Quản lý thuốc lá thế hệ mới: Khó khăn trong công tác xử lý vi phạm
Tiềm ẩn nhiều nguy hại
Ngày 4/5 vừa qua, Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND các tỉnh/thành phố, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an về tăng cường truyền thông các tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha. Đồng thời, đề nghị kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Bộ Y tế cho biết, hiện ở Việt Nam các sản phẩm này chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành. Tuy nhiên việc mua bán, quảng cáo đang diễn ra phổ biến, đặc biệt trên các nền tảng mạng xã hội. Việc sử dụng thuốc lá điện tử đang có xu hướng gia tăng nhanh, đặc biệt trong lứa tuổi học sinh. Ngoài các tác hại giống như thuốc lá điếu thông thường, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng còn có nguy cơ làm phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện khác.
![]() |
Thuốc lá thế hệ mới chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại Việt Nam, tuy nhiên, hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều mặt hàng này với nhiều hình thức kinh doanh |
Chỉ ra sự khác biệt giữa thuốc lá thông thường và thuốc lá thế hệ mới, đại diện Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, cùng với sự phát triển và ứng dụng của khoa học công nghệ, nhiều loại hình thuốc lá mới đã ra đời nhằm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.
Sản phẩm thuốc lá thế hệ mới là sản phẩm thuốc lá hoàn toàn khác so với thuốc lá điếu thông thường, sử dụng thiết bị điện tử để làm nóng dung dịch có chứa nicotine hoặc thành phần thuốc lá tạo ra làn hơi để người sử dụng hít vào.
“Điểm khác biệt cơ bản của dòng sản phẩm này so với thuốc lá truyền thống đó là không có sự cháy hay quá trình đốt cháy”, đại diện Cục Nghiệp vụ QLTT thông tin và cho biết, qua thực tiễn kết quả kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm cho thấy mặt hàng thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng trên thị trường hiện nay được đưa về Việt Nam qua đường nhập khẩu phi thương mại, không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc hàng hoá.
“Hoạt động mua bán, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, chia sẻ thông tin về các loại thuốc lá diễn ra công khai trên các tài khoản cá nhân; các hội, nhóm có rất nhiều thành viên tham gia trên các mạng xã hội, internet và một số website thương mại điện tử kinh doanh các sản phẩm này”, đại diện Cục Nghiệp vụ QLTT thông tin.
Bên cạnh đó, thông qua quá trình kiểm tra, rà soát, lực lượng QLTT cũng phát hiện một số điểm bán hàng công khai trên thị trường. Cá biệt, có một số điểm bán gần khu vực trường học, nhắm vào đối tượng khách hàng là trẻ em, học sinh, thanh thiếu niên.
Số liệu từ Bộ Y tế cho thấy, trong ba năm trở lại đây, số người sử dụng thuốc lá điện tử đang gia tăng ở Việt Nam, nhất là ở giới trẻ. Theo kết quả nghiên cứu về các hành vi nguy cơ đối với sức khỏe học sinh THCS và THPT tại Hà Nội do Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) thực hiện năm 2020, tỷ lệ học sinh hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử ở các lớp từ 8 - 12 là 8,35%, ở học sinh lớp 10 - 12 là 12,6%.
Cũng theo kết quả khảo sát này, năm 2015, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở 34 tỉnh, thành phố chỉ khoảng 0,2%, nhưng đến năm 2020, đã tăng 18 lần lên khoảng 3,6%. Ngoài ra, kết quả cũng cho biết, có tới 8% phụ nữ và trẻ em gái hút thuốc lá điện tử; trong khi tỷ lệ hút thuốc lá điếu ở nữ chỉ có 1,2%.
“Thuốc lá thế hệ mới là mặt hàng chưa được phép kinh doanh theo quy định hiện hành tại Việt Nam”, lãnh đạo Cục Nghiệp vụ khẳng định và cho rằng, việc kinh doanh, quảng cáo tràn lan thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng là vi phạm các quy định của pháp luật, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dân, nhất là trẻ em, học sinh, sinh viên.
Khó khăn trong công tác xử lý vi phạm
Kinh doanh, sử dụng thuốc lá thế hệ mới hay thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng nhập lậu đã và đang diễn ra ngày càng phổ biến và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, trong khi đó, lực lượng QLTT lại không thể xử phạt mạnh tay các hành vi vi phạm do chưa được áp dụng Luật Phòng, Chống tác hại thuốc lá hiện hành.
![]() |
Cho đến thời điểm hiện tại, chỉ có khái niệm về thuốc lá và chế tài xử lý thuốc lá chứ chưa có các quy định rõ ràng trong việc xử lý các vi phạm liên quan thuốc lá thế hệ mới |
“Cho đến thời điểm hiện tại, chỉ có khái niệm về thuốc lá và chế tài xử lý các hành vi vi phạm đối với hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm (trong đó có đề cập đến thuốc lá điếu nhập lậu), hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu”, đại diện Cục Nghiệp vụ QLTT thông tin và cho biết, do bất cập trong việc quy định quản lý nhà nước chưa rõ ràng đối với sản phẩm “thuốc lá thế hệ mới” nên trong quá trình xử lý, lực lượng QLTT áp dụng quy định tại Điều 15 Nghị định số số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31/1/2022 của Chính phủ quy định về “Hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu”.
“Những sản phẩm thuốc lá thế hệ mới có những yếu tố gây hại cho sức khoẻ con người do đó được áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu huỷ hàng hoá. Trong trường hợp không xác định được chủ sở hữu của hàng hoá, cơ quan chức năng sẽ áp dụng hình thức tịch thu tang vật vi phạm để xử lý tiêu huỷ như những hàng hoá thông thường khác”, đại diện Cục Nghiệp vụ nêu rõ.
Quản lý, siết chặt quảng cáo thuốc lá thế hệ mới
Trước đó, tại Tọa đàm “Thuốc lá thế hệ mới: Đủ điều kiện để quản lý ngay theo luật hiện hành” do Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh tổ chức hôm 18/4 vừa qua, ông Trần Văn Dũng - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ cũng chia sẻ, trong quá trình thực tế, kiểm tra, kiểm soát, vì lợi nhuận rất cao nên các đối tượng kinh doanh thuốc lá thế hệ mới bị xử phạt nhiều lần vẫn tiếp tục kinh doanh.
"Thị hiếu của người tiêu dùng về việc sử dụng mặt hàng thuốc lá thế hệ mới ở nhiều địa phương ngày càng tăng. Do đó, mặt hàng này vẫn được gian thương quảng cáo, bày bán, chứa trữ tại khu vực sinh hoạt, nơi ở của các cửa hàng trên địa bàn các thành phố lớn như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng và nhiều tỉnh, thành phố khác...
Khi khách hàng đến mua hàng hoặc hỏi về mặt hàng cụ thể thì các đối tượng kinh doanh mới mang hàng ra để giao dịch với khách hàng. Điều này gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc xác định rõ hình thức kiểm tra hay khám nơi cất giấu tang vật", ông Dũng nhấn mạnh.
![]() |
Thuốc lá thế hệ mới được bán tràn lan, công khai trên trang cá nhân, các hội, nhóm trên mạng xã hội Facebook |
Bên cạnh đó, theo ông Dũng, việc bán thông qua các trang mạng xã hội, website thương mại điện tử dẫn đến khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc tìm hiểu, thu thập thông tin, kiểm tra, xử lý do trong nhiều trường hợp không xác định được không gian cụ thể về địa điểm bán hàng, địa điểm chứa trữ hàng hóa của các đối tượng kinh doanh.
Trước thực tế này, lãnh đạo Cục Nghiệp vụ QLTT cho rằng, tăng cường các biện pháp quản lý, phòng chống việc kinh doanh, quảng cáo ngày càng tràn lan các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới là một trong những nhiệm vụ cấp thiết không riêng chỉ lực lượng QLTT, mà đòi hỏi phải có sự phối hợp thống nhất, kịp thời của các ngành, các cấp và các cơ quan chức năng liên quan.
Ngoài ra, để phòng, chống và ngăn chặn các hành vi vi phạm liên quan đến mặt hàng thuốc lá thế hệ mới, thời gian tới, lực lượng QLTT cả nước sẽ tăng cường kiểm soát địa bàn; Chủ động phối hợp với lực lượng Công an rà soát, xác định địa bàn, đối tượng trọng điểm; tập trung đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh trái phép. Chú trọng các địa bàn trọng điểm như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng...
Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền; vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên địa bàn thực hiện nghiêm việc cam kết không kinh doanh, buôn bán, tàng trữ thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng nhập lậu; Cảnh báo cho người tiêu dùng các nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe từ thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đặc biệt, lực lượng sẽ xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể thiếu tinh thần trách nhiệm, làm ngơ hoặc tiếp tay để hoạt động buôn lậu thuốc lá diễn ra trên địa bàn phụ trách.
Trong năm 2022, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra, xử lý các vụ việc về buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép thuốc lá điếu ngoại nhập lậu, xì gà nhập lậu, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng với số vụ kiểm tra hơn 2.190 vụ, số vụ xử lý trên 1.600 vụ, số lượng bao thuốc và tương đương xử lý trên 126.000 bao; số lượng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng trên 10.000 sản phẩm các loại; tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là trên 7,7 tỷ đồng. |
Có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Tin khác

Chống hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ: Cần sự phối hợp của nhà nước, nhà sản xuất và nhà tiêu dùng

Quản lý thuốc lá thế hệ mới: Khó khăn trong công tác xử lý vi phạm

Sẽ kiểm tra toàn diện nền tảng TikTok tại Việt Nam từ ngày 15/5

Lắng đọng, lan tỏa cùng những dòng cảm xúc của khách tham quan nhận diện sâm Ngọc Linh

Đấu tranh, phản bác chống lại những luận điệu xuyên tạc về phát triển kinh tế nhanh và bền vững trong trạng thái “Bình thường mới”

Phòng trưng bày "Nhận diện đúng sâm Ngọc Linh trên thị trường" hút khách thăm quan

Đấu tranh phòng, chống hàng giả để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Kiên quyết bài trừ mỹ phẩm giả, kém chất lượng lưu thông trên thị trường
Đọc nhiều / Mới nhận

Ban hành quy định số hiệu công chức làm việc tại cơ quan Quản lý thị trường các cấp

11 quy định đối với thí sinh thi kiểm định chất lượng đầu vào công chức

Chi bộ Thanh tra - Pháp chế, Nghiệp vụ- Tổng hợp cục QLTT Hưng Yên tổ chức sinh hoạt định kỳ tháng 12 năm 2023

Việt Nam thực hiện thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt với Myanmar, Philippines theo Hiệp định RCEP
