Bộ Công Thương đã và đang nỗ lực đưa các dự án ra khỏi danh sách chậm tiến độ, yếu kém
Trao đổi tại Toạ đàm "Xử lý các dự án yếu kém: Bài học kinh nghiệm và hướng đi tiếp theo” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 5/4, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, 12 dự án yếu kém, thua lỗ của ngành Công Thương bắt đầu từ rất lâu, có những dự án được chuẩn bị từ năm 2005-2009.
Để giải quyết những tồn tại của 12 dự án này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất sát sao và quyết liệt, với 20 cuộc họp chỉ đạo cùng các Bộ, ban ngành, doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng.
Với vai trò, trách nhiệm của mình, Bộ Công Thương đã rà soát 12 dự án thua lỗ, chậm tiến độ và báo cáo với Chính phủ cho thành lập “Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương”. Ban chỉ đạo do một đồng chí Phó Thủ tướng làm trưởng ban, Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Phó ban Thường trực.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An tham dự Tọa đàm "Xử lý các dự án yếu kém: Bài học kinh nghiệm và hướng đi tiếp theo” |
Trước đó, với vai trò là Trưởng ban Thường trực, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã tham mưu với Thủ tướng, với Ban Chỉ đạo ban hành kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 1468/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Đề án xử lý các tồn tại yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương (Đề án). Đây là kết quả khởi sắc có được từ nhiều nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan trong việc tháo gỡ khó khăn về cơ chế và tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm. Chính phủ cũng đã có Quyết định 1468 phê duyệt Đề án, sau đó ban hành Quyết định 4269 về kế hoạch hành động.
Với rất nhiều nỗ lực, đến nay, những vấn đề liên quan tới chính sách, cơ chế của một số dự án đã căn bản được tháo gỡ. Ngày 4/11/2021, Ban chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của các dự án trên thống nhất đưa 5 dự án ra khỏi “danh sách đen” 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả. Bao gồm: DAP-1 Hải Phòng; Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ; Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước; Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất; Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nhấn mạnh, việc đưa 5 dự án ra khỏi danh sách 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả là kết quả có được từ nhiều nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, các bộ ngành, doanh nghiệp liên quan trong việc tháo gỡ khó khăn về cơ chế tài chính.
Tuy nhiên vẫn còn 7 dự án chưa được đưa ra khỏi danh sách chậm tiến độ. Nguyên nhân được chỉ ra là do còn vướng mắc liên quan đến hợp đồng EPC đang có tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu. Bên cạnh đó, chi phí tài chính quá cao dẫn đến các dự án khó cạnh tranh trên thị trường.
Đáng chú ý, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, có một điểm sáng nổi bật là một đại dự án, không nằm trong 12 dự án của ngành Công Thương, sau hơn 11 năm nằm đắp chiếu, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã khởi động trở lại trong năm 2021. Đây được đánh giá là sự hồi sinh có ý nghĩa lớn không chỉ về mặt kinh tế khi đóng góp hàng năm cho ngân sách tỉnh Thái Bình, mà còn là dự án quan trọng với hệ thống an ninh năng lượng quốc gia.
"Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, xuống trực tiếp rà soát lại các tổ đầu tư cũng như công việc trong quá trình thực hiện để tránh các phát sinh không lường trước được. Một năm gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp chỉ đạo tại các phiên họp thường trực Chính phủ, đích thân Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã 4 lần trực tiếp xuống hiện trường Nhiệt điện Thái Bình 2 và yêu cầu Tập đoàn Dầu khí dựng đồng hồ đếm ngược tại công trường, để theo dõi còn bao nhiêu ngày nữa sẽ đến mục tiêu.
Về phía Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng yêu cầu thành lập văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực để nắm tình hình hằng tuần; tổ chức nhiều chuyến công tác để đốc thúc công việc. Tết Nguyên Đán Nhâm Dần, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã trực tiếp xuống công trường để chúc Tết cán bộ công nhân và nắm bắt tiến độ dự án.
“Sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, cùng hành động kịp thời của Bộ Công Thương… là một trong những yếu tố quan trọng để Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 nói riêng, các dự án yếu kém nói chung, đang dần hồi sinh, cắt lỗ, hướng đến có lãi và hoạt động hiệu quả”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An khẳng định.
Về phương án xử lý cho các dự án vẫn còn trong danh sách “yếu kém”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An thống nhất nguyên tắc xử lý chọn phương án tối ưu thay vì tối đa. Đồng thời lưu ý: Chủ trương của Đảng ta là xây dựng nền kinh tế độc lập tự cường và các dự án yếu kém, trước đó đều được triển khai nhằm thực hiện mục tiêu tăng năng lực sản xuất trong nước..
Chính vì thế, quá trình xử lý phải linh hoạt vì vấn đề mà mỗi dự án gặp vướng mắc là không giống nhau. Trong đó, cần lưu ý tới yếu tố thúc đẩy sản xuất trong nước với chính sách thuế, phí phù hợp.