Tạo động lực cho thương mại điện tử phát triển
Năm 2021, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ khi đạt doanh số 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020. Dịch Covid-19 đã khiến thời gian giãn cách kéo dài nhưng cũng thúc đẩy nhu cầu mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng.
Việc thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp, đã tạo xung lực mới cho tăng trưởng kinh tế số và sớm đạt mục tiêu đạt doanh thu 50 tỷ USD vào năm 2025.
Không chỉ các doanh nghiệp, mà năm 2021 tăng trưởng của các sàn thương mại điện tử cũng tăng đột biến so với năm 2020.
Bộ Công Thương cho biết tới đây sẽ tăng cường thanh kiểm tra, rà soát và phân loại danh sách các website ứng dụng thương mại điện tử, kinh doanh các nhóm hàng để dễ theo dõi, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm |
Theo dữ liệu Google, chỉ trong nửa đầu năm 2021, cả nước có đến 74% người dân sử dụng Internet hàng ngày cùng hơn 8 triệu người dùng thương mại điện tử mới. Còn theo báo cáo của Nielsen, có hơn 60% người tiêu dùng vẫn giữ thói quen mua sắm trực tuyến trong bình thường mới, ngay cả khi các hoạt động bán hàng truyền thống trở lại như cũ.
Thương mại điện tử sẽ ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong hoạt động thương mại, tiếp tục bùng nổ trong năm 2022 và tạo xung lực mới cho tăng trưởng kinh tế.
Vì vậy, trong năm nay, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục thúc đẩy các lĩnh vực như hoàn thiện hệ thống thanh toán điện tử, nâng cao chất lượng hoạt động vận tải, giao nhận hàng hóa… với mục tiêu đưa ngành thương mại điện tử sớm đạt mục tiêu 50 tỷ USD vào năm 2025.
Thương mại điện tử bùng nổ đi cùng với nhiều hệ lụy, xuất hiện nhiều đối tượng, hành vi lợi dụng thương mại điện tử, kể cả các ứng dụng Zalo, Facebook để kinh doanh, buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm sở hữu trí tuệ, thậm chí là các hàng cấm.
Ngăn chặn tình trạng này, Bộ Công Thương cho biết tới đây sẽ tăng cường thanh kiểm tra, rà soát và phân loại danh sách các website ứng dụng thương mại điện tử, kinh doanh các nhóm hàng để dễ theo dõi, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục rà soát để tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách điều chỉnh với những cơ chế, chính sách chưa phù hợp hoặc chưa đủ sức răn đe và sẽ tiếp tục điều chỉnh trong thời gian tới.
Theo Bộ Công Thương, Bộ sẽ triển khai tổng kết thực tế thi hành chính sách, pháp luật và cùng với các bộ, ngành học tập và chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia phát triển về thương mại điện tử nhằm học hỏi kinh nghiệm trong quá trình hoạch định chính sách và tổ chức thực thi chính sách liên quan.
Cùng với đó, Bộ Công Thương tiếp tục rà soát, phân loại danh sách các website ứng dụng thương mại điện tử, kinh doanh các nhóm hàng để dễ theo dõi, kịp thời phát hiện, xử lý và cũng nâng cao trách nhiệm, ngay cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương - Sở Công Thương các địa phương, đã được cấp địa chỉ.
Mặt khác, Bộ còn chú trọng tuyên truyền, phổ biến trước hết cho người dân, người tiêu dùng phải trở thành những người thông minh, có kiến thức cần thiết để không bị lừa trong quá trình tham gia thương mại điện tử.
Được biết, trong năm 2022, Bộ Công Thương sẽ ban hành các đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử.