Tận dụng CPTPP, xuất khẩu cá ngừ sang Nhật Bản tăng gấp 3 lần
Thông tin mới nhất từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 1/2023, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản đạt gần 2,3 triệu USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2022.
Đây là một trong số ít các thị trường nhập khẩu cá ngừ truyền thống của Việt Nam duy trì được tốt tốc đột ăng trưởng, VASEP đánh giá.
Tháng 1/2023, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản đạt gần 2,3 triệu USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2022 |
Cũng theo thông tin từ VASEP, những tháng đầu năm 2023, sản lượng đánh bắt của đội tàu trong nước giảm đang khiến Nhật Bản phải gia tăng nhập khẩu cá ngừ tươi và đông lạnh từ các nước, trong đó có Việt Nam.
Hơn thế nữa, trong giai đoạn đầu năm 2023, các ưu đãi thuế quan theo thỏa thuận mà Nhật Bản dành cho Việt Nam trong Hiệp đối Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được khởi động lại đang tạo sức hút cho các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam.
Theo tính toán của VASEP, năm nay, Nhật Bản tăng nhập khẩu các sản phẩm cá ngừ tươi, đông lạnh và khô của Việt Nam so với cùng kỳ, trong khi đó lại giảm nhập khẩu các sản phẩm cá ngừ chế biến và đóng hộp. Giá trị xuất khẩu các sản phẩm thịt/loin cá ngừ của Việt Nam đang chiếm tỷ trọng cao nhất 52% trong tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này. So với cùng kỳ, xuất khẩu nhóm sản phẩm này tăng 162%. Trong đó, Việt Nam chủ yếu là loin cá ngừ vây vàng đông lạnh sang thị trường Nhật Bản.
Giá C&F trung bình xuất khẩu các sản phẩm loin cá ngừ vây vàng đông lạnh của Việt Nam sang Nhật Bản trong tháng 1/2023 ở mức 7.699 USD/tấn, còn giá CFR ở mức 7.994 USD/tấn.
Trong số các công ty tham gia xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, An Hai Fishery, FoodTech và Mariso Viet Nam đang dẫn đầu xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này trong tháng 1, với tỷ trọng chiếm trên 68% tổng giá trị xuất khẩu.
Năm 2022, xuất khẩu cá ngừ lần đầu tiên chạm tới mốc 1 tỷ USD và đạt 1,03 tỷ USD. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất đạt 461 triệu USD. Đứng thứ hai về thị trường cá ngừ là Canada đạt 48 triệu USD; ở vị trí thứ ba là Nhật Bản với 38 triệu USD; thị trường Israel đứng thứ 4 với 31 triệu USD; vị trí thứ 5 thuộc về thị trường và Arập Xêut với kim ngạch 28 triệu USD.
Nhận định về thị trường cá ngừ những tháng đầu năm 2023, VASEP cho rằng xuất khẩu cá ngừ sẽ khó khăn hơn. Nguyên nhân do lạm phát tăng cao, thói quen của người tiêu dùng thay đổi, chú trọng hơn vào những sản phẩm có giá bán rẻ hơn. Ngoài ra chi phí đầu vào đánh bắt vẫn cao, chưa gỡ được thẻ vàng IUU; chi phí nhiên liệu cho khai thác thủy sản... vẫn là những trở ngại cho ngành cá ngừ.