Thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá tăng 21,6% lên 388 tỷ USD
Trong bài phát biểu khai mạc tại Tuần lễ Thương hiệu Quốc gia Việt Nam và Diễn đàn Thương hiệu quốc gia 2022, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Phó Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu Quốc gia Việt Nam cho biết, theo báo cáo từ Brand Finance, năm 2021, thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá tăng 21,6% so với năm 2020, lên 388 tỉ USD, vẫn duy trì được ở hạng 33 thế giới trong khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến vô cùng phức tạp.
Lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh, với sự hỗ trợ của Chương trình Thương hiệu Quốc gia, nhiều tập đoàn và doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu như là chìa khóa giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như giá trị của doanh nghiệp.
Cụ thể, theo Thứ trưởng, trong Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, tỉ lệ doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia tăng qua từng năm từ 28% năm 2018 lên 34% năm 2021.
Đặc biệt, trong Top 10 thương hiệu giá trị lớn nhất Việt Nam, tỉ lệ doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia tăng mạnh từ 20% năm 2018 lên tới 60% năm 2021.
Bên cạnh gia tăng về số lượng, tỉ trọng gia tăng về giá trị của các doanh nghiệp Thương hiệu Quốc gia Việt Nam trong Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam theo đánh giá của Brand Finance cũng tăng đáng kể, từ 21,9% năm 2018 lên gần 68% năm 2021.
Năm 2021, thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá tăng 21,6% so với năm 2020, lên 388 tỉ USD, vẫn duy trì được ở hạng 33 thế giới trong khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến vô cùng phức tạp |
Giá trị và vai trò của Thương hiệu Quốc gia đã được khẳng định, tuy nhiên để tăng sức lan tỏa và tăng sự hiện diện của Thương hiệu Quốc gia Việt Nam trên trường thế giới, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), Trưởng ban, Ban Thư ký Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, cho rằng: Cần kéo gần các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia, doanh nghiệp nói chung và các chuyên gia trong một môi trường chung. Có thể là một hệ sinh thái để tạo sự kết nối, giao lưu và lan tỏa Thương hiệu Quốc gia.
“Chúng tôi cũng nảy ra ý tưởng phát động phong trào biến kiều bào ở nước ngoài thành sứ giả Thương hiệu Quốc gia, thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm ở nước ngoài. Hy vọng kỳ diễn đàn năm tới, chúng ta sẽ cùng nhau trao sứ giả thương hiệu cho cá nhân xứng đáng ở từng thị trường”, ông Vũ Bá Phú nói.
Ông Hoàng Mạnh Huê - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Doanh nhân Việt Nam tại châu Âu cũng đề xuất các giải pháp quảng bá thương hiệu Việt Nam và đưa hàng hóa Việt ra thị trường nước ngoài.
Theo đó, có thể quảng bá thương hiệu sản phẩm Việt Nam qua các trung tâm hàng hóa của người Việt tại châu Âu; xuất khẩu hàng Việt thông qua thương hiệu mạnh của kiều bào; quảng bá hình ảnh đất nước, con người, thương hiệu hàng hóa thông qua hoạt động văn hóa, thể thao, tâm linh của cộng đồng người Việt tại nước sở tại. Đó sẽ là những hoạt động tốt và là bệ phóng đưa thương hiệu Việt Nam tới với người tiêu dùng nước ngoài.
Ở chiều ngược lại, với kinh nghiệm thực tế, bà con kiều bào có thể cung cấp thông tin cụ thể, chính xác, nhất là nhu cầu tiêu dùng, phong tục tập quán của nước sở tại cho doanh nghiệp trong nước.
Bà Lindsey M.Bier Marshall, Giáo sư Khoa kinh doanh, Đại học Nam California, Hoa Kỳ cũng chia sẻ về mối quan hệ mật thiết giữa Thương hiệu Quốc gia và thương hiệu sản phẩm/thương hiệu doanh nghiệp trong sự phát triển và nâng tầm thương hiệu doanh nghiệp. Theo đó, khi một doanh nghiệp có sản phẩm với thương hiệu uy tín thì thương hiệu của doanh nghiệp đó cũng sẽ được nâng cao. Và khi một quốc gia có nhiều doanh nghiệp với thương hiệu mạnh sẽ là nền tảng quan trọng để nâng tầm thương hiệu của một quốc gia và Thương hiệu Quốc gia Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Bà Vũ Thị Hồng Anh- Quản lý miền Bắc Công ty TNHH MTV Ladofoods, chia sẻ, trong suốt hai năm qua, dịch Covid-19 ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh, tìm kiếm khách hàng của doanh nghiệp. Trong bối cảnh khó khăn, những sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia luôn được khách hàng tin tưởng, ký hợp đồng.
“Chúng tôi tin tưởng vào sự minh bạch, công tâm của Hội đồng Thương hiệu Quốc gia trong công tác xét chọn. Từ đó, tao động lực cho doanh nghiệp đầu tư hoàn thiện hơn nữa sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường”, bà Vũ Thị Hồng Anh nhấn mạnh.
PGS Nguyễn Quốc Thịnh- Chuyên gia thương hiệu, Thành viên Ban chuyên gia Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, cũng bày tỏ, Thương hiệu Quốc gia không phải chỉ là một logo, một danh xưng mà là bảo chứng cho chất lượng sản phẩm, gây dựng lòng tin với người tiêu dùng. Do vậy, việc xây dựng thương hiệu là nỗ lực không ngừng nghỉ của doanh nghiệp.