Thanh long Việt gặp khó tại thị trường Trung Quốc
Cuối tháng 2, Trung Quốc công bố nước này đạt sản lượng 1,6 triệu tấn thanh long một năm - cao hơn Việt Nam 200.000 tấn. Vị trí đứng đầu thế giới về sản lượng thanh long là kết quả của việc nước này liên tục mở rộng diện tích trồng. Điều này đã tác động đến kim ngạch thanh long xuất khẩu những năm gần đây của Việt Nam. Cụ thể số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, xuất khẩu thanh long của Việt Nam đã giảm 3 năm liên tiếp kể từ 2019. Cũng trong năm 2021 và 2022, thanh long đã rớt khỏi top những mặt hàng xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam.
Có thể thấy, trong giai đoạn vừa qua, xuất khẩu thanh long Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc nên rủi ro càng cao. Để giảm bớt áp lực dư thừa sản lượng thanh long, giải pháp của nông dân Bình Thuận – nơi mà thanh long là lợi thế cũng như cây đặc sản là những điều chỉnh từ vùng trồng để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu đi nhiều thị trường, không chỉ riêng Trung Quốc. Mỗi năm, sản lượng thanh long ở Bình Thuận khoảng 600.000 tấn. 20% sản lượng được tiêu thụ ở thị trường nội địa và có đến 80% xuất khẩu sang Trung Quốc theo phương thức mua bán biên mậu với thương nhân Trung Quốc. Vì vậy, điều chỉnh sản xuất ở vùng thanh long Bình Thuận vẫn là không mở rộng diện tích mà tập trung đầu tư theo hướng đáp ứng yêu cầu khắt khe từ các thị trường. Đây là việc không dễ, nhưng khi gắn kết giữa nông dân với các hợp tác xã, các doanh nghiệp thu mua với sự hướng dẫn, giám sát của cơ quan quản lý, việc điều chỉnh sản xuất là hoàn toàn có thể làm được.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định, việc xuất khẩu thanh long trong năm nay trước mắt sẽ chưa chịu ảnh hưởng từ việc Trung Quốc phát triển nóng diện tích. Bởi năm 2022 nước này vừa trải qua một đợt hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử, do vậy nông dân Trung Quốc sẽ phải mất 2 năm trồng lại. Mặt khác, sản lượng hiện cũng khó đáp ứng nhu cầu tiêu thụ khổng lồ của 1,4 tỷ dân nên cơ hội của thanh long Việt Nam ở thị trường này vẫn còn. Đây là thời điểm để nông dân và doanh nghiệp Việt Nam tăng tốc phát huy lợi thế của mình về lợi thế trồng trái vụ, vượt trội về mẫu mã, chất lượng để tăng tính cạnh tranh ở nhiều thị trường.