QLTT Thanh Hóa: Chủ động đấu tranh, ngăn ngừa vi phạm để bảo vệ thị trường
Vi phạm không nổi cộm nhưng phương thức rất tinh vi
Năm 2021, tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại Thanh Hóa gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tuy không nổi cộm nhưng còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa cho biết, năm 2021, hoạt động buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán trái phép hàng cấm trên địa bàn tỉnh ít nổi cộm, chủ yếu thẩm lậu theo hai tuyến (từ các tỉnh phía Nam ra và từ các tỉnh biên giới phía Bắc vào) đi qua hoặc đưa vào địa bàn tỉnh để tiêu thụ.
Các đối tượng thường sử dụng thủ đoạn chia nhỏ vận chuyển trên các phương tiện xe khách, xe tải, xe taxi, xe bưu chính; cất dấu, ngụy trang tang vật nằm trong các mặt hàng tiêu dùng khác; khi vận chuyển thì thay đổi xe, biển số xe, thay đổi thời gian, tuyến đường vận chuyển; hợp pháp hoá hàng nhập lậu bằng hoá đơn, quay vòng hóa đơn, gây khó khăn cho công tác điều tra, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn của các lực lượng chức năng.
QLTT Thanh Hóa phát hiện hơn 400 sản phẩm thực phẩm quá hạn sử dụng |
Cũng theo quyền Cục trưởng Nguyễn Văn Hùng, năm qua, hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả trên địa bàn tỉnh tuy không nổi cộm, nhưng vẫn còn diễn ra trên địa bàn. Bên cạnh việc kinh doanh các mặt hàng giả mạo nhãn hiệu, các đối tượng lợi dụng các kho, xưởng, nhà dân ở các vùng quê để sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm, hàng tiêu dùng...
Đặc biệt, trong năm, tình trạng vi phạm trên môi trường mạng diễn ra phổ biến. Các đối tượng lợi dụng kinh doanh thương mại điện tử để thực hiện hành vi bán hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ...
Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo của Trung ương, lãnh đạo các cấp, ngành tỉnh Thanh Hóa, Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, có hiệu quả, bảo đảm cân đối cung cầu, hàng hóa, dịch vụ, bình ổn giá cả, thị trường; chủ động phòng, chống dịch Covid-19, góp phần tích cực thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, ổn định tình hình kinh tế - xã hội.
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh, Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa đã tập trung chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc tăng cường triển khai thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về vận chuyển kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại.
Trong đó tập trung vào các mặt hàng như: pháo các loại, vật liệu nổ, đèn trời, đồ chơi trẻ em gây kích động bạo lực, thuốc lá, rượu nhập lậu và các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng như: bánh, mứt, kẹo, sản phẩm gia súc gia cầm không đảm bảo an toàn thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thiết bị y tế, xăng dầu, ga, khí dầu mỏ hóa lỏng, đồng hồ thụy sĩ…
Trong năm 2021, lực lượng QLTT Thanh Hóa đã tổng kiểm tra, kiểm soát 2.401 vụ; xử lý 2.033 vụ. Trong đó, xử lý về hàng cấm, hàng nhập lậu là 297 vụ, xử lý về hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ là 167 vụ; xử lý về lĩnh vực giá là 505 vụ; xử lý vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm là 618 vụ, xử lý vi phạm khác trong kinh doanh 446 vụ.
Song song đó, Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa cũng chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành, lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm.
Quyền Cục trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, bám sát chỉ đạo của cấp trên, cùng với việc phân tích, dự đoán, đơn vị đã nắm bắt kịp thời nhiệm vụ được giao, đồng loạt ra quân, tăng cường công tác phối hợp từ cấp tỉnh đến cấp huyện, thị xã, thành phố. Cùng với sự vào cuộc của hệ thống chính trị và sự tham gia của Nhân dân, QLTT Thanh Hóa đã tạo được bước chuyển biến trong việc thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Chủ động thanh, kiểm tra để bảo vệ thị trường
Trong năm 2022, Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện xử lý các vụ việc về hàng giả. Xác định công tác chống hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ là nhiệm vụ hàng đầu.
Đồng thời, chủ động xây dựng các kế hoạch kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng các chính sách và các quy định của pháp luật để buôn bán hàng giả, không đảm bảo chất lượng.
Song song đó, tiếp tục thực hiện tốt vai trò tham mưu, đề xuất, xây dựng chương trình, kế hoạch công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đồng thời, tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đến các lực lượng chức năng, các Ban Chỉ đạo 389 huyện, thị xã, thành phố nhằm đấu tranh, phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn.
Năm 2022, lực lượng QLTT Thanh Hóa sẽ chủ động hơn nữa trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường để đấu tranh ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm |
2022 là năm rất quan trọng nhưng cũng nhiều thách thức khi dịch bênh Covid-19 vẫn chưa thuyên giảm, do vậy, lực lượng QLTT Thanh Hóa sẽ chủ động hơn nữa trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; trong công tác phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng trong thu thập thông tin, nắm tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, vi phạm trong quảng cáo... để đấu tranh ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm.
“Bước sang 2022 với nhiều thách thức, khó khăn, tập thể lãnh đạo cán bộ, công chức, người lao động của Cục QLTT Thanh Hóa sẽ nỗ lực, cố gắng ở mức cao nhất để đạt kết quả tốt nhất”, quyền Cục trưởng Nguyễn Văn Hùng cam kết.