Tem truy xuất - giải pháp giúp doanh nghiệp phòng, chống hàng giả
Vấn nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn ra tràn lan trên thị trường truyền thống và trên cả không gian mạng với những hình thức tinh vi. Mặc dù các cơ quan chức năng đã cùng hợp sức vào cuộc để giải quyết, nhưng tình trạng này vẫn ngày càng gia tăng với mức độ và thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Do vậy, để đấu trang, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng gả là nhiệm vụ, trách nhiệm của cả tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần nâng cao thương hiệu, chất lượng sản phẩm. Còn người dân cũng cần nâng cao ý thức tự bảo vệ quyền lợi của mình trong các giao dịch, mua bán...
4.516 gian hàng và 13.642 sản phẩm vi phạm được gỡ bỏ
Thương mại điện tử ở nước ta đã và đang phát triển bùng nổ. Năm 2020-2021, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, mua sắm online đã trở thành công cụ phổ biến hữu ích đối với người tiêu dùng. Sau giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử tại thị trường Việt Nam bứt phá, đạt mức tăng trưởng ấn tượng. Số liệu thống kê của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, năm 2021, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ đạt từ 13,5-13,7 tỷ USD. Năm 2022 con số này tăng lên 16,4 tỉ USD và dự báo đến 2025 đạt khoảng 38 - 39 tỉ USD.
Bước sang 2022, quy mô giao dịch thương mại điện tử bán lẻ chiếm khoảng 8,5% tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Xét riêng lĩnh vực bán lẻ hàng hoá, năm 2022 tỷ lệ bán lẻ hàng hoá trực tuyến so với tổng mức bán lẻ hàng hoá đạt khoảng 7,2%, cao hơn tỷ lệ tương ứng 6,7% của năm 2021.
Song, đi cùng với sự phát triển bùng nổ, thương mại điện tử đã và đang trở thành kênh tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng phổ biến và đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan chức năng trong quá trình kiểm tra, rà soát và xử lý các hành vi vi phạm.
Thương mại điện tử đã và đang trở thành kênh tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng phổ biến và đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan chức năng trong quá trình kiểm tra, rà soát và xử lý các hành vi vi phạm |
Lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) từng cho rằng, trong khoảng 3 năm trở lại đây, lực lượng xác định công tác chống hàng giả trên môi trường thương mại điện tử là nhiệm vụ mới, mặt trận mới. Năm 2022 lực lượng QLTT cả nước đã thực hiện kiểm tra 774 vụ, xử lý 439 vụ, phạt tiền gần 5,9 tỷ đồng, trị giá hàng hóa gần 11,5 tỷ đồng, chuyển hồ sơ 2 vụ sang cơ quan Cảnh sát điều tra liên quan đến những hành vi vi phạm về thương mại điện tử.
Quý I/2023, lực lượng QLTT cả nước đã thực hiện kiểm tra 85 vụ, xử lý 85 vụ, phạt tiền gần 1,15 tỷ đồng, trị giá hàng hóa gần 610 triệu đồng với các hành vi vi phạm về thương mại điện tử và các hành vi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả. Xét về số trường hợp kiểm tra xử lý, xử phạt, trị giá hàng hoá Cục QLTT TP Hà Nội là đơn vị có số vụ kiểm tra lớn nhất với 69 vụ, xử lý 69 vụ, xử phạt gần 910 triệu đồng, trị giá hàng hoá gần 527 triệu đồng.
Ngoài ra, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng vừa cho biết, tại công văn số 181/TMĐT-QL, đơn vị đã yêu cầu các công ty có website/ứng dụng thương mại điện tử kiểm tra, rà soát và gỡ bỏ các gian hàng, sản phẩm thuộc danh mục hàng hóa hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện nhưng không đáp ứng các quy định pháp luật. Tính đến thời điểm hiện tại, Cục đã phối hợp kiểm tra, phát hiện có 4.516 gian hàng và buộc gỡ bỏ 13.642 sản phẩm vi phạm trên website thương mại điện tử.
Những số liệu trên đã cho thấy, hàng giả, kém chất lượng đã và đang mang đến những hậu quả nặng nề cho người sử dụng, cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính, và cho toàn xã hội.
Tem truy xuất - giải pháp giúp doanh nghiệp phòng, chống hàng
Góp phần phối hợp cùng cơ quan nhà nước thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người tiêu dùng, doanh nghiệp làm ăn chân chính, tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, mới đây Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống xác thực hàng chính hãng thông qua QRCode trong thương mại điện tử.
Hệ thống này được Trung tâm vận hành tại địa chỉ https://truyxuat.gov.vn/ vừa có chức năng xác thực hàng chính hãng, vừa có chức năng chống giả, công nghệ QRCode động trên hệ thống “truyxuat.gov.vn” được quản lý chặt chẽ, đảm bảo các tiêu chí về bảo mật, giới hạn số lần truy xuất, chống đoán trước.
Công nghệ QRCode động trên hệ thống “truyxuat.gov.vn” được quản lý chặt chẽ, đảm bảo các tiêu chí về bảo mật, giới hạn số lần truy xuất, chống đoán trước |
Đại diện Trung tâm Tin học và Công nghệ số chia sẻ, phần mềm sẽ chống mọi hình thức giả mạo, bảo vệ sản phẩm toàn diện. Cùng với đó, có chức năng cảnh báo hàng giả tức thời cho doanh nghiệp và khách hàng bằng cách giới hạn lượt quét của tem chính hãng phân quyền quản lý rõ ràng giữa nhà máy sản xuất, nhà phân phối.
Là doanh nghiệp sản xuất rượu truyền thống và đã từng phát hiện sản phẩm giả trên thị trường, ông Dương Văn Quý - Giám đốc Công ty Thương mại dịch vụ Midori Việt Nam khẳng định, hệ thống xác thực hàng chính hãng thông qua QRCode giúp doanh nghiệp phòng, chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu.
Chia sẻ quá trình tìm hiểu và ứng dụng tem truy xuất nguồn gốc vào sản phẩm của công ty, ông Quý cho biết, trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, các phương thức bán hàng nông sản truyền thống bị gián đoạn, thay vào đó, bán hàng qua thương mại điện tử và mạng xã hội như Facebook, tiktok, zalo… đã cho thấy những hiệu quả rõ rệt và ngày càng phổ biến ở Việt Nam. Điển hình, trong 1 buổi livestream trên tiktok, một người nông dân trông cam đã bán được 72 tấn cam Quỳ Hợp Nghệ An.
Tuy nhiên sau thành công đó, rất nhiều nhà vườn trồng cam ở những vùng lân cận đã lấy nhãn hiệu cam Quỳ Hợp Nghệ An để trà trộn, livestream, bán hàng cùng với những giống cam khác đánh lừa người tiêu dùng.
Ảnh dán tem truy xuất của sản phẩm rượu Gồ tại Công ty Thương mại dịch vụ Midori Việt Nam |
“Qua một Hội nghị do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tổ chức, tôi được biết tới giải pháp tem truy xuất chống hàng giả của Trung tâm Tin học và Công nghệ số. Ngay lập tức tôi đã tìm hiểu và thấy giải pháp này rất phù hợp với sản phẩm rượu Gồ”, ông Quý chia sẻ và giải thích, bên ngoài bộ tem truy xuất sản phẩm được in hình logo dành riêng cho doanh nghiệp. 1 mã quét chỉ dành cho 1 sản phẩm duy nhất. Bộ tem được phủ bạc và chỉ quét được1 lần. Khi quét lần 2, người dùng sẽ nhận được thông báo tem này đã được sử dụng.
“Với tem truy xuất nguồn gốc này, thay vì thông tin hàng hóa hiển thị trên website công ty thì nay, tất cả thông tin, quy trình sản xuất, đóng gói đều được hiển thị đầy đủ chỉ với 1 lần quét mã. Các thông tin đều doanh nghiệp chủ động đăng lên nhưng được kiểm duyệt bởi cơ quan chức năng - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số”, ông Quý thông tin và khẳng định, tem truy xuất đã giúp cho Công ty Thương mại dịch vụ Midori Việt Nam phát hiện ra những sản phẩm giả hoặc giả mạo nhãn hiệu từ đó, có các giải pháp ngăn chặn kịp thời, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng như uy tín của doanh nghiệp.
Việc đấu tranh để loại bỏ vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng là nhiệm vụ không chỉ của riêng doanh nghiệp, cá nhân hay cơ quan chức năng nào mà phải là nhiệm vụ cần sự chung tay của toàn xã hội |
Cũng theo đại diện Trung tâm Tin học và Công nghệ số, giải pháp tem truy xuất kết hợp với giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương bán hàng trên nền tảng mạng xã hội sẽ là một phương thức bán hàng phổ biến trong tương lai gần. Sự kết hợp này sẽ giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận với lượng khách hàng khổng lồ và vô cùng tiềm năng.
Mặt khác, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng cho rằng, việc đấu tranh để loại bỏ vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng là nhiệm vụ không chỉ của riêng doanh nghiệp, cá nhân hay cơ quan chức năng nào mà phải là nhiệm vụ cần sự chung tay của toàn xã hội. Hơn ai hết là doanh nghiệp phải tự bảo vệ mình; người tiêu dùng cũng cần nâng cao tinh thần cảnh giác khi mua hàng; lựa chọn mua, sử dụng những sản phẩm chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ cũng là giải pháp chung tay cùng cơ quan chức năng, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống hàng giả, gian lận thương mại và buôn lậu.