Ngành bia rượu “bứt tốc” nhờ thương mại điện tử
Báo cáo được tổng hợp dựa trên cơ sở dữ liệu giá bán, doanh thu của tất cả nhãn hàng bia, rượu, nước trái cây lên men đang kinh doanh trên Shopee, Lazada, Tiki.
Theo các thông tin trước đó, bao gồm báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết và báo cáo từ Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, nguyên nhân ảnh hưởng tiêu cực đến doanh thu trong năm 2023 của ngành bia rượu bao gồm: Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu cho bia rượu và giá thuê mặt bằng tăng cao ảnh hưởng đến kênh tiêu thụ tại chỗ (on-trade).
Giữa các khó khăn này, dữ liệu do YouNet ECI cung cấp đã chỉ ra doanh thu nhóm ngành hàng đồ uống có cồn trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) vẫn tăng trưởng 12% trong 6 tháng cuối năm 2023 so với 6 tháng trước (mặc dù 6 tháng đầu năm 2023 có Tết Nguyên Đán là cao điểm của ngành hàng). Trong đó, riêng các doanh nghiệp bia kinh doanh trên các sàn đạt tổng doanh thu 351 tỷ đồng trong năm 2023.
Đặc biệt, nếu chỉ tính riêng sàn Shopee, tốc độ tăng trưởng của ngành hàng bia lên đến 154%: Từ vỏn vẹn 34,9 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, vọt lên 88,7 tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm 2023.
(Ảnh minh họa) |
Ông Nguyễn Phương Lâm, Trưởng bộ phận Phân tích thị trường TMĐT của công ty YouNet ECI, chỉ ra ba nguyên nhân chính dẫn đến sức tăng trưởng ngành này trên sàn TMĐT:
Thứ nhất là nỗ lực tìm ra kênh tăng trưởng bù số cho kênh truyền thống của nhiều nhãn hàng bia mùa cuối năm. Các nhãn hàng này đã đẩy mạnh hơn hoạt động quảng bá, khuyến mãi trên các sàn TMĐT, đặc biệt là trên Shopee Mall.
Thứ hai là các chương trình khuyến mãi lớn của sàn, của nhãn hàng trên sàn đang tạo lực hấp dẫn cho người tiêu dùng. Dữ liệu của YouNet ECI cho thấy trung bình trong các tuần có sự kiện Siêu Sale trên các sàn (ngày 10/10, 11/11, 12/12, v.v…) ngành hàng bia thu về 8,1 tỷ đồng/tuần - cao hơn 35% so với các tuần bình thường, không có sự kiện.
Như vậy, các sự kiện Siêu Sale trên sàn vẫn đang là một yếu tố kích cầu tốt đối với người tiêu dùng, đặc biệt trong thời kỳ thắt lưng buộc, giảm chi tiêu hiện nay.
Và yếu tố thứ 3 là sự quen thuộc của đối tượng khách hàng Gen Z, Gen Y với thương mại điện tử. Bằng chứng là nếu nhìn vào những dòng sản phẩm bia bán chạy nhất ở trên TMĐT, sẽ thấy có sự xuất hiện trong top của Tiger Crystal, Heineken Silver hoặc là Chill Cocktail, những dòng sản phẩm nhắm đến nhóm khách hàng Millennial hoặc Gen Z.
Tuy nhiên, ông chỉ ra một đặc điểm phổ biến của Gen Z là khó trung thành với một nhãn hàng cố định, mà có xu hướng chuyển đổi thường xuyên. Dữ liệu của YouNet ECI cho thấy có đến hơn 500 nhãn hàng bia rượu các loại đang được đăng bán ở trên các sàn E-com, trong khi trung bình một siêu thị truyền thống chỉ có khoảng 60 nhãn hàng, đồng nghĩa danh mục sản phẩm ở trên TMĐT đa dạng hơn rất nhiều để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi liên tục của người dùng.