Nở rộ website giả mạo, lừa đảo trong mùa dịch
Thống kê của các chuyên gia công nghệ cho thấy, thời gian gần đây, mỗi ngày tại Việt Nam có hàng chục ngàn ứng dụng, website không rõ nguồn gốc, chứa mã độc tấn công vào hệ thống mạng, lợi dụng tình hình dịch lôi kéo người dân tham gia. Con số này cao gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với thời điểm dịch chưa diễn ra.
Điển hình như các chuyên gia mạng đang khuyến cáo hình thức đặt cược để nhận lãi từ 25 - 30% theo vốn tham gia từ 1 dự án với tên gọi beibeishou.com. Theo quảng cáo, từ số tiền 100.000 đồng - 200.000 đồng, người chơi có thể tham gia mô hình đoán “chẵn - lẻ” được quảng cáo là sử dụng phần mềm hỗ trợ, chuyên gia tài chính đọc lệnh nên tỷ lệ thắng cuộc được hứa hẹn lên đến 95%.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia công nghệ, những website trên có nhiều dấu hiệu bất thường, bởi mã nguồn các ứng dụng là không rõ nguồn gốc, thậm chí chứa mã độc. Do vậy, cơ quan có thẩm quyền khuyến cáo, người tham gia vào những ứng dụng này sẽ đối diện với rủi ro mất tiền hoặc bị đánh cắp thông tin cá nhân.
Dấu hiệu kinh doanh đa cấp không có giấy chứng nhận hợp pháp của các đối tượng liên quan đến Ứng dụng điện tử Limbi Arc |
Thông tin từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), từ đầu năm 2022, trên mạng xã hội, ứng dụng điện tử Limbic Arc hay InfoBoos chữa Covid-19 cũng đang được một số người chia sẻ. Một số hội nhóm trên mạng xã hội cũng đã được thành lập với số thành viên tham gia tăng lên mỗi ngày.
Theo nội dung quảng cáo, đây là ứng dụng sử dụng công nghệ năng lượng, lượng tử và công nghệ chăm sóc sức khỏe chủ động của thời đại mới, với nhiều tác dụng chữa bệnh, bao gồm công dụng đối với cả bệnh nhân mắc Covid-19.
Ngoài các công dụng trị bệnh, trên mạng xã hội, một số đối tượng đã đưa ra các mức hưởng hoa hồng lợi ích theo mô hình đa cấp hấp dẫn nhằm lôi kéo thêm nhiều thành viên tham gia.
Tuy nhiên, đầu tháng 2 vừa qua, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã phát đi cảnh báo người dân cẩn trọng trước thông tin quảng cáo về ứng dụng này không hợp pháp tại Việt Nam.
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, các đối tượng giới thiệu về ứng dụng điện tử Limbi Arc trên mạng xã hội có dấu hiệu thổi phồng công dụng chữa bệnh và phương thức huy động, quyền lợi người tham gia theo mô hình đa cấp nhị phân.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng chưa cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho doanh nghiệp, tổ chức nào có tên Limbi Arc hay Infoboost nêu trên theo quy định của Nghị định 40/2018/NĐ-CP ngày 12-3-2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Vì vậy, các tổ chức, cá nhân trên có dấu hiệu kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp và có thể bị xử lý hình sự với mức phạt tới 5 tỷ đồng hoặc 5 năm tù giam.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cảnh báo người dân không nên tham gia sử dụng và mời gọi người khác tham gia sử dụng những sản phẩm, ứng dụng theo truyền miệng để chữa bệnh mà không có cơ sở khoa học rõ ràng để tránh gặp thiệt hại về sức khỏe, mất cơ hội điều trị bệnh đúng đắn.
Bên cạnh đó, người dân cũng không nên tham gia vào các hoạt động có dấu hiệu kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép nêu trên để hạn chế tối đa các rủi ro, thiệt hại về vật chất và pháp lý.
Trước những diễn biến phức tạp trên môi trường Internet về các phương thức, dự án huy động tài chính trái phép, các hình thức kinh doanh có dấu hiệu đa cấp biến tướng, được biết, năm 2022 Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng sẽ tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra hoạt động bán hàng đa cấp, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.
Trong năm 2021, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã tiếp nhận 15 hồ sơ đề nghị cấp phép bán hàng đa cấp. Tuy nhiên, tất cả các hồ sơ này đều chưa đáp ứng điều kiện và chưa được cấp giấy chứng nhận.
Bên cạnh đó, đơn vị đã chuyển thông tin về 87 trường hợp có dấu hiệu kinh doanh đa cấp biến tướng, không phép cho Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) để theo dõi, giám sát và xử lý kịp thời đối với các đối tượng có hiện diện trong nước, hoặc chặn truy cập đối với các website quốc tế liên quan đến các hoạt động huy động tài chính trái phép không có hiện diện tại Việt Nam. Phối hợp với cơ quan công an địa phương như: Hà Nội, Điện Biên, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc... trong việc xác định, xử lý các hoạt động kinh doanh đa cấp có dấu hiệu bất hợp pháp.