Kiểm soát thị trường xăng dầu trong nước: Cần sự phối hợp liên ngành
Giá xăng tăng “sốc” và sự vào cuộc kịp thời của cơ quan quản lý
Hiện giá xăng dầu thế giới vẫn “neo” ở mức cao, thậm chí có những nghiên cứu cho thấy có cả những lý do dẫn tới khả năng thiếu hụt nguồn cung mặt hàng này... Dưới góc độ quản lý nhà nước, Bộ Công Thương đã chủ động trong công tác dự báo tình hình, trong đó đã có những nghiên cứu và dự báo rất sớm.
Ngay từ khi chiến sự Nga-Ucraine xảy ra, Bộ Công Thương đã có báo cáo gửi Chính phủ rất rõ ràng và cụ thể về tình hình địa chính trị, cũng như nguồn cung xăng dầu trên thế giới có khả năng bị gián đoạn.
Đặc biệt là khi các nước Opec+ nhóm họp nhiều lần, nhưng việc đưa ra sản lượng không như cam kết, hay đàm phán Iran không tiến triển, dẫn tới nguồn cung không có khả năng đáp ứng đủ, trong khi nhu cầu phục hồi kinh tế, tổng cầu về xăng dầu tăng lên rất mạnh sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
Với sự dự báo sớm, phán đoán khả năng gián đoạn nguồn cung cục bộ của tình hình năng lượng thế giới, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các công ty xăng dầu đầu mối có kế hoạch nhập khẩu xăng dầu để đảm bảo nguồn cung, an ninh năng lượng trong mọi tình huống.
Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh chia sẻ những giải pháp kiểm tra, kiểm soát, bình ổn thị trường xăng dầu trong nước của lực lượng QLTT |
Nhận định về thị trường xăng dầu trong nước trong Tọa đàm “Phát huy vai trò quản lý Nhà nước trong điều hành giá xăng dầu” do báo Công Thương tổ chức, ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Tổng cục đã nhanh chóng chỉ đạo lực lượng QLTT các tỉnh thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường xăng dầu do dự kiến khi giá xăng dầu tăng sẽ xảy ra các tình trạng gian lận thương mại.
Thực tế, số lượng cây xăng kinh doanh bán lẻ trên lãnh thổ Việt Nam rất nhiều. Thời điểm trước Tết Âm lịch (ngày 28/1/2022), Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có yêu cầu chỉ đạo khẩn cấp toàn lực lượng QLTT tăng cường biện pháp nghiệp vụ đối với các cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu, điểm lưu kho, bồn chứa trên địa bàn các địa phương. Đặc biệt là phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp giám sát, kiểm soát kinh doanh xăng dầu. Cùng với đó, xác minh, làm rõ các cửa hàng kinh doanh xăng dầu, nhà bán lẻ có hiện tượng tạm ngưng, tạm bán, tạm kinh doanh mà không có lý do.
Cũng theo chỉ đạo của Bộ trưởng, lực lượng QLTT xác minh, xử lý nghiêm các trường hợp bán lẻ ngừng kinh doanh không có lý do; phối hợp với các đơn vị chức năng là Sở Công Thương có các biện pháp xử lý cứng rắn như rút giấy phép kinh doanh.
Theo đó, từ ngày 28/1 đến nay, lực lượng QLTT đã tập trung vào hoạt động kiểm tra, kiểm soát và đến ngày 23/3 đã tập trung toàn lực lượng kiểm tra, kiểm soát 16.800/17.000 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn cả nước.
“Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát, lực lượng QLTT tiến hành rút giấy phép hoạt động nhiều cửa hàng xăng dầu ở khu vực miền Tây Nam Bộ”, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh thông tin và cho biết, qua công tác kiểm tra giám sát, hiện nay trong tổng số 16.800 cây xăng được kiểm tra thì có 241 cây xăng đang tạm dừng hoạt động với rất nhiều lý do.
Tổng Cục trưởng cho biết, thời gian qua, lực lượng QLTT các tỉnh thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường xăng dầu và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm |
Ngoài ra, Tổng Cục trưởng cũng cho biết, việc thiếu hụt không bán hàng thời gian đầu chủ yếu tập trung ở khu vực phía Nam gây thiếu hụt cục bộ, đến nay tình hình đã trở lại ổn định.
“Thời gian qua, lực lượng QLTT đã xử lý rất nghiêm các hiện tượng bán giãn, bán không bán đủ thời gian 24/24 hay trước thời gian cao điểm điều chỉnh giá xăng dầu có cây xăng tạm ngưng không bán. Ngay khi có những phản ánh của người dân, lực lượng QLTT đã nhanh chóng tiếp cận để kiểm tra, nắm bắt tình hình và xử lý”, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh chia sẻ.
Phối hợp liên ngành để kiểm soát thị trường xăng dầu trong nước
Phân tích nguyên nhân dẫn đến hiện tượng bán giãn, bán không đủ thời gian, hay găm hàng... ông Trần Hữu Linh cho rằng, nguyên nhân chính là ý thức kinh doanh và đạo đức kinh doanh của các cơ sở, cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
“Do giá xăng dầu tăng là điều có thể dự đoán được khi xăng dầu là mặt hàng chiến lược và trong bối cảnh trước Tết, sau dịch thì trách nhiệm của người kinh doanh là phải đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, nhiều cơ sở, cửa hàng, đại lý có ý thức kinh doanh còn thấp kém thì lấy lý do đang dịch bệnh, nhân viên nghỉ không duy trì liên tục việc bán hàng, hoặc nghỉ trưa.
Cá biệt có cửa hàng lấy lý do thiếu hàng nhưng khi lực lượng QLTT kiểm tra thì thấy vẫn còn… thì những lý do đó là không chính đáng… Đây là việc mà các đại lý tìm cách luồn lách qua mặt pháp luật cho nên theo quan điểm của tôi thì đây là mặt ý thức”, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh phân tích và khẳng định, tất cả những vấn đề này, khi đi kiểm tra, lực lượng QLTT làm nghiêm, có xem xét những lý do chính đáng, trường hợp nào cần xử phạt, QLTT đều xử phạt rất nghiêm.
“Nếu chưa đến mức xử phạt thì vận động, tuyên tuyền vì điều này liên quan tới ý thức. Không chỉ vậy, QLTT các địa phương đã dán liên hệ đường dây nóng của lực lượng vào các cây xăng để người dân chủ động phát hiện, gọi cho lực lượng QLTT đến xử lý”, Tổng Cục trưởng nhấn mạnh.
Cũng theo Tổng cục trưởng, để kiểm soát, bình ổn thị trường xăng dầu trong nước cũng như ngăn chặn hành vi sản xuất, kinh doanh xăng dầu kém chất lượng rất cần sự phối hợp liên ngành. Ở biên giới, “mắt xích” là lực lượng Biên phòng, Hải quan… trong nội địa, là QLTT và các lực lượng liên ngành khác… |
Chia sẻ về vấn đề xăng dầu giả, nhập lậu, xăng dầu kém chất lượng, Tổng Cục trưởng nhận định, đây là vấn đề nhức nhối trong nhiều năm qua chứ không phải đến bây giờ.
Trong 1,2 năm trở lại đây, các lực lượng chức năng như công an, biên phòng, cảnh sát biển, QLTT đã phát hiện ra rất nhiều đường dây nhập lậu xăng dầu, thậm chí pha chế xăng dầu ngay trong tại thị trường nội địa do lợi nhuận rất cao.
Gần đây nhất, lực lượng Công an đã khởi tố vụ 200 triệu lít xăng dầu giả tại Đồng Nai. Đối với QLTT, lực lượng vẫn luôn luôn xác định mặt hàng xăng dầu là mặt hàng trọng điểm trong công tác kiểm tra kiểm soát, xử lý vi phạm.
Những vi phạm về chất lượng xăng dầu là rất phổ biến, bởi, hiện nay việc pha chế xăng dầu ở thị trường nội địa dẫn đến xăng dầu chất lượng kém là có và tương đối nhiều.
“Trước thực trạng này, cần có một hệ thống phối hợp kiểm tra, quản lý xuyên suốt, chặt chẽ. Việc ngăn chặn xăng dầu nhập lậu vào trong nội địa cần làm ngay từ biên giới. “Mắt xích” là lực lượng Biên phòng, Hải quan. Trong nội địa, lực lượng QLTT sẽ phối hợp cùng các lực lượng thanh tra chuyên ngành phát hiện cây xăng, cửa hàng xăng dầu bán hàng kém chất lượng để lấy mẫu, kiểm tra…”, Tổng Cục trưởng nhận định.
Thời gian tới, để kiểm soát, giữ ổn định thị trường cũng như bảo vệ quyền lợi của người dân, doanh nghiệp, lực lượng QLTT cả nước tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo từ Chính phủ, từ Bộ Công Thương, đặc biệt là những công điện khẩn liên quan đến tình hình ổn định của giá xăng dầu, chống mọi hành vi gian lận thương mại liên quan đến xăng dầu.
Song song đó, theo dõi, giám sát, tiến hành kiểm tra đột xuất các hành vi vi phạm, đặc biệt là qua đường dây nóng của lực lượng QLTT.
Ngoài ra, rà soát, đánh giá lại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu có hoạt động tạm ngưng trong thời gian qua, có các biện pháp xác minh làm rõ. Đặc biệt, tăng cường kiểm tra đột xuất và áp dụng các hình thức xử phạt và xử phạt bổ sung mang tính răn đe cao.
Đặc biệt, Tổng Cục trưởng lưu ý đến hoạt động tuyên truyền, vận động người dân phổ biến tiết kiệm việc sử dụng xăng dầu; phát hiện tố giác nhằm hỗ trợ lực lượng QLTT trong quá trình kiểm tra, kiểm soát, phát hiện các vụ việc vi phạm.