Bán nông sản online - điều mà trước đây chưa từng có
Thương mại điện tử vẫn vững vàng trong đại dịch
Tại Diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2022 (VOBF) do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức ngày 10/5, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội VECOM đánh giá, trong thời điểm hiện tại, thương mại điện tử là biện pháp để thúc đẩy nền kinh tế hậu đại dịch.
Ông Dũng nhấn mạnh, trước đây, chúng ta coi thương mại điện tử là một kênh bổ trợ cho các kênh bán hàng khác, tuy nhiên trong thời điểm ảnh hưởng của đại dịch thì thương mại điện tử là "cứu cánh" của nhiều ngành kinh tế.
Trong đại dịch, chúng ta lần đầu tiên chứng kiến các sàn thương mại điện tử đã ồ ạt bán nông sản, thực phẩm, đồ đi chợ hằng ngày, điều mà trước đây chưa có |
Thực tế cho thấy, hiện nay tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử trong những năm gần đạt đạt khoảng 30-35%/năm, và đại dịch Covid-19 đã góp phần rút ngắn từ một đến hai năm tiến độ phát triển ứng dụng cho thương mại điện tử so với kế hoạch đến năm 2025.
Cũng theo nghiên cứu của VECOM, trong bối cảnh dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hầu hết hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước, thương mại điện tử vẫn đứng vững với số người tiêu dùng trực tuyến tiếp tục tăng và ngày càng thành thạo kỹ năng mua sắm trực tuyến.
Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng tích cực triển khai chuyển đổi số để thích nghi trong dịch bệnh và hậu đại dịch. Chính hai yếu tố này chắc chắn tạo đà cho sự phát triển bứt phá của thương mại điện tử trong giai đoạn tới.
“Trong đại dịch, chúng ta lần đầu tiên chứng kiến các sàn thương mại điện tử đã ồ ạt bán nông sản, thực phẩm, đồ đi chợ hằng ngày, điều mà trước đây chưa có. Cũng trong thời gian này, thương mại điện tử đã thay đổi quan điểm, thói quen của nhiều bà mẹ bỉm sữa, những người nắm hầu bao kinh tế gia đình. Từ đó thay đổi quan niệm mua hàng online chỉ dành cho Gen Z và người trẻ”, Chủ tịch VECOM chia sẻ.
Đáng chú ý, ông Dũng cho rằng, trước đây người tiêu dùng lo ngại việc mua hàng trên mạng sẽ khiến người tiêu dùng đối mặt với việc hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Tuy nhiên hiện nay các sàn thương mại điện tử đã có nhiều chính sách hơn trong việc bảo vệ người tiêu dùng như đổi, trả sản phẩm khi không hài lòng.
"Để bán hàng qua mạng, các đơn vị đều phải đầu tư rất nhiều, chỉ cần một đơn hàng giao không đúng, bị "tố" trên báo chí, mạng xã hội thì phải rất lâu mới vực lại kinh doanh. Vì vậy, hiện nay các đơn vị đều phải có chính sách hậu mãi, không phải "hàng mua rồi miễn đổi trả" như trước. Người tiêu dùng thậm chí có thể trả hàng khi không hài lòng, không cần là hàng kém chất lượng. Do đó bản thân các doanh nghiệp, nhà bán đều tự ý thức hơn trong các mặt hàng của mình", ông Dũng phân tích.
Sử dụng công nghệ để giữ chân khách hàng
Hơn 2 năm nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, nhưng chính đại dịch cũng cũng tạo tác động tích cực là xây dựng thói quen cho người dùng tham gia vào thương mại điện tử. Qua đó hình thành “bệ phóng” giúp thương mại điện tử phát triển mạnh trong thời gian tới, góp phần đẩy nhanh phục hồi kinh tế.
Bà Phạm Thị Quỳnh Trang - Giám đốc thương mại Lazada Việt Nam cho biết, số lượng khách hàng, đơn hàng và nhà bán hàng trên toàn sàn Lazada đã tăng gấp đôi trong 2 ngày đầu tiên của lễ hội "Mua sắm Tết mới, Sale to năm 2022" so với cùng thời điểm của lễ hội mua sắm năm 2021. Lượng khách hàng mới tham gia bán hàng trên sàn tăng đến 90%, lượng shop có thu nhập trên 1.000 USD mỗi tháng cũng tăng 90%...
Để thu hút và giữ chân khách hàng mua sắm online, các doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ trong tất cả mọi hoạt động... |
Bà Trang nhận định, thương mại điện tử sẽ tiếp tục là một xu hướng tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Theo đó, những yếu tố để thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng và góp phần phục hồi kinh tế sau dịch là thị trường còn nhiều dư địa phát triển tiềm năng; các doanh nghiệp đang ngày càng coi trọng và đầu tư nhiều vào việc chuyển đổi số và kinh doanh trên thương mại điện tử; tầm nhìn phát triển bền vững của các doanh nghiệp thương mại điện tử.
“Để thu hút và giữ chân khách hàng mua sắm online, chúng tôi áp dụng công nghệ ở mọi đối tượng. Với khách hàng, Lazada ứng dụng công nghệ nâng cao điểm chạm, hay cá nhân hóa thói quen mua sắm mỗi người. Tức là mỗi người khi mua sắm trên sàn Lazada sẽ hiển thị một giao diện khác nhau dựa trên thói quen mua sắm, để tiết kiệm được thời gian mua sắm online. Ngoài ra, Lazada còn tổ chức các hình thức mua sắm kết hợp giải trí, trò chơi nhằm nâng cao trải nghiệm người dùng.
Đối với nhà bán hàng thì cung cấp các dữ liệu khách hàng, khóa học về kinh doanh online. Ngoài ra, chúng tôi còn ứng dụng công nghệ tiên tiến vào nền tảng dịch vụ hậu cần logistics như trung tâm phân chọn tự động... để rút ngắn thời gian giao hàng”, bà Trang chia sẻ.
Theo bà Đinh Mộng Kha - CEO Công ty Vietguys, người tiêu dùng rất cẩn trọng tìm hiểu khi mua sắm trên mạng, do đó, việc rất quan trọng trong thương mại điện tử là các doanh nghiệp phải đầu tư tìm hiểu về thị hiếu đối tượng khách hàng của mình để phục vụ việc chăm sóc, hậu mãi… cũng là giữ chân khách hàng mua sắm trong tương lai.
Trước đây việc này thường chỉ thực hiện được trong các công ty lớn có khả năng tài chính tốt vì cần đầu tư máy móc, công nghệ. Nhưng với sự phát triển hiện nay, những doanh nghiệp nhỏ cũng có thể sử dụng các giải pháp, dịch vụ do các doanh nghiệp thứ ba cung cấp để chăm sóc, thấu hiểu và giữ chân khách hàng của mình…