Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ
Đa dạng công cụ bảo vệ quyền lợi người dùng
Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, nhất là trong xu thế của thời đại công nghệ, khi thương mại điện tử là thiết yếu phù hợp với bối cảnh hiện nay. Bởi dịch Covid-19 kéo dài đã làm thay đổi xu hướng tiêu dùng, chủ yếu chuyển sang mua sắm trực tuyến.
Cùng với đó, thị trường bị tác động bởi nhiều yếu tố khiến giá cả nhiều mặt hàng tăng phi mã đã ảnh hưởng không nhỏ tới quyền lợi của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, việc mua bán này đôi khi vượt qua sự giám sát quản lý của cơ quan chức năng, khiến cho người tiêu dùng bị thua thiệt trước những hành vi bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thậm chí khách hàng trả tiền trước mà không được giao hàng.
Chia sẻ tại Tọa đàm “Kinh doanh lành mạnh, tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới” do Tạp chí Công Thương tổ chức mới đây, bà Nguyễn Quỳnh Anh - Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, những năm qua công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm với hành lang pháp lý đồng bộ và hàng loạt văn bản được ban hành như: Chỉ thị 30-CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 26/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 30...
Bên cạnh Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 hiện nay đang trong quá trình sửa đổi, mỗi bộ, ban, ngành và các địa phương đều ban hành những chương trình hành động bảo vệ người tiêu dùng. Đối với Bộ Công Thương, từ giai đoạn 2016 - 2021 đến nay đã có một loạt chương trình hành động cụ thể để triển khai công tác này.
“Với một hành lang pháp lý như vậy thì có thể nói là chúng ta có bộ công cụ đa dạng để thực thi công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, bà Nguyễn Quỳnh Anh cho biết.
Công cụ thứ hai để thực thi công tác bảo vệ người tiêu dùng, theo bà Quỳnh Anh là việc Bộ Công Thương đang cùng lúc vừa triển khai Tổng đài 18006838 tư vấn, hỗ trợ miễn phí người tiêu dùng tại trung ương để tiếp nhận các cuộc gọi, đồng thời cũng hỗ trợ các địa phương có thể được hiểu được cách vận hành và vận dụng những quy định trong công tác bảo vệ người tiêu dùng tại địa bàn.
Trong năm 2021, Tổng đài này đã nhận được 13.000 cuộc gọi và gần như tất cả những cuộc gọi của người tiêu dùng đều được tư vấn một cách nhiệt tình, cụ thể và có giải pháp cho người tiêu dùng.
Công tác tuyên truyền về bảo vệ người tiêu dùng cũng đã được đổi mới phù hợp với thực tiễn hiện nay. Nếu như trước đây hình thức chủ yếu là những bản in phát đi khắp nơi thì giờ đây với sự phát triển mạnh mẽ của internet nên tất cả những văn bản, các bộ tài liệu cần thiết được phát hành theo cả hai hình thức: bộ tài liệu đầy đủ, cụ thể và những bộ tài liệu ngắn gọn rút gọn theo từng lĩnh vực.
Người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận, sử dụng các bộ tài liệu này bằng cách truy cập Cổng thông tin điện tử của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng hay các website của các sở ở các địa phương, các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thông qua Tổng đài 18006838, hàng triệu người tiêu dùng cũng đã được tiếp nhận các thông tin, kiến thức, kỹ năng về tiêu dùng trong thời kỳ bình thường mới bằng các phương thức tuyên truyền hiện đại và phù hợp.
Một công cụ hiệu quả nữa là người tiêu dùng được hưởng những ưu đãi trong những chương trình tri ân người tiêu dùng do các doanh nghiệp triển khai trong khuôn khổ Tháng hành động vì người tiêu dùng ở các trung tâm thương mại, các địa điểm sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp…
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp kinh doanh chân chính, lực lượng QLTT luôn phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng liên quan, tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát quản lý địa bàn và xử lý nghiêm đối với những hành vi vi phạm |
Từ góc độ cơ quan quản lý thị trường, ông Nguyễn Quang Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - Kế hoạch - Tài chính, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) nhận định, vấn đề liên quan đến hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng mà còn làm thiệt hại rất lớn đến các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính.
Với chức năng nhiệm vụ được giao, lực lượng luôn phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng liên quan tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát quản lý địa bàn và xử lý nghiêm đối với những hành vi vi phạm.
Bên cạnh công tác kiểm tra, xử lý, lực lượng QLTT cũng chú trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện theo đúng quy định pháp luật; trong đó có hoạt động phối hợp với Sở Công Thương ở các địa phương tổ chức ký cam kết với các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định pháp luật nhằm đảm bảo bình ổn thị trường và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Ngoài những hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, lực lượng cũng có những kênh thông tin tiếp nhận thông tin của người tiêu dùng và các bên liên quan thông báo về những vi phạm trên thị trường để kịp thời kiểm tra, xử lý. Đơn cử như đường dây nóng 190088655 của lực lượng trong năm 2021 đã tiếp nhận trên 2.000 cuộc gọi phản ánh, được các đơn vị liên quan xác minh và xử lý nghiêm khi có vi phạm.
Không chỉ những thông tin cung cấp trên hệ thống Cổng thông tin chính thức, Tổng cục QLTT còn sử dụng những kênh truyền thông trên mạng xã hội như Youtube, Tik tok… để hướng dẫn giới thiệu cách nhận biết hàng thật, hàng giả để người tiêu dùng có thể tự nhận biết, tự bảo vệ chính mình.
“Những công cụ như thế đã được triển khai rất quyết liệt và cũng ghi nhận nhiều kết quả trong thời gian vừa qua”, ông Huy cho biết.
Bảo vệ người tiêu dùng: Cần sự phối hợp
Dưới góc nhìn của chuyên gia, TS.Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, bên cạnh các định chế, các tổ chức thực thi pháp luật, truyền thông, khung khổ pháp lý, bản thân người tiêu dùng... không thể không nói đến doanh nghiệp.
Theo đó, doanh nghiệp phải minh bạch, phản ánh đúng quá trình sản xuất kinh doanh, sự tương tác của doanh nghiệp với người lao động của doanh nghiệp và nhất là sản phẩm cần có những thông tin đầy đủ rõ ràng; giá cả cạnh tranh và xu hướng tiêu dùng an toàn. Đây là sự phát triển không chỉ là lành mạnh mà còn là sự lớn mạnh thương hiệu và phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Huy cho rằng, sự phức tạp của thị trường hiện nay đòi hỏi lực lượng QLTT và các lực lượng khác phải tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa để đảm bảo xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm.
Sự phức tạp của thị trường hiện nay đòi hỏi lực lượng QLTT và các lực lượng khác phải tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa để đảm bảo xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm |
Để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam nhấn mạnh, hiện nay quy trình sản xuất cơ bản của doanh nghiệp để bảo đảm chất lượng là phải an toàn, phải chất lượng và phải phục vụ khách hàng một cách trung thực và tốt nhất.
Do đó, các doanh nghiệp trong ngành đã và đang xây dựng, thực hiện chương trình sản xuất bền vững của chính doanh nghiệp và tham gia vào chương trình của nhà nước.
Đặc biệt, hầu như các doanh nghiệp trong ngành đều tham gia vào chương trình quốc gia về sản xuất bền vững và theo bình chọn hàng năm, các doanh nghiệp trong ngành đều là top thứ nhất, thứ hai. Điều này cho thấy sự thực thi trong nhận thức cũng như trong hành động của doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Vinh Phương, Giám đốc Kênh phân phối hiện đại & Năng lực Kinh doanh toàn quốc, Công ty TNHH URC Việt Nam khẳng định, hiểu rõ được vai trò và trách nhiệm với người tiêu dùng, vì vậy ngoài việc đầu tư vào các sản phẩm chất lượng, công ty đã đầu tư vào mô hình sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm đem đến những sản phẩm mà giá cả cạnh tranh hơn trên thị trường nhằm hướng tới phát triển bền vững.