Chính phủ, địa phương vào cuộc, tháo gỡ tình trạng ùn ứ nông sản ở cửa khẩu
Địa phương giảm nhiều loại phí hỗ trợ lái xe, doanh nghiệp
Trước tình trạng ùn ứ hàng nông sản tại cửa khẩu trong gần 1 tháng qua, tỉnh Lạng Sơn quyết định giảm phí sử dụng hạ tầng các cửa khẩu, giảm giá dịch vụ tại cửa khẩu Tân Thanh để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu.
Thống kê cho thấy, tính đến chiều ngày 25/12, tổng số phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu còn tồn tại khu vực cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn là 4.204 xe, trong đó có 2.924 xe hoa quả tươi (hoa quả nóng 551 xe, hoa quả lạnh 2373 xe), tập trung chủ yếu tại cửa khẩu Tân Thanh.
Trước tình hình ùn tắc kéo dài, để chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp và lái xe, tỉnh Lạng Sơn quyết định miễn phí điều trị cho lái xe không may nhiễm Covid-19 và tiếp tục giảm phí sử dụng hạ tầng các cửa khẩu, giảm giá nhiều loại dịch vụ tại cửa khẩu Tân Thanh.
Theo đó, tỉnh Lạng Sơn giảm phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, giảm 10% đối với phương tiện vận tải chở hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; giảm 5% đối với phương tiện vận tải chở hàng hóa kinh doanh theo loại hình tạm nhập tái xuất, hàng hóa tạm xuất tái nhập, hàng hóa chuyển khẩu, hàng hóa của nước ngoài gửi kho ngoại quan xuất khẩu, hàng hóa quá cảnh, hàng hóa chuyển cảng, hàng hóa có nguồn gốc nước thứ ba.
Tính đến chiều 25/12, Quảng Ninh còn 1.555 xe, Lạng Sơn 4.204 xe đang chờ thông quan |
Ngoài ra, tỉnh Lạng Sơn cũng giảm giảm 20% giá dịch vụ xe ra, vào bến xe đối với tất cả các loại phương tiện từ 25/12/2021 đến 31/3/2022 tại cửa khẩu Tân Thanh.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Lạng Sơn, Công ty cổ phần vận tải thương mại Bảo Nguyên cũng hỗ trợ giảm giá dịch vụ phương tiện vận tải lưu ngày/đêm tại bến xe hàng hóa xuất nhập khẩu cửa khẩu Tân Thanh cho các doanh nghiệp từ 20%-70%.
Theo đó, biểu phí của Công ty cổ phần vận tải thương mại Bảo Nguyên đã kịp thời điều chỉnh, thu bằng 80% (giảm 20%) mức giá lưu tại bến xe 2 ngày/đêm đầu tiên; từ ngày/đêm thứ 3 đến ngày thứ 10 thu bằng 50% (giảm 50%). Từ ngày/đêm thứ 11 trở đi thu bằng 30% (giảm 70%).
Ngoài ra, Công ty cổ phần vận tải thương mại Bảo Nguyên phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu Tân Thanh cung cấp miễn phí nước sạch đóng bình và mì ăn liền cho toàn bộ lái xe trong trong thời gian xe hàng bị ùn ứ ở cửa khẩu.
Đại diện Chi cục Hải quan Tân Thanh cho biết, việc điều chỉnh giảm phí sử dụng hạ tầng các cửa khẩu, giá dịch vụ tại cửa khẩu Tân Thanh là việc làm thiết thực, cấp bách để hỗ trợ các các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa trong tình hình ùn tắc hàng hóa và dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và giải quyết được phần nào khó khăn cho các doanh nghiệp khi tình trạng ùn tắc nông sản vẫn tiếp tục diễn ra do Trung Quốc siết chặt việc thông thương với lý do phòng, chống dịch Covid-19.
Ngoài ra, tỉnh Lạng Sơn cũng đã thống nhất về việc thiết lập “vùng đệm” là khu vực khử khuẩn hàng hóa xuất khẩu đạt tiêu chuẩn quốc tế đặt ngoài khu vực cửa khẩu và tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, cửa khẩu Tân Thanh. Tại đây, việc kiểm soát dịch bệnh trên người, hàng hóa sẽ được đảm bảo chặt chẽ, kết hợp với việc tiếp tục thực hiện quản lý, kiểm soát đối với lái xe chuyên trách và lái xe đường dài theo quy trình khép kín.
Chính phủ vào cuộc, đồng hành cùng doanh nghiệp
Chiều 26/12, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa chủ trì cuộc họp trực tuyến với các Bộ, ngành, địa phương về tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các tỉnh biên giới phía Bắc.
Tại đây, chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng hóa ùn ứ trên các tỉnh biên giới, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, nguyên nhân khách quan là do thủ tục giao nhận thực hiện chặt chẽ hơn, lái xe Việt Nam không được vào nội địa Trung Quốc, đồng thời quy trình kiểm dịch cũng phức tạp hơn.
Về nguyên nhân chủ quan, theo Thứ trưởng, đây là những điểm yếu cố hữu của sản xuất và xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong thời gian qua. Đó là sản xuất nông nghiệp không theo tín hiệu, nhu cầu thị trường, xuất khẩu chủ yếu theo hình thức trao đổi cư dân (tiểu ngạch), không xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc…
Mặc dù, các bộ, địa phương biên giới liên tục có các khuyến cáo về tình hình ùn tắc tại các khu vực cửa khẩu nhưng các thương nhân vẫn tiếp tục đưa hàng lên cửa khẩu dẫn đến tình trạng ùn tắc ngày càng nghiêm trọng hơn.
Còn theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, các doanh nghiệp chưa chú trọng thị trường trong nước với 100 triệu dân. Mặc dù biết được tình trạng hàng hóa ùn ứ, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đưa hàng hóa lên biên giới.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp trực tuyến với các Bộ, ngành, địa phương về tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các tỉnh biên giới phía Bắc |
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các Bộ Ngoại giao, Công Thương, các cơ quan và địa phương biên giới làm việc, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các bộ, ngành, địa phương của Trung Quốc để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thông quan hàng hóa của cả 2 nước đang ùn tắc tại cửa khẩu.
Phó Thủ tướng giao chủ tịch UBND các địa phương có hàng hóa ùn tắc tại cửa khẩu thông báo rộng rãi cho các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân biết về tình hình thông quan, xác định rõ số lượng phương tiện có thể được vận tải hàng hóa lên cửa khẩu mỗi ngày và kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm không ùn tắc tại cửa khẩu.
"Trong thời gian này, các đồng chí được quyền thông báo gửi các địa phương, doanh nghiệp không đưa hàng hóa đến”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Về lâu dài, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, Hải quan, UBND các tỉnh, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để bàn bạc, hình thành các vùng xanh, luồng xanh an toàn dịch bệnh tại khu vực biên giới.
Bộ Y tế được giao nghiên cứu ban hành các tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình để hình thành vùng xanh, luồng xanh, góp phần đẩy nhanh tốc độ lưu thông hàng hóa qua cửa khẩu một cách an toàn