Quy định về tiêu chuẩn, đối tượng xét tặng danh hiệu “Cờ thi đua của Bộ Công Thương”
Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư 22/2023/TT-BCT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng trong ngành Công Thương, trong đó, quy định cụ thể tiêu chuẩn, đối tượng xét tặng danh hiệu “Cờ thi đua của Bộ Công Thương”.
Danh hiệu “Cờ thi đua của Bộ Công Thương” được xét tặng hàng năm
Theo Thông tư, danh hiệu “Cờ thi đua của Bộ Công Thương” được xét tặng hàng năm cho tập thể theo năm công tác hoặc kết thúc năm học đã dẫn đầu phong trào thi đua của khối, cụm thi đua do Bộ tổ chức và đạt các tiêu chuẩn sau:
a) Hoàn thành vượt các chỉ tiêu thi đua và nhiệm vụ được giao trong năm; có nhân tố mới, mô hình mới để các đơn vị trong Bộ, trong ngành Công Thương học tập. Đối với đơn vị sản xuất, kinh doanh phải thực hiện tốt các quy định của pháp luật, nghĩa vụ đối với Nhà nước và Bộ Công Thương.
b) Đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”.
c) Nội bộ đoàn kết; tổ chức đảng, đoàn thể được đánh giá, xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; tích cực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các tệ nạn xã hội khác.
Thông tư nêu rõ: Khối, cụm thi đua bình xét, đánh giá, suy tôn tập thể tiêu biểu xuất sắc nhất, dẫn đầu phong trào thi đua các khối, cụm thi đua để đề nghị Bộ trưởng xét, tặng Cờ thi đua của Bộ Công Thương.
Danh hiệu “Cờ thi đua của Bộ Công Thương” để tặng cho tập thể dẫn đầu phong trào thi đua theo chuyên đề do Bộ Công Thương phát động có thời gian thực hiện từ 03 năm trở lên khi tổng kết phong trào. Bộ Công Thương ban hành các văn bản hướng dẫn tổng kết, khen thưởng theo từng phong trào thi đua.
Những đối tượng được xét tặng “Cờ thi đua của Bộ Công Thương”
Các đơn vị thuộc Bộ bao gồm: Vụ, Cục, Tổng cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Văn phòng Ban cán sự đảng Bộ, Công đoàn Bộ Công Thương, Đảng ủy Bộ Công Thương; Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế; Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực; Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách Công Thương; Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công Thương Trung ương và các đơn vị khác được quy định tại văn bản do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ bao gồm: Viện, Trường, Trung tâm và Báo Công Thương, Tạp chí Công Thương, Nhà xuất bản Công Thương.
Công đoàn Công Thương Việt Nam và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Các doanh nghiệp thuộc Bộ và các đơn vị thuộc các doanh nghiệp thuộc Bộ;
Các đơn vị thuộc Tổng cục Quản lý thị trường.
Tiêu chuẩn xét tặng hoặc truy tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương
Theo Thông tư quy định, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân đạt một trong các tiêu chuẩn sau:
a) Thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2, Điều 74, Luật Thi đua, Khen thưởng;
b) Có quá trình công tác trong các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, có đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Công Thương, được xét tặng trước khi nghỉ chế độ hưu trí;
c) Đạt nhiều thành tích trong công tác góp phần xây dựng và phát triển ngành Công Thương Việt Nam nhân dịp kỷ niệm (năm tròn và năm lẻ 5) ngày thành lập ngành Công Thương hoặc đơn vị;
d) Các trường hợp khác do Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét, quyết định.
Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương để tặng cho tập thể, doanh nghiệp và tổ chức khác đạt một trong các tiêu chuẩn sau:
a) Thực hiện theo quy định tại khoản 3, khoản 4, Điều 74, Luật Thi đua, Khen thưởng;
b) Đạt nhiều thành tích trong công tác góp phần xây dựng và phát triển ngành Công Thương Việt Nam nhân dịp kỷ niệm (năm tròn và năm lẻ 5) ngày thành lập ngành Công Thương hoặc đơn vị.
Thông tư cũng quy định: Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương để tặng cho hộ gia đình chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Công Thương Việt Nam.
Các trường hợp khác do Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét, quyết định.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ 1/1/2024.