Nguồn cung xăng dầu trong nước luôn đảm bảo và sẽ không thiếu
Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến phát triển điện mặt trời, ông Bùi Quốc Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết, thực hiện chủ trương phát triển năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương đã tham mưu cho Chính phủ ban hành một số quy định nhằm khuyến khích để phát triển năng lượng tái tạo trong đó có điện gió, điện mặt trời.
Riêng điện mặt trời có Quyết định 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển dự án điện mặt trời và Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời. Cùng với Quyết định số 13, ngày 17/7/2020, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Thông tư số 18/2020/TT-BCT để hướng dẫn việc thực hiện triển khai các dự án điện mặt trời trên toàn quốc.
Toàn cảnh buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương Quý I/2022 |
Theo ông Hùng, sau khi có những chính sách, hướng dẫn các chủ đầu tư, các tổ chức, cá nhân đã tham gia đầu tư phát triển rất nhiều các dự án điện mặt trời. Đến cuối năm 2020, số lượng dự án điện mặt trời đưa vào vận hành đã đạt khoảng 17.000 MW (trong đó dự án điện mặt trời quy mô ((Solar Farm) nối lưới là khoảng 9.000MW và điện mặt trời mái nhà khoảng 8.000 MW).
“Chủ trương phát triển điện mặt trời là rất đúng nhằm tăng cường khả năng phát triển của năng lượng tái tạo, giảm dần sự phụ thuộc vào việc sử dụng năng lượng hoá thạch, chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải, bảo vệ môi trường”, ông Bùi Quốc Hùng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, do thời gian có hiệu lực của các Quyết định chỉ đến 31/12/2020 nên trong một thời gian ngắn, điện mặt trời phát triển nóng, gây ra một số tồn tại, vướng mắc, thậm chí cả bức xúc.
Từ việc có một số vấn đề bấp cập đối với điện mặt trời, ngày 9/2/2021, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo số 185 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với UBND các tỉnh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để kiểm tra, rà soát việc phát triển điện mặt trời tại các tỉnh.
Đồng thời, ngày 5/3/2021, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định thành lập đoàn kiểm tra điện mặt trời. Sau đó, ngày 15/3/2021, chính thức có thông báo đến UBND các tỉnh và EVN tiến hành thực hiện kiểm tra các dự án điện mặt trời trên địa bàn 10 tỉnh Nam miền Trung và miền Nam.
Đoàn công tác đã tiến hành kiểm tra từ tháng 3 cho đến đầu tháng 5/2021 và kết thúc đợt kiểm tra thứ nhất để tiến hành báo cáo. Sau đó, Bộ Công Thương cũng đã thành lập đoàn kiểm tra thứ hai để đánh giá tổng thể hơn cho toàn bộ một số các tỉnh khu vực phía Bắc. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát nên đã tạm dừng.
Hiện nay, Bộ Công Thương đã có thông báo kết luận về việc rà soát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời mái nhà. Đoàn kiểm tra đã cùng với các địa phương kiểm tra trên địa bàn 10 tỉnh.
Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra đã phát hiện một số vấn đề tại một số dự án điện mặt trời như quá tải lưới phân phối, cũng như một số dự án tấm pin chưa lắp đủ, hoặc có một số chỗ gặp sự cố gây quá tải các đường dây.
“Chúng tôi đã kiểm tra, rà soát lại tất cả tại thời điểm kiểm tra và tổng hợp lại những vướng mắc để xem xét. Sau đó, Bộ Công Thương cũng đã giao cho UBND các tỉnh cùng phối hợp với EVN tiếp tục kiểm tra, rà soát các tỉnh còn lại”, ông Hùng thông tin.
Liên quan đến trách nhiệm của Bộ Công Thương về sai phạm của các dự án điện mặt trời mái nhà theo kết luận của Bộ Công Thương, ông Hùng cho biết, theo Quyết định 13 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, những dự án có công suất dưới 1MW và đấu nối vào lưới điện phân phối dưới 35kV thì việc thoả thuận, đấu nối sẽ do EVN thoả thuận, thực hiện với khách hàng chủ đầu tư nhằm đấu nối vào lưới điện.
Đồng thời theo quy định, những dự án dưới 1 MW là công trình cấp 4 nên hiện nay không có thoả thuận về quy hoạch, cũng như không cần phải cấp giấy phép hoạt động điện lực.
Chính vì vậy, theo Quyết định 13, Bộ Công Thương có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn để triển khai, thực hiện các dự án cũng như kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh khắc phục những sai phạm.
Tuy nhiên, ông Hùng khẳng định, do thời gian thực hiện rất ngắn, từ 17/7 đến 31/12/2020 nên Bộ Công Thương chưa có điều kiện để kiểm tra đồng bộ, chấn chỉnh kịp thời, cũng như chưa sơ kết, tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm cho việc xây dựng chính sách, để đảm bảo cho đúng quy hoạch nhằm có thể quản lý, kiểm soát các dự án.
Liên quan đến các dự án điện mặt trời sai phạm, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương đã và đang thực hiện nghiêm túc thẩm quyền, trách nhiệm theo đúng quy định hiện hành và các kết luận... |
Về phía lãnh đạo Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải lưu ý trong việc thực hiện quy hoạch năng lượng tái tạo thời gian qua có những tồn tại bất cập. Vì vậy, nhiều cơ quan có thẩm quyền vào kiểm tra và cũng đã có những kết luận.
“Bộ Công Thương, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực điện năng và đặc biệt là năng lượng tái tạo, đã và đang thực hiện nghiêm túc thẩm quyền, trách nhiệm theo đúng quy định hiện hành và các kết luận nói trên", Thứ trưởng khẳng định.
Nguồn cung xăng dầu trong nước luôn đảm bảo và sẽ không thiếu
Ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước trả lời những câu hỏi liên quan đến tình hình xăng dầu trong nước. Theo ông Tuấn, từ năm 2021 đến nay, sự cố từ Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đã ảnh hưởng rất lớn đến thị trường xăng dầu trong nước bởi Nghi Sơn đang chiếm 30% nguồn cung xăng dầu trong nước dẫn đến việc thiếu hụt xăng dầu trong thời gian rất ngắn.
Bộ Công Thương đã có nhiều văn bản chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn báo cáo kế hoạch tái khởi động sản xuất, kế hoạch cung ứng, giao hàng cho thương nhân đầu mối.
Ông Hoàng Anh Tuấn cho biết, với sự nỗ lực của thương nhân đầu mối, đặc biệt là Petrolimex, các doanh nghiệp đã khẳng định đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thời gian vừa qua và trong thời gian sắp tới |
Không những vậy, Bộ Công Thương đã có nhiều buổi làm việc với PVN và Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn và hiện nay thì Nghi Sơn về cơ bản đã khởi động lại. Đồng thời, đã ban hành Quyết định số 242 yêu cầu các thương nhân đầu mối ngoài tổng nguồn đã giao năm 2022 thì đẩy mạnh tăng kế hoạch nhập khẩu.
Mặc dù vậy, việc nhập khẩu xăng dầu cũng đang gặp nhiều khó khăn sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên với sự nỗ lực của thương nhân đầu mối, đặc biệt là “cánh chim đầu đàn” Petrolimex đã đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước thời gian vừa qua và trong thời gian sắp tới.
Liên quan đến câu hỏi liệu giá xăng dầu sẽ được điều hành ra sao trong kỳ điều hành ngày 1/4 tới, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, theo quy định của Nghị định 83 trước đây, xăng dầu được điều hành 15 ngày/lần, nay Nghị định 95 yêu cầu điều hành giá vào ngày 1,11,21 hàng tháng. Đồng thời, giá xăng dầu phụ thuộc vào sự biến động của xăng dầu thế giới.
Tích cực phối hợp với các Bộ, ngành nhằm hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản
Liên quan đến kế hoạch tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân, ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương đã chỉ đạo giao một số đơn vị chức năng thuộc Bộ trong đó có Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Thị trường trong nước và các Vụ thị trường ngoài nước… tích cực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương có sản phẩm nông sản đến mùa vụ để hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm, cả trong nước và nước ngoài.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đã triển khai hàng loạt hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm với các thị trường nước ngoài trên cả môi trường trực tiếp và trực tuyến; Hội nghị giao thương nhóm mặt hàng cụ thể với thị trường tiềm năng; Tổ chức hội chợ triển lãm cho các sản phẩm nông sản. Bộ Công Thương cũng giao Cục Xúc tiến thương mại triển khai, xây dựng bản đồ nông sản Việt Nam, đây sẽ là kênh thông tin chính thức, giới thiệu khách hàng tiềm năng cho sản phẩm nông sản từng địa phương, và thông qua môi trường mạng hoàn toàn có thể kết nối trực tiếp từng địa phương, hợp tác xã, hộ nông dân sản xuất.
Trong thời gian tới, với việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2020 -2030, Bộ Công Thương sẽ tích cực phối hợp với các Bộ, ban, ngành, các địa phương, Cơ quan Xúc tiến thương mại có liên quan tích cực triển khai việc đưa các ứng dụng số, nền tảng số để hỗ trợ kết nối tiêu thụ cho sản phẩm nông sản cho bà bà con, giúp bà con chủ động chào bán sản phẩm của mình.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các địa phương, hiệp hội, trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp để ứng dụng công nghệ số bán hàng online, và đã kết nối với nhiều sàn Thương mại điện tử “khổng lồ” như Amazon, Global Selling… mà Bộ đã ký hợp tác. Tương tự, vừa qua, Cục Xúc tiến thương mại cũng đã làm việc với Alibaba để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam kết nối, tiêu thụ sản phẩm. “Kể cả khi không còn dịch bệnh, chắc chắn đây vẫn là sẽ xu hướng cần được đẩy mạnh trong tương lai” – Thứ trưởng Hải nhấn mạnh.
Tiêu thụ nông sản 3 tháng đầu năm rất khả quan
Trả lời những câu hỏi liên quan đến vấn đề nông sản, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, tình hình tiêu thụ nông sản trong 3 tháng đầu năm rất tốt, đặc biệt dối với mặt hàng gạo, cà phê, thủy sản…
3 tháng đầu năm, xuất khẩu nông sản đạt 7,2 tỷ USD, tăng trưởng 19% so với cùng kỳ. Tăng trưởng xuất khẩu chung của các mặt hàng là 10%, riêng tăng trưởng xuất khẩu nông sản đạt 19%. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn ở một số nhóm hàng và ở một số thời điểm cụ thể. Gần đây nhất liên quan đến mặt hàng trái cây xuất khẩu qua các cửa khẩu đường bộ biên giới sang Trung Quốc.
Đối với trường hợp này, Bộ Công Thương hết sức quan tâm và trong thời gian qua Bộ đã dự thảo và trình Thủ tướng Đề án về chuyển hoạt động thương mại biên giới từ tiểu ngạch sang chính ngạch; Thành lập Ban chỉ đạo giải quyết vấn đề ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu biên giới do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng ban, đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục chức năng thuộc Bộ là thành viên; Phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc đẩy mạnh đàm phán với phía Trung Quốc làm sao để gia tăng số lượng mặt hàng trái cây xuất khẩu chính ngạch trong thời gian tới; Phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn doanh nghiệp thay đổi phương thức giao nhận, bên cạnh đường bộ cũng tận dụng các phương thức khác như đường sắt, đường biển…