Thời cơ cho xuất khẩu gạo Việt Nam
Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đưa ra trong buổi họp báo thường kỳ tháng 7/2023 của Bộ.
Thông tin tại buổi họp báo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong tháng 7/2023, việc tiêu thụ nông lâm thủy sản cũng đạt được nhiều kết quả tích cực với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4,62 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ.
Trong đó, nhóm nông sản đạt 2,32 tỷ USD, tăng 27%; chăn nuôi đạt 45 triệu USD, tăng 35,6%; thủy sản đạt 800 triệu USD, giảm 15%; lâm sản đạt 1,24 tỷ USD, giảm 11%; đầu vào sản xuất đạt 210 triệu USD, tăng 12,7%. Tính chung 7 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 29,13 tỷ USD, giảm 9,1%.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay |
Về thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, 7 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu tới các thị trường thuộc khu vực châu Á, đạt 14,06 tỷ USD, tăng 2,3%; châu Mỹ đạt 6,52 tỷ USD, giảm 29,2%; châu Âu đạt 3,29 tỷ USD, giảm 13,3%; châu Phi đạt 573 triệu USD, tăng 14,1%...
Cũng trong 7 tháng đầu năm, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam.
Đánh giá về kết quả này, Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, kết quả xuất khẩu tăng trưởng dương trong tháng 7 cho thấy, sau nhiều tháng sụt giảm, chúng ta sẽ có bước chuyển biến từ Quý III/2023.
“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có điều hành linh hoạt, điều chỉnh, giải quyết các vấn đề do thực tiễn đề ra để thực hiện các nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ đề ra cho ngành Nông nghiệp. Trong bối cảnh khó khăn, ngành Nông nghiệp vẫn khẳng định là bệ đỡ vững chắc của nền kinh tế”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.
Liên quan đến hoạt động xuất khẩu gạo, theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc nhiều nước hạn chế xuất khẩu gạo như Ấn Độ, Nga, UAE... là thời cơ cho xuất khẩu gạo Việt Nam với giá trị, chất lượng cao. Đây cũng là cơ hội cho người trồng lúa, đặc biệt là người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long nâng cao thu nhập.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Bộ Nông nghiệp đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay. Chỉ thị sẽ nêu rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Sau khi Chỉ thị được ban hành, các bộ, ngành và địa phương sẽ tập trung thực hiện, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nông dân để có thể tận dụng cơ hội xuất khẩu gạo.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, vừa qua, Cục đã phối hợp với một số đơn vị của Bộ kiểm tra tình hình sản xuất lúa tại khu vực đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Đến thời điểm này có thể khẳng định sinh trưởng và phát triển của cây lúa đang rất tốt. Để đạt được mục tiêu trên 43 triệu tấn lúa, Cục Trồng trọt đang phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ và các địa phương có kế hoạch gieo cấy, cùng các giải pháp kỹ thuật, đảm bảo sản xuất hiệu quả.
Cũng trong buổi họp báo, thông tin về mục tiêu xuất khẩu 54-55 tỷ USD, Thứ trưởng cho rằng chỉ tiêu này có thể hoàn thành nếu hai ngành chủ lực là lâm nghiệp và thủy sản lấy lại được đà tăng trưởng trong nửa cuối năm 2023. Một số tín hiệu lạc quan đã xuất hiện, như số đơn hàng tăng trở lại, nhiều thị trường lớn, tiềm năng với hai ngành kể trên như Mỹ, EU... tăng dần sức mua.
Đưa ra các giải pháp thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển trong nửa cuối năm, ông Nguyễn Văn Việt - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, trong các tháng tới, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Song song đó, tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Liên minh kinh tế Á - Âu... Tận dụng các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới.
Bên cạnh đó, phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài. Theo dõi, nắm bắt tình hình giá cả, nguồn cung cấp mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Phối hợp với các địa phương hỗ trợ kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông sản vào vụ thu hoạch.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành chỉ thị về tăng cường công tác xuất khẩu gạo trong tình hình mới. Chỉ thị nhằm khẳng định vai trò quan trọng, giữ vững vị thế và uy tín của ngành hàng gạo Việt Nam trong chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu và góp phần đảm bảo an ninh lương thực của thế giới theo các cam kết của Việt Nam. Theo tờ trình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiệm vụ theo dõi, dự báo và nắm chắc tình hình sản xuất, tăng cường phòng chống sinh vật gây hại, chủ động ứng phó với các diễn biến bất lợi của thời tiết để bảo vệ an toàn các vụ sản xuất đảm bảo mục tiêu 43 triệu tấn lúa của năm 2023; Chỉ đạo các địa phương bám sát đồng ruộng, tổ chức sản xuất đúng theo các hướng dẫn kỹ thuật để đảm bảo năng suất, sản lượng theo kế hoạch. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương có liên quan xử lý kịp thời các rào cản kỹ thuật để đảm bảo tăng khối lượng và mở rộng thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam; Chỉ đạo các cơ quan Kiểm dịch thực vật tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc xuất khẩu gạo, giảm tối đa thời gian kiểm tra, hoàn tất thủ tục trên cơ sở đảm bảo tuân thủ đúng quy định của Việt Nam và nước nhập khẩu. Đối với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp đề nghị tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu gạo trên cơ sở theo dõi chặt chẽ và dự báo sát tình hình xuất, nhập khẩu; nhu cầu tiêu thụ; giá cả lương thực trong khu vực và trên thị trường thế giới để có các biện pháp chủ động, linh hoạt điều tiết việc kinh doanh, xuất nhập khẩu gạo để đảm bảo nâng cao hiệu quả xuất khẩu. Cùng với đó, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan củng cố các thị trường truyền thống, chủ lực, tận dụng tối đa lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết để gia tăng giá trị xuất khẩu; phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp chủ động đàm phán để đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, tận dụng cơ hội chiếm lĩnh các thị trường mới, tiềm năng để tăng cường tính cạnh tranh cho ngành hàng gạo Việt Nam. Mặt khác, kịp thời phối hợp với các cơ quan liên quan hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào phục sản xuất nông nghiệp như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... để đảm bảo các điều kiện sẵn sàng cho sản xuất. |