Xâm phạm sở hữu trí tuệ trên nền tảng số sẽ trở thành “xu hướng”
Nạn hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) vẫn đang tiếp diễn và ngày càng gia tăng theo chiều hướng tinh vi. Thậm chí, có thương hiệu uy tín, được người tiêu dùng ưa chuộng vừa ra mắt sản phẩm mới, thì ngay lập tức, mặt hàng đó đã bị làm giả, làm nhái. Nhiều chuyên gia nhận định, dù lực lượng chức năng cả nước đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhưng tình trạng xâm phạm quyền SHTT diễn ra rất phổ biến và ngày càng tinh vi, đến mức báo động đỏ.
Xung quanh câu chuyện này, phóng viên Tạp chí Quản lý thị trường đã có cuộc trao đổi nhanh với bà Nguyễn Như Quỳnh - Phó Chánh Thanh tra phụ trách Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ.
Bà Nguyễn Như Quỳnh dự báo, xâm phạm quyền SHTT thông qua nền tảng số sẽ trở thành hình thức phổ biến trong thời gian tới |
Phóng viên: Xin bà cho biết thực trạng các hành vi xâm phạm quyền SHTT hiện nay diễn ra như thế nào và chiều hướng gia tăng ra sao?
Bà Nguyễn Như Quỳnh: Qua thực tiễn xử lý các vụ việc vi phạm quyền SHTT và hàng giả gần đây, chúng tôi nhận thấy, những vụ việc vi phạm ở lĩnh vực thương mại điện tử có chiều hướng gia tăng nhanh, mạnh nhất.
Số liệu thống kê từ Chương trình 168 về phối hợp hành động phòng và chống xâm phạm quyền SHTT cho thấy, năm 2020 các lực lượng chức năng của các Bộ, ngành đã xử phạt 1.300 vụ xâm phạm quyền SHTT, tổng số tiền xử phạt trên 25 tỷ đồng.
Những hành vi vi phạm trên môi trường thương mại điện tử tồn tại dưới hai hình thức. Một là, những hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp liên quan đến việc mua bán online. Hai là những hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến tên miền.
Ngoài ra, xâm phạm quyền SHTT còn là các hành vi vi phạm về tên thương mại, tên doanh nghiệp; xâm phạm quyền đối với sáng chế và lần đầu tiên có vụ xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh…
Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, hành vi vi phạm quyền SHTT diễn ra rất nhiều ở các mặt hàng liên quan đến phòng chống dịch như khẩu trang, đồ bảo hộ, găng tay y tế…
Đây là những vụ việc xuất hiện nhiều và phổ biến trong thời gian gần đây.
Những hành vi vi phạm trên cho thấy, các vụ vi phạm ngày càng tinh vi phức tạp; đối tượng vi phạm có hiểu biết về pháp luật, kỹ thuật, công nghệ thông tin nhiều hơn. Và đặc biệt, ngày càng xuất hiện nhiều vi phạm có liên quan đến yếu tố nước ngoài. Ngoài ra, những vi phạm này thường liên quan đến nhiều đối tượng khác nhau, nhiều thị trường khác nhau (thị trường hữu hình và vô hình)…
Trong thời gian tới, xâm phạm quyền SHTT thông qua nền tảng số sẽ trở thành hình thức phổ biến. Đây là điều dễ hiểu, bởi ở trong nước, quy mô thương mại điện tử bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng từ 4 tỷ USD năm 2015 lên khoảng 11,5 tỷ USD năm 2019.
Giai đoạn 2020-2025, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử ở trong nước cũng được dự báo tăng 29% và quy mô ước đạt 52 tỷ vào năm 2025.
Phóng viên: Vậy thưa bà, đâu là nguyên nhân dẫn đến những hành vi vi phạm SHTT?
Bà Nguyễn Như Quỳnh: Đầu tiên là phải kể đến nhận thức của người tiêu dùng trong nước. Nhiều người tiêu dùng chưa có nhận thức đẩy đủ về tác hại rất lớn lao của hàng giả và xâm phạm quyền SHTT.
Thứ hai, sự phối hợp giữa các chủ thể quyền với cơ quan chức năng chưa thực sự chặt chẽ, nhuần nhuyễn; nhiều chủ thể quyền còn e ngại, thiếu hợp tác. Các lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc liên hệ, phối hợp với các chủ thể quyền ở nước ngoài để kiểm tra, xử lý vi phạm về hàng giả tại Việt Nam.
Thứ ba, năng lực thực thi xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT của các cơ quan chức năng chưa thực sự đủ mạnh, trong đó có năng lực của cán bộ Quản lý thị trường (QLTT).
Phóng viên: Vâng, vậy thưa bà, đâu là giải pháp để ngăn chặn, hạn chế các hành vi xâm phạm quyền SHTT và hàng giả?
Bà Nguyễn Như Quỳnh: Có rất nhiều giải pháp nhưng chúng ta phải triển khai, giải quyết một cách đồng bộ, thống nhất.
Trước hết, cần hoàn thiện quy định pháp luật, thể chế chính sách về xử lý các hành vi vi phạm quyền SHTT, hàng giả. Trong đó, phải cấp bách hoàn thiện các văn bản quan trọng như Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi), Nghị định 99/2020/NĐ-CP về xử lý vi phạm hàng hóa trong xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (sửa đổi), Luật xử lý vi phạm hành chính sửa đổi...
Thứ hai, tăng cường sự phối hợp giữa chủ thể quyền và các cơ quan chức năng thực thi nhiệm vụ.
Thứ ba, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về hành vi sử dụng hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT là trái pháp luật
Thứ tư, nâng cao năng lực của cán bộ chức năng thực thi trong xử lý các hành vi vi phạm.
Phóng viên: Vâng, xin cảm ơn bà!.
Một số đề xuất nhằm ngăn chặn, xử lý triệt để các hành vi vi phạm quyền SHTT:Ông Nguyễn Văn Phước - Phó Cục trưởng Cục QLTT Tiền Giang: Kiến nghị mở lớp đào tạo về giám định quyền nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp cho lực lượng QLTT, đảm bảo ít nhất mỗi Cục phải có từ 1 đến 2 công chức có khả năng độc lập đưa ra kết luận giám đinh về nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp, xác định được những hành vi vi phạm về quyền SHTT. GS.TS Hoàng Đức Thân - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân: Toàn lực lượng QLTT phải đổi mới tư duy hoạt động; áp dụng hệ thống quản lý rủi ro trong nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát để giải quyết gốc rễ các hành vi vi phạm; xây dựng lực lượng chính quy, chuyên nghiệp, hiện đại; hướng tới hình thành lực lượng chuyên sâu về QLTT kinh doanh công nghệ cao và lực lượng phản ứng nhanh. Ông Kiều Dương - Vụ trưởng Vụ Chính sách Pháp chế, Tổng cục QLTT: Cần nâng cao năng lực cán bộ QLTT trong xử lý các xâm phạm về SHTT, hàng giả. Công chức thực thi nhiệm vụ này phải nâng cao năng lực, kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực SHTT để có thể sẵn sàng xử lý kịp thời những hành vi vi phạm ngày càng tinh vi. Cùng với đó, hoàn thiện khung pháp lý, khuôn khổ pháp luật, đặc biệt là các biện pháp xử lý vi phạm hành chính về các hành vi xâm phạm quyền SHTT. Ngoài ra, trang bị phương tiện, cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi cho công chức thực thi nhiệm vụ. Đặc biệt, phải ứng dụng công nghệ vào quá trình kiểm tra, kiểm soát, nhận diện các hành vi vi phạm để xử lý triệt để, tận gốc các vấn đề. |