Hiệp định EVFTA - đòn bẩy để doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng
Sáu nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong thực thi Hiệp định EVFTA
|
Gia tăng các mặt hàng chế biến sâu
Hiện nay, EU là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3, thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 . Chỉ riêng năm 2022 kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt 62,24 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2021 và chiếm tỷ trọng 8,5% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Đối với các ngành hàng xuất khẩu, đơn cử như mặt hàng cà phê, hiện EU là thị trường quan trọng nhất đối với cà phê Việt Nam, chiếm khoảng 40% lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam.
|
Tại Toạ đàm Liên kết với doanh nghiệp EU, tận dụng hiệu quả EVFTA do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 6/10, ông Lương Văn Tự - Nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, Nguyên Trưởng đoàn đàm phán kinh tế thương mại Chính phủ gia nhập WTO và AEC, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cho biết, phía EU đã hợp tác với Việt Nam từ rất lâu. Tất cả những tập đoàn lớn của EU liên quan đến cà phê đều có mặt ở Việt Nam. Trước đây, họ hợp tác với Việt Nam trong vấn đề trồng, chế biến theo cách chủ yếu là mua cà phê nhân chưa qua chế biến. Lúc đó thuế suất bằng 0 và họ bảo hộ phần chế biến.
|
“Khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, thuế đối với cà phê rang xay, cà phê hòa tan và các sản phẩm khác của cà phê xuống đến 0% sẽ tạo điều kiện cho chế biến và nâng cao giá trị của cà phê Việt Nam để bán vào EU và nâng cao được kim ngạch xuất khẩu” – ông Lương Văn Tự chỉ rõ. Bên cạnh đó, công nghệ sản xuất cà phê hiện nay hiện đại nhất là của EU. Chính vì vậy, trong thời gian vừa qua, tất cả những nhà máy đầu tư vào cà phê hòa tan của Việt Nam đều phải nhập công nghệ của Đức và công nghệ của Đan Mạch mới đáp ứng được nhu cầu.
Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Phúc Sinh Group chia sẻ, EU là thị trường lớn nhất của Phúc Sinh, chiếm từ 45% đến 55% tổng doanh thu của doanh nghiệp. Tuy vậy, ông cho rằng, khi EVFTA được thực thi, không chỉ doanh nghiệp Việt mà nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam cũng tận dụng việc giảm thuế từ Việt Nam sang châu Âu để xuất khẩu, do đó, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh rất nhiều trong cùng một mặt hàng xuất khẩu. “Hiệp định này mang lại rất nhiều thuận lợi cho cả hai bên. Tuy vậy, mang lại thuận lợi lớn thì cạnh tranh cũng rất nhiều,” ông Thông nói.
Nhằm tận dụng những ưu đãi từ EVFTA, đã có nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư thiết bị để tăng sản xuất, tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu sang EU. Đơn cử, ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group cho hay, Phúc Sinh đã đầu tư khá nhiều về chế biến sâu. Hiện tại Phúc Sinh đang đầu tư một dây chuyền chế biến sâu trong vấn đề gia vị hạt tiêu để có thể làm các sản phẩm trước đây bị đánh thuế bây giờ bằng 0 khi nhập vào Châu Âu, đó là các sản phẩm nghiền, các sản phẩm rang xay cũng như hòa tan để xuất khẩu vào Châu Âu thì. Tỉ lệ hàng thành phẩm, hàng chế biến sâu của Phúc Sinh sang thị trường châu Âu đã tăng từ 8% lên 22% trong vòng ba năm vừa qua.
Khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam để tận dụng thuế từ Việt Nam sang châu Âu. Đây là động lực để tăng xuất khẩu mặt hàng cà phê chế biến sang châu Âu, giúp gia tăng giá trị xuất khẩu mặt hàng này.
Năm 2022, lượng xuất khẩu cà phê rang xay, cà phê hòa tan và các loại cà phê chế biến khác chiếm đến 15% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê, chiếm 600 triệu USD trong tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của năm ngoái là 3,9 tỉ USD.
Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp Việt Nam, ví dụ như Phúc Sinh, Intimex, Trung Nguyên cũng tăng cường đầu tư vào khâu chế biến cà phê rang xay, cà phê hòa tan và cà phê 3 trong 1 để xuất khẩu không phải đi mỗi EU mà đi Trung Quốc và đi tất cả các thị trường mà chúng ta ký các hiệp định thương mại tự do.
Song để doanh nghiệp Việt Nam có thể kết nối được với EU và tận dụng tối đa các cơ hội mang lại, ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên cho rằng, doanh nghiệp cần chú ý việc tương thích dần về các tiêu chuẩn kỹ thuật, bởi muốn tham gia chuỗi cung ứng của EU thì trình độ quản trị, trình độ kỹ thuật phải tăng lên. Cùng đó là đầu tư cho việc truy suất nguồn gốc, xuất xứ, sở hữu trí tuệ, lao động và môi trường, phát triển bền vững…“Nếu làm được thì cơ hội để chúng ta tham gia vào chuỗi cung ứng EU trong thời gian tới sẽ rất mạnh,” ông Ngô Chung Khanh nói.
Đẩy mạnh liên kết, đón dòng đầu tư chất lượng cao
Cũng theo Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, trong bối cảnh địa chính trị phức tạp như hiện nay, việc EU đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng là một điều tất yếu. Xu hướng chung là các doanh nghiệp sẽ dịch chuyển sang các thị trường có môi trường chính trị ổn định, môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi cho họ tiếp cận các thị trường trên thế giới.
Về lợi ích đối với Việt Nam, ông Khanh cho rằng chắc chắn Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi từ xu thế này. Vì theo khảo sát của Phòng Thương mại châu Âu Eurocham thì 1/3 doanh nghiệp EU đã lựa chọn Việt Nam trong Top 5 điểm đến để họ đầu tư hay mở rộng đầu tư.
Ngoài ra, khi có nhiều đầu tư từ EU vào Việt Nam thì có tính lan tỏa và hiện nay nhiều doanh nghiệp EU tích cực chia sẻ những công nghệ hay kỹ thuật với các doanh nghiệp Việt Nam.
"Ví dụ như Tập đoàn Piaggio, các xe máy thương hiệu như Piaggio hay Liberty có tỉ lệ nội địa hóa lên đến từ 80 đến 90%. Đây là một con số rất đáng ghi nhận, đáng khích lệ bởi vì với tỉ lệ nội địa hóa lên 80 đến 90% như vậy thì sẽ có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam được tham gia chuỗi cung ứng của Piaggio. Theo ước tính, hiện có khoảng gần 100 doanh nghiệp Việt Nam đang là những thầu phụ, nhà cung cấp cho Piaggio" - ông Khanh thông tin.
Hay Tập đoàn Bosch cũng là một nhà sản xuất và chuyển giao công nghệ rất tốt. Họ đã xây dựng trung tâm nghiên cứu tại Việt Nam, đào tạo cho các nhân viên và chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.
Đấy là những điển hình cho thấy rằng doanh nghiệp EU cũng rất quan tâm đến việc chia sẻ công nghệ hay nâng cao trình độ của các cán bộ, công nhân người Việt Nam để từ đó làm sao có lợi ích hai chiều. Đối tác Việt Nam có tiêu chuẩn tốt, tiêu chuẩn cao và có nhân lực tốt thì rõ ràng họ cũng được lợi.
Tuy nhiên, thực tế, còn nhiều doanh nghiệp chưa nắm bắt tốt cơ hội trong liên kết với các doanh nghiệp, đối tác từ EU để tận dụng thuế quan ưu đãi, tiếp cận nguồn nguyên liệu và công nghệ chất lượng, tham gia vào chuỗi cung ứng từ một trong những khu vực kinh tế hàng đầu thế giới.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, cần nâng tầm doanh nghiệp Việt lên để tham gia vào chuỗi giá trị thông qua công nghiệp hỗ trợ và liên kết, hợp tác kinh doanh. Hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam hầu hết họ làm các công ty 100% vốn nước ngoài, còn hợp đồng hợp tác kinh doanh và đặc biệt là hợp đồng liên doanh bây giờ khá ít. Những năm gần đây, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển khá tốt, tức là về số lượng nhưng ông Toàn cho rằng chất lượng chưa cao. Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị xuất khẩu và chuỗi giá trị hàng hóa của EU ở phân khúc công nghệ trung bình và thấp, chưa có phân khúc công nghệ cao. “Các doanh nghiệp Việt Nam phải phát huy đổi mới sáng tạo, đầu tư về công nghệ, chất xám, con người để có thể hợp tác với các doanh nghiệp FDI một cách bình đẳng”, ông Toàn nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách thương mại đa biên cũng chỉ rõ, thực chất vấn đề về liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp FDI cũng là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng được thể hiện trong kế hoạch thực hiện các FTA thế hệ mới của Chính phủ. Hơn nữa, nhiệm vụ này cũng được thể hiện trong kế hoạch thực thi của các bộ, ngành và các địa phương.
Thời gian tới khi EVFTA đi vào quá trình thực thi một cách sâu sắc hơn, lộ trình giảm thuế tiệm cận dần mức độ 0 – 5% thì cơ hội sẽ nhiều hơn cho cả doanh nghiệp Việt Nam và EU. Đấy chính là cơ hội để tăng hơn nữa cơ hội thu hút đầu tư. Việc tận dụng nguồn nguyên liệu và công nghệ châu Âu để sản xuất hàng hóa có chất lượng tốt hơn, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu là một trong những kỳ vọng lớn của doanh nghiệp Việt khi EVFTA bước sang giai đoạn thực thi mới. Để làm được điều đó, cần có thêm sự đồng hành từ phía cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội ngành hàng, đặc biệt thông qua cơ chế, chính sách và hoạt động hỗ trợ phù hợp.
Ông Ngô Chung Khanh cho rằng, trước hết, doanh nghiệp Việt Nam phải xác định hợp tác với EU là làm chuẩn, bài bản. Thứ hai là cần phải tương thích dần về các tiêu chuẩn kỹ thuật. Bởi vì những thương hiệu Made in EU là một bảo chứng về chất lượng. Thứ ba là cần phải chú ý nâng cao trình độ quản trị và đặc biệt phải rất quan tâm đến phần truy xuất nguồn gốc, truy xuất xuất xứ bởi vì sắp tới những quy định của EU như đạo luật chuỗi cung ứng sẽ là đạo luật bắt buộc đánh vào nhà nhập khẩu EU, trong đó các doanh nghiệp từ Việt Nam. Thứ tư là quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ để đảm bảo không có gì rò rỉ hay bị đánh cắp công nghệ. Cuối cùng là phải quan tâm đến lao động và môi trường, phát triển bền vững. Đây là điều cực kỳ quan trọng. Bởi vì Hiệp định EVFTA có một chương riêng về phát triển bền vững và không chỉ các doanh nghiệp EU hay là các cơ quan quản lý mà người tiêu dùng EU cũng rất quan tâm đến vấn đề lao động, phát triển bền vững.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp, trong tuần tới, lãnh đạo Bộ Công Thương sẽ chủ trì một hội nghị lãnh đạo các Sở Công Thương trên toàn quốc để rà soát lại, đánh giá lại việc thực thi các hiệp định thương mại và đặc biệt chia sẻ các kinh nghiệm thành công trong việc kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài nói chung và doanh nghiệp EU nói chia riêng sẽ được chia sẻ và từ đó các tỉnh học lẫn nhau để lan tỏa. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng tập trung các hoạt động xúc tiến thương mại để giúp doanh nghiệp hiểu khách hàng, thị trường, từ đó, có hướng đi bài bản để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng.