Xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản đạt 130 triệu USD trong tháng đầu năm
Theo Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), xuất khẩu thủy sản tháng 1/2024 tăng gần 64% so với cùng kỳ 2023, đạt gần 750 triệu USD, trong khi kim ngạch của tháng 1/2023 chỉ là 457,2 triệu USD. Trong đó, các mặt hàng chủ lực đều có bứt phá đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái: tôm tăng 71%; cá tra tăng 97%; cá ngừ tăng 57%; mực và bạch tuộc ăng 45%; các loại cá khác tăng 50%.
Trong đó, VASEP cho biết Nhật bản là thị trường lớn nhất trong các thị trường xuất khẩu thủy sản của nước ta. Trong tháng 1/2024, xuất khẩu thủy sản nước ta sang thị trường Nhật Bản đem về 130 triệu USD, chiếm 17,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt nam trong tháng đầu năm.
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng đột phá nhất là tại thị trường Trung Quốc và Hồng Kông - tăng gấp hơn 3 lần; xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng 63%, sang Nhật Bản tăng 43%, sang EU tăng 34%...
Xuất khẩu cá tra tăng 97% so với cùng kỳ |
Trung Quốc – Hồng Kông đã trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Nhật Bản. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc và Hồng Kông tăng gấp hơn 3 lần so với tháng 1/2023. Riêng mặt hàng tôm và cá tra Trung Quốc là thị trường lớn nhất trong tháng này, khi mà xuất khẩu thủy sản sang thị trường này tăng gấp gần 4 lần so với tháng 1/2023.
Lý giải về việc xuất khẩu thủy sản tăng, VASEP cho biết, các nhà nhập khẩu Trung Quốc tăng mua hàng phục vụ cho Tết Nguyên đán, khiến nhu cầu nhập khẩu của thị trường này tăng cao. Mặt khác, trước đây xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc chủ yếu xuất bằng đường bộ nên chỉ phục vụ được khu vực các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam. Hiện nay, xuất khẩu đường biển đang chiếm tỷ lệ rất cao, đây sẽ là yếu tố giúp đưa hàng vào sâu nội địa Trung Quốc và tạo ra nhiều cơ hội hơn ở thị trường này.
Việc bất ổn ở Biển Đỏ cũng khiến giá cước vận chuyển hàng hóa từ châu Âu, châu Mỹ sang Trung Quốc tăng cao, trong khi giá cước vận chuyển từ Việt Nam sang Trung Quốc không tăng. Dẫn đến nhiều nhà nhập khẩu Trung Quốc giảm nhập khẩu thủy sản từ Ecuador nói riêng, khu vực châu Mỹ, châu Âu nói chung sang nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam.
Tuy nhiên, xuất khẩu thủy sản Việt Nam vẫn đang khó khăn nhất vẫn là thị trường châu Âu bởi phần lớn hàng hóa xuất sang thị trường này phải đi qua kênh đào Suez, ngoài ra việc giá cước tăng 30%, thời gian vận chuyển kéo dài cũng đang phát sinh tâm lý e ngại.
Bên cạnh đó, những tháng đầu năm chưa phải là tháng cao điểm xuất khẩu sang các thị trường này. Thời điểm cuối năm các nước đã mua hàng xong và đang chờ giải phóng hàng tồn sau mùa lễ hội mới bắt đầu đặt hàng tiếp, nhưng phải đến giữa tháng 6 hoặc tháng 7/2024 mới có thể thấy sự phục hồi ở thị trường châu Âu.
Nhìn vào bức tranh chung của thị trường và của ngành thủy sản năm 2024, đa số các doanh nghiệp đều nhìn thấy nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Hiện vẫn còn những khó khăn làm chậm khả năng phục hồi sản xuất, xuất khẩu. Một số doanh nghiệp tôm cho biết lượng hàng tồn kho vẫn còn nhiều, giá bán thấp, khó cạnh tranh với tôm Ấn Độ, Ecuador…
Có một số doanh nghiệp nhìn thấy tín hiệu khả quan hơn về đơn hàng, nhưng lo lắng về nguồn nguyên liệu vì đang mùa nghịch, lại dịch bệnh nên sản lượng tôm thấp.
Lo ngại về nguy cơ bị áp thuế chống trợ cấp cũng là một rào cản đối với nhà nhập khẩu ở Hoa Kỳ và các công ty xuất khẩu Việt Nam. Giá chào bán tôm Việt Nam vẫn khá cao so với các nước khác, gây tâm lý e ngại cho nhà nhập khẩu.
Trước những thuận lợi và khó khăn của năm 2024, mới đây, VASEP đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ tích cực trong vụ điều tra chống trợ cấp của Mỹ đối với ngành tôm Việt Nam, để có thể vượt qua các giai đoạn điều tra trong thời gian tới. Đồng thời, chỉ đạo và có những cú huých mạnh về việc xem xét bãi bỏ hạn ngạch đối với tôm Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại VKFTA tại kỳ rà soát trong năm 2024.
Đặc biệt, từ thực trạng giá thức ăn nuôi trồng thủy sản đang cao, là nhân tố chính khiến sản phẩm thủy sản nuôi của Việt Nam đang rất khó cạnh tranh với các quốc gia khác, VASEP đề xuất có chính sách kiểm soát giá thức ăn nhằm ổn định giá thành nguyên liệu, tăng sức cạnh tranh cho thủy sản Việt Nam. Cụ thể là giảm thuế nhập khẩu bã đậu nành để sản xuất thức ăn cho cá xuống 0% và tính điện một giá cho cơ sở nuôi tôm.