Quảng Bình: Vi phạm trên thương mại điện tử ngày càng phức tạp, tinh vi
Thông tin mới nhất từ Cục QLTT Quảng Bình, trong 6 tháng đầu năm 2022, hoạt động kinh doanh thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, thị trường hàng hóa đa dạng, phong phú về chủng loại và mẫu mã, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Công tác cân đối cung cầu thị trường hàng hóa, bình ổn giá được quan tâm thực hiện tốt.
6 tháng đầu năm 2022, Cục QLTT tỉnh Quảng Bình đã tiến hành kiểm tra 453 vụ, phát hiện 282 vụ vi phạm |
Ông Vũ Quang Thắng - Cục trưởng Cục QLTT Quảng Bình cho hay, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, 6 tháng đầu năm 2022, Cục đã tập trung chỉ đạo các Đội QLTT, các phòng chuyên môn nghiệp vụ triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm tập trung vào các mặt hàng, lĩnh vực như thực phẩm, rượu, thuốc lá, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, kinh doanh thiết bị vật tư y tế, phân bón, vật tư nông nghiệp, hoạt động thương mại điện tử hoặc ứng dụng công nghệ số để kinh doanh.
Các hành vi vi phạm chủ yếu là: hoạt động kinh doanh, vận chuyển hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... Đáng chú ý, để thực hiện các hành vi vi phạm, các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để đối phó với lực lượng chức năng.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2022, Cục QLTT tỉnh Quảng Bình đã tiến hành kiểm tra 453 vụ, phát hiện 282 vụ vi phạm. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính, buộc nộp lại số thu lợi bất hợp pháp, tiền bán hàng tịch thu, giá trị tang vật tịch thu chưa bán, giá trị tang vật tịch thu tiêu hủy, buộc tiêu hủy, giá trị tang vật đang tạm giữ chờ xử lý là hơn 4,8 tỷ đồng.
Đáng chú ý, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, thói quen mua sắm của người dân thay đổi từ mua hàng qua các kênh phân phối truyền thống sang mua hàng trực tuyến nên hoạt động kinh doanh hàng hóa thông qua ứng dụng thương mại điện tử ngày càng phổ biến.
Nhiều đối tượng đã lợi dụng sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội để kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ..., đặc biệt là các mặt hàng giày dép, áo quần may sẵn, mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng... Tuy nhiên việc phát hiện địa điểm kinh doanh, nơi cất giấu hàng hóa của các đối tượng kinh doanh còn gặp rất nhiều khó khăn.
“Do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19, việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát của lực lượng QLTT có phần bị hạn chế, chủ yếu tập trung vào hoạt động kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính trong thị trường nội địa.
Việc kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… vẫn còn xảy ra nhưng số lượng và trị giá tang vật vi phạm chỉ ở mức xử lý vi phạm hành chính. Các đối tượng không bày bán công khai mà thường cất giấu hàng hóa trong nhà ở, để lẫn với các hàng hóa khác, khi người tiêu dùng có nhu cầu mua mới đưa ra bán…”, ông Vũ Quang Thắng chia sẻ.
Tại Quảng Bình, các vi phạm trên thương mại điện tử ngày càng phức tạp, tinh vi |
Thời gian tới, Cục QLTT Quảng Bình tiếp tục tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra việc thực hiện niêm yết giá hàng hóa của các cơ sở kinh doanh, không để xảy ra tình trạng đầu cơ găm hàng, tăng giá bán bất hợp lý nhằm thu lợi bất chính; chủ động nắm thông tin, theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến thị trường để kịp thời ứng phó với các tình huống xảy ra.
Đặc biệt chú trọng nắm bắt và theo dõi thông tin các đối tượng kinh doanh có sử dụng các website, các ứng dụng trên nền tảng công nghệ số, các trang mạng xã hội để bán hàng nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.