Tiêu hủy gần 34.000 sản phẩm hàng hóa vi phạm tại Bắc Giang
Thông tin từ Cục QLTT Bắc Giang cho biết, vừa qua, Hội đồng tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu do Đội QLTT số 3 - Cục QLTT tỉnh Bắc Giang chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan của Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tổ chức tiêu hủy hàng hóa là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu.
Số hàng hóa bị tiêu hủy là số tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu gồm 4 nhóm hàng hóa với 33.915 đơn vị sản phẩm có tổng trị giá 519,3 triệu đồng, cụ thể: Nhóm kim loại, khí N2O, phân bón NPK giả; nhóm đồ nhựa, quần áo; nhóm hàng hóa mỹ phẩm, thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử; nhóm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi.
Tất cả số hàng hóa trên được tiêu hủy theo đúng phương án đã đề ra dưới sự chỉ đạo, giám sát của Hội đồng, đảm bảo an toàn và vệ sinh môi trường. Sau quá trình tiêu hủy, hàng hóa đã không còn giá trị sử dụng và được thu gom, bàn giao cho Công ty cổ phần Phát triển môi trường Bình Nguyên vận chuyển, xử lý theo quy định.
Số hàng hóa bị tiêu hủy là số tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu gồm 4 nhóm hàng hóa với 33.915 đơn vị sản phẩm có tổng trị giá 519,3 triệu đồng |
Cũng theo báo cáo của Cục QLTT Bắc Giang, trong tháng 6/2023, Cục QLTT tỉnh Bắc Giang đã chủ động, phối hợp với các ngành, cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra được 107 vụ và xử lý 62 vụ vi phạm. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính, tiền bán hàng hóa tịch thu và trị giá hàng hóa tiêu hủy trong tháng 6 là trên 643 triệu đồng. Trong đó xử phạt vi phạm hành chính 463 triệu đồng; tiền bán hàng hóa tịch thu trên 105 triệu đồng; trị giá hàng hóa tiêu hủy 74.361.000 đồng. Trị giá hàng hóa tịch thu chờ xử lý ước tính trên 578 triệu đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, lực lượng QLTT tỉnh Bắc Giang đã tổ chức kiểm tra 515 vụ và xử lý 315 vụ vi phạm, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính, tiền thu lợi bất hợp pháp, tiền bán hàng tịch thu, trị giá hàng hóa tiêu hủy trên 3,7 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2022.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh, Cục QLTT tỉnh Bắc Giang đã thực hiện tốt vai trò tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo, phối hợp với các Sở, ngành, lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan chức năng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Bắc Giang đã đẩy mạnh công tác phối hợp, đấu tranh có hiệu quả và kiểm tra (thanh tra) 1.165 vụ, phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính 715 vụ với 739 đối tượng vi phạm. Tổng số tiền phạt vi phạm hành chính, bán thanh lý hàng tịch thu và truy thu thuế là trên 38,3 tỷ đồng; khởi tố 21 vụ với 41 đối tượng về hành vi sản xuất hàng giả là thuốc bảo vệ thực vật, lương thực, thực phẩm, sản xuất, buôn bán hàng cấm...
Cũng trong nửa đầu năm, Cục QLTT Bắc Giang đã chỉ đạo các Đội QLTT quan tâm chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực tiếp trong quá trình kiểm tra, kiểm soát; kết hợp tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân ký cam kết không kinh doanh hàng hóa nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong kinh doanh thương mại, kết quả 6 tháng đầu năm đã có 485 tổ chức, cá nhân ký cam kết.
Trong 6 tháng cuối năm, Cục QLTT tỉnh Bắc Giang tiếp tục thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh trên các lĩnh vực; phát huy vai trò cơ quan thường trực, tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389 tỉnh.
Cùng với đó, tăng cường kiểm tra đột xuất; tập trung hoàn thành Kế hoạch kiểm tra định kỳ, Kế hoạch thanh tra chuyên ngành; phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu chỉ tiêu đăng ký thi đua.
Ngoài ra, trong nửa cuối năm, lực lượng QLTT Bắc Giang cũng chủ động quản lý địa bàn; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường; phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông để kịp thời tuyên truyền, phổ biến pháp luật và phản ánh các hoạt động của ngành.
Đồng thời đẩy mạnh hoạt động của Đoàn Kiểm tra liên ngành cơ động phòng chống dịch động vật. Chú trọng chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương, quy tắc ứng xử trong công tác và trong thi hành nhiệm vụ, công vụ; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát hoạt động công vụ.