Ngành Công Thương đặt ra 5 nhiệm vụ trọng tâm năm 2023
Phát biểu bế mạc Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự. Bộ trưởng nhận định, năm 2022 là năm có nhiều khó khăn, thách thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bởi nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, trong khi tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường và dị biệt; các yếu tố rủi ro gia tăng cả về mức độ, phạm vi, tính chất trên quy mô toàn cầu; đặc biệt, cuộc xung đột Nga - Ukraina kéo dài cùng với các biện pháp trừng phạt về kinh tế đối với Nga đã và đang gây ra những hệ luỵ nghiêm trọng đến kinh tế, thương mại, tài chính thế giới; giá cả dầu thô và các nguyên vật liệu đầu vào biến động bất thường; lạm phát tăng cao cùng với chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi xuất ở nhiều nước dẫn tới tổng cầu thế giới giảm sút, tác động bất lợi đến sự hồi phục và phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.
Song, với sự lãnh đạo, chỉ đạo chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của các Bộ, ngành, địa phương; cùng với sự chung sức, đồng lòng của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự hợp tác, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, kinh tế - xã hội nước ta đã phục hồi mạnh mẽ, đạt kết quả tích cực và tương đối toàn diện: Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát; GDP tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua; sản xuất công nghiệp tăng gấp đôi mức tăng của năm trước; xuất nhập khẩu đạt kỷ lục mới, duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với mức thặng dư 11 tỷ USD, gấp gần 3 lần năm trước.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu bế mạc Hội nghị |
Đóng góp vào thành tích chung đó, ngành Công Thương đã nỗ lực phấn đấu, chủ động, sáng tạo triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, vẫn còn những tồn tại, hạn chế và vấn đề đặt ra cho Ngành cần tập trung giải quyết. Đơn cử như sản xuất công nghiệp có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại; sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước vào các chuỗi cung ứng toàn cầu chưa cao. Xuất khẩu vẫn còn phụ thuộc nhiều vào khối FDI; năng lực xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa chậm cải thiện...
“Những hạn chế, yếu kém nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan”, người đứng đầu ngành Công Thương nhận định và cho rằng, nguyên nhân chủ quan đến từ kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành và ý thức chấp hành của một số đơn vị, bộ phận, cá nhân chưa tốt; Năng lực, trình độ, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao; Sự phối hợp trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ giữa các đơn vị, bộ phận với nhau và với bộ, ngành, địa phương có lúc, có việc còn hạn chế; Công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát của cấp trên đối với cấp dưới ở một số đơn vị chưa sâu sát, kịp thời...
“Đây là những điểm nghẽn đối với sự phát triển của Ngành trong nhiều năm qua”, Bộ trưởng nhấn mạnh và yêu cầu toàn ngành cần thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá rất nghiêm túc, cầu thị và kịp thời có các giải pháp khả thi để khắc phục, tạo sự chuyển biến thực chất và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Bước sang năm mới 2023, để kịp thời khắc phục những hạn chế, yếu kém thời gian qua, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác, bứt phá vươn lên, thực hiện thắng lợi và toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2023 được giao, người đứng đầu ngành Công Thương nêu ra 05 nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể”
Một là, tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chủ trương, chính sách có liên quan về phát triển công nghiệp, thương mại. Khẩn trương xây dựng Kế hoạch hành động và tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023. Trong đó, chú trọng các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh triển khai các dự án phát triển công nghiệp, thương mại, nhất là các dự án trọng điểm để sớm đưa các dự án vào hoạt động, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế đất nước.
Bước sang năm mới 2023, để kịp thời khắc phục những hạn chế, yếu kém, ngành Công Thương đặt ra 5 nhiệm vụ trọng tâm để bứt phá vươn lên, thực hiện thắng lợi và toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm |
Hai là, chú trọng nâng cao chất lượng và tính chủ động trong tham mưu thể chế hóa kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý. Hoàn thành có chất lượng và đúng thời hạn các nhiệm vụ được giao tại Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ năm 2023 và các dự án sửa đổi, bổ sung các Luật, các chiến lược, quy hoạch phát triển Ngành; đồng thời, tiếp tục rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những cơ chế, chính sách còn bất cập, chồng chéo, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh và đề xuất cấp có thẩm quyền cho thực hiện thí điểm những quy định, chính sách có tính đột phá để khơi thông và giải phóng các nguồn lực, nhất là nguồn xã hội hóa trong đầu tư phát triển Ngành.
Ba là, tập trung tham mưu cho Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Khẩn trương xây dựng Luật phát triển công nghiệp và cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp có tính nền tảng, góp phần nâng cao năng lực tự chủ của nền công nghiệp quốc gia.
Tích cực tham mưu tổng kết cơ chế, chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc thực hiện chính sách thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại; từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm khuyến khích, ràng buộc các doanh nghiệp FDI có sự lan tỏa, chia sẻ, hỗ trợ thực chất các doanh nghiệp trong nước để thúc đẩy chuyển giao công nghệ, phát triển kỹ năng quản trị, hình thành các chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu và cụm liên kết ngành, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt để từng bước tham gia sâu vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Bốn là, chủ động rà soát, tham mưu cho cấp có thẩm quyền đàm phán, ký kết các cơ chế hợp tác song phương và đa phương mới; đồng thời, tiếp tục phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, góp phần hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng XNK. Chú trọng hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.
Tiếp tục đổi mới công tác xúc tiến thương mại, kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại, khai thác hiệu quả thị trường nội địa 100 triệu dân còn nhiều tiềm năng; đồng thời, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, thị trường các mặt hàng thiết yếu để điều hành phù hợp, hiệu quả.
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, cạnh tranh không bình đẳng; nâng cao năng lực phòng vệ thương mại... bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho doanh nghiệp, bảo vệ sản xuất và lợi ích người tiêu dùng trong nước, phù hợp với các cam kết quốc tế.
Năm là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành và ý thức chấp hành gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục đổi mới lề lối, phương thức làm việc, đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; chủ động phối hợp xử lý công việc gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong toàn hệ thống, góp phần thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ được Lãnh đạo Đảng và Nhà nước giao.
“Với nỗ lực cao nhất ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới, toàn ngành Công Thương cam kết thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao trong năm 2023”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.