuất trong nước đối với hàng hóa và dịch vụ, áp dụng trợ cấp thuế quan và hạn ngạch hoặc hạn chế hàng hóa và dịch vụ nước ngoài trên thị trường.
Về lâu dài, việc từ bỏ các chính sách thương mại tự do hoặc triển khai các biện pháp bảo hộ có thể gây ảnh hưởng cho các quốc gia như làm chậm tăng trưởng kinh tế và gia tăng lạm phát.
Theo số liệu thống kê của WTO, kể từ khi thành lập (năm 1995) đến hết tháng 12 năm 2022, trên toàn thế giới có 7.665 vụ việc phòng vệ thương mại được khởi xướng điều tra, tuy nhiên chỉ có 5.074 vụ điều tra dẫn đến áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
3 công cụ phòng vệ thương mại được sử dụng phổ biến là: chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Trong ba biện pháp trên thì biện pháp chống bán phá giá được khởi xướng điều tra nhiều nhất, với 6.582 vụ việc, chiếm 86% tổng số vụ việc phòng vệ thương mại khởi xướng bởi thành viên WTO.
Trong khi đó, số vụ việc áp dụng biện pháp chống trợ cấp và tự vệ lần lượt là 671 vụ (chiếm 9%) và 412 vụ (chiếm 5% tổng số vụ việc khởi xướng).
Riêng năm 2022, các thành viên WTO đã khởi xướng tổng cộng 89 vụ việc điều tra biện pháp chống bán phá giá, trong đó Trung Quốc là đối tượng của 38 vụ việc, chiếm 43% tổng số vụ việc khởi xướng; Ấn Độ bị khởi xướng điều tra 08 vụ việc, chiếm 9%; Hàn Quốc, Thi Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam bị khởi xướng điều tra 04 vụ việc.
Các ngành hàng là đối tượng bị điều tra chống bán phá giá của các thành viên WTO: động vật sống; nông sản; mỡ, dầu và sáp động thực vật; thực phẩm chế biến sẵn, đồ uống, rượu mạnh, giấm và thuốc lá; sản phẩm khoáng; sản phẩm hóa chất; các sản phẩm nhựa, plastic, cao su; gỗ và các sản phẩm gỗ; giấy, bìa; sản phẩm dệt may; các sản phẩm bằng đá, thạch cao...
Hàng Việt bị điều tra 227 vụ phòng vệ thương mại
Cùng với sự tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu trong thời gian qua, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài, đặc biệt là các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Hết năm 2022, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là đối tượng của 227 vụ việc điều tra liên quan.
Riêng trong năm 2022 có 17 vụ việc mới do nước ngoài khởi xướng, bên cạnh nhiều vụ việc đang trong quá trình điều tra, hoặc thuộc diện rà soát hàng năm, rà soát giữa kỳ/cuối kỳ, rà soát nhà xuất khẩu mới.
Mỹ đã điều tra 52 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, chiếm khoảng 25% tổng số vụ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị nước ngoài điều tra.
Canada điều tra 18 vụ việc với hàng xuất khẩu Việt Nam, Mexico điều tra 2 vụ việc, đã tiến hành điều tra 10 vụ việc phòng vệ liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Ấn Độ đã điều tra 30 vụ việc, tuy nhiên hiện nay hầu hết các vụ việc đã chấm dứt, chỉ còn 06 vụ việc còn hiệu lực áp thuế... Ngoài ra, hàng Việt bị cũng điều tra tại Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Australia...
Hết năm 2022, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là đối tượng của 227 vụ việc điều tra liên quan |
Ở chiều ngược lại, để bảo vệ các ngành sản xuất nội địa, những năm gần đây, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra áp dụng tổng cộng 25 vụ việc phòng vệ thương mại.
Mặt hàng điều tra đa dạng gồm: các sản phẩm kim loại cơ bản (nhôm, thép, vật liệu hàn), hóa chất và nhựa (sorbitol, sợi fiament, màng BOPP), vật liệu xây dựng (ván gỗ MDF, kính nổi), hàng tiêu dùng cơ bản (bột ngọt, đường mía, đường lỏng HFCS)...
Báo cáo nhấn mạnh, việc điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại cần tuân thủ các quy định cụ thể tại các Hiệp định về phòng vệ thương mại của WTO. Do đó Bộ Công Thương luôn bám sát toàn bộ quá trình vụ việc để theo dõi việc tuân thủ cam kết quốc tế của các cơ quan điều tra nước ngoài cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp xử lý vụ việc, giảm tối đa tác động tiêu cực của vụ việc đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Trong năm 2022, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng với các bộ, ngành liên quan triển khai có hệ thống hàng loạt các hoạt động như cảnh báo sớm các mặt hàng có nguy cơ bị nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu xử lý ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại cụ thể; tham gia cung cấp, giải trình các chính sách của Chính phủ Việt Nam bị cáo buộc trợ cấp...
Đồng thời, tham gia phản biện pháp lý đối với các vi phạm, khả năng vi phạm cam kết quốc tế của cơ quan điều tra nước ngoài; tiến hành các hoạt động giải quyết tranh chấp tại WTO; thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế để góp phần nâng cao năng lực phòng vệ thương mại. Các hoạt động nêu trên đã đem lại một số kết quả tích cực.
Cũng theo Báo cáo của Cục Phòng vệ thương mại, Việt Nam đã xử lý thành công nhiều các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại nước ngoài thông qua việc chứng minh doanh nghiệp không bán phá giá, Chính phủ không trợ cấp cho doanh nghiệp, Chính phủ không can thiệp vào thị trường để tạo lợi thế bất bình đẳng cho doanh nghiệp xuất khẩu, chứng minh doanh nghiệp xuất khẩu không có các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng với nước thứ ba.
“Nhờ những kết quả như vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế phòng vệ thương mại, được dỡ bỏ lệnh áp thuế hoặc bị áp thuế ở mức thấp, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu. Các biện pháp phòng vệ thương mại với hàng nhập khẩu đã bảo vệ các ngành sản xuất trong nước và công ăn việc làm của hàng trăm nghìn lao động”, Báo cáo nhấn mạnh.