Xử lý nghiêm các đối tượng kinh doanh bánh trung thu kém chất lượng trên mạng xã hội
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro
Tết Trung thu đang đến rất gần và dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, người tiêu dùng không đến được các cửa hàng để mua bán sản phẩm. Nhiều đối tượng đã sử dụng lợi dụng tình hình dịch bệnh để kinh doanh sản phẩm bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc trên các website, ứng dụng thương mại điện tử và các mạng xã hội.
Ngày 07/9/2021, qua trinh sát nắm địa bàn, Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT tỉnh Tây Ninh kiểm tra và thu giữ 1.524 cái bánh Trung thu các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Trước đó, QLTT Gia Lai cũng thu giữ hơn 3.000 bánh trung thu các loại trên xe luồng xanh. Các đối tượng kinh doanh cho biết, bánh trung thu đều bán tại của hàng và trên các nền tảng mạng xã hội.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), tận dụng lợi thế của thương mại điện tử, nhiều cá nhân, hộ kinh doanh thường xuyên rao bán, chạy quảng cáo trên mạng xã hội, các nhóm cộng đồng mua bán online, cộng đồng các khu dân cư,... Mặt hàng bánh Trung thu được rao bán với nhiều mức giá khác nhau, đa dạng về mẫu mã và chủng loại.
Nhiều đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh các loại bánh Trung thu có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng |
Tuy nhiên, việc mua - bán thực phẩm trực tuyến trên các website, ứng dụng thương mại điện tử và các mạng xã hội tiềm ẩn một số rủi ro, nhiều đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh các loại bánh Trung thu có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng; sản phẩm chứa các chất phụ gia không cho phép sử dụng hoặc vượt quá giới hạn cho phép; thực phẩm chứa các chất độc hại, ô nhiễm; thực phẩm bị hư hỏng biến chất do điều kiện bảo quản không bảo đảm,... Các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, phức tạp, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện kiểm tra, giám sát.
Xử lý nghiêm hành vi vi phạm
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số khuyến cáo: Khi lựa chọn và sử dụng bánh trung thu, để đảm bảo an toàn thực phẩm, người tiêu dùng cần chọn các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng: Có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản,... Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng. Sản phẩm cần đảm bảo không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ. Tuyệt đối không lựa chọn mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm biến dạng, hàng lậu.
Người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương. Các website phải cung cấp đầy đủ các thông tin như: Thông tin về chủ sở hữu website (tên đơn vị bán hàng, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế…); giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm; thông tin về điều kiện giao dịch chung, các chính sách như đổi trả hàng và hoàn tiền, chính sách giao nhận, vận chuyển, thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân người tiêu dùng.
Tây Ninh thu giữ số lượng lớn bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ |
Nếu mua hàng qua các mạng xã hội, cần phải tìm hiểu kỹ các đánh giá của người mua trước, tìm hiểu kỹ thông tin về người bán, xem xét về vấn đề nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan quản lý kiểm tra về an toàn thực phẩm, tuyệt đối không nên mua ở những Fanpage không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng, hoặc khi hỏi thông tin thì cố tình giấu địa chỉ bán hàng, chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn (inbox), chỉ bán hàng online chứ không có cửa hàng cụ thể.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng đã gửi công văn sang Tổng cục QLTT về về việc xử lý các trang thương mại điện tử bán bánh trung thu với 20 trang web và 32 fanpage trên mạng xã hội facebook có dấu hiệu vi phạm.
Ông Trần Hữu Linh – Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương) cho biết, Tổng cục đã yêu cầu các Cục QLTT thực thiện ngay các biện pháp nghiệp vụ, thẩm tra, xác minh thông tin đối với các đối tượng trong danh sách của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cung cấp. Xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.
Trước đó, Tổng cục QLTT đã có văn bản chỉ đạo các Cục tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp tết Trung thu 2011. Theo đó, tăng cường quản lý địa bàn, thu thập thông tin, giám sát thị trường để kịp thời triển khai các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn, xử lý các vị phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng trong dịp Tết Trung thu như: bánh kẹo, hoa quả, đồ chơi... Chú trọng kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, mẫu mã, nhãn hiệu, chất lượng, an toàn thực phẩm, đo lường, các nguyên liệu, thành phẩm có nguồn gốc nước ngoài.