Chính phủ giao 5 nhiệm vụ lớn cho ngành Công Thương năm 2022
Ngành Công Thương đã cố gắng rất nhiều
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, Công Thương là Bộ đa ngành, quản lý nhiều lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, từ khâu sản xuất, lưu thông đến phân phối, bao gồm cả xuất nhập khẩu. Nhiều chuỗi sản xuất bị đứt gãy, nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, chợ truyền thống bị đóng cửa; nhiều loại hình giao thông, cửa khẩu tạm dừng hoạt động...
“Nhưng với sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, ngành Công Thương đã từng bước vượt qua thách thức và đã đạt được những kết quả quan trọng”, Phó Thủ tướng ghi nhận.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành Công Thương |
Nhắc lại những thành tích mà ngành Công Thương đã đạt được trong năm 2021 đầy khó khăn, Phó Thủ tướng đánh giá, trước hết, trong năm 2021, sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn duy trì và giữ được nhịp độ tăng trưởng tích cực.
Theo đó, ngành điện đã thực hiện tốt việc cung ứng điện bảo đảm an toàn, thông suốt, ổn định cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Sản lượng điện tiêu thụ đạt 255,37 tỉ kWh, tăng 3,34% so với cùng kỳ.
Hạ tầng cung cấp điện được đầu tư khá đồng bộ, đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng, tiêu thụ điện, nhiều công trình lớn được hoàn thành. Đã hoàn thành đưa vào vận hành 7.317 MW điện, nâng tổng công suất đặt của hệ thống điện quốc gia đạt 77.982 MW, tăng 11% so với cùng kỳ. Trong đó, có 4.087 MW điện gió, góp phần từng bước chuyển đổi công nghệ năng lượng tái tạo.
“Trong năm, ngành Công Thương không chỉ hoàn thành mục tiêu cung cấp điện ổn định, an toàn mà còn đầu tư thêm hạ tầng, đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng điện, nhất là điện năng phục vụ cho y tế. Ngoài ra, ngành cũng “đi tắt đón đầu” phát triển thêm nhiều nguồn năng lượng mới”, lãnh đạo Chính phủ biểu dương một lần nữa.
Cũng theo Phó Thủ tướng, bên cạnh ngành điện, ngành dầu khí đã thực hiện tốt nhiệm vụ, nhiều chỉ tiêu quan trọng vượt kế hoạch từ 01 đến 3 tháng.
Không những vậy, trong năm, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã tập trung quyết liệt tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án chậm tiến độ; điển hình là nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đã được chỉ đạo sát sao trong việc kiện toàn bộ máy, bảo đảm nguồn lực tài chính, kịp thời giải quyết các thủ tục. Sau khoảng 5 tháng đã có chuyển động rất tích cực.
Mặt khác, trong lĩnh vực công nghiệp, các ngành khác như ngành than khoáng sản, hóa chất, phân bón, xi măng, công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất hàng tiêu dung… đều có nhiều nỗ lực, cố gắng và đạt được kết quả quan trọng.
Với sự nỗ lực quyết tâm của Bộ Công Thương, của cộng đồng doanh nghiệp, người lao động, trong Quý III/2021, chỉ số sản xuất công nghiệp từ chỗ -3,5% đã nhanh chóng phục hồi, tăng trưởng cao (đạt 6,5%) trong Quý IV/2021, đặc biệt là tháng 12/2021 đã tăng trưởng 8,7%, giúp cho kết quả cả năm tăng trưởng 4,82%, cao hơn tốc độ tăng trưởng của năm 2020 (năm 2020 tăng trưởng 3,3%).
“Đây là cố gắng rất lớn. Kết quả này cao hơn cả năm 2020”, Phó Thủ tướng nói.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành Công Thương đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2021 |
Thứ hai, về kết quả xuất nhập khẩu, Phó Thủ tướng ghi nhận, xuất nhập khẩu năm 2021 có chuyển biến tích cực, tăng trưởng mạnh mẽ vào các tháng cuối năm. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6%, cao nhất từ trước đến nay, đưa Việt Nam thành 1 trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới.
Ngành Công Thương đã tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA), thị trường xuất khẩu tiếp tục được mở rộng, hàng hóa xuất khẩu ngày càng phong phú; chất lượng hàng hóa được đảm bảo, đáp ứng yêu cầu các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc,....
“Cũng như các ngành sản xuất, Quý III/2021 xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 dẫn tới 9 tháng nhập siêu 2,13 tỉ USD. Bước sang Quý IV/2021, kim ngạch xuất khẩu tăng cao, đạt 95,6 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ. Như vậy, cả năm 2021 xuất siêu đạt 4 tỉ USD.
Kết quả của hoạt động xuất nhập khẩu trong năm qua không chỉ đóng góp vào tăng trưởng GDP mà còn góp phần quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế”, Phó Thủ tướng tiếp tục biểu dương.
Thứ ba, Phó Thủ tướng đánh giá cao hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa có nhiều đổi mới, công tác quản lý thị trường (QLTT) được tăng cường.
Theo Phó Thủ tướng, hàng hóa sản xuất trong nước phong phú cùng với hàng hóa nhập khẩu đã đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 4.789 nghìn tỷ đồng, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 3.950 nghìn tỷ đồng, tăng 0,2% so với năm 2020.
Trong điều kiện giãn cách xã hội diện rộng, cung cầu hàng hóa được bảo đảm, giá cả hàng hóa được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng năm 2021 chỉ tăng 1,84% so với 2020, thấp nhất trong 6 năm kể từ năm 2016.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng biểu dương công tác QLTT, chống buôn lậu, gian lận thương mại, xuất xứ hàng hóa, hàng giả, hàng kém chất lượng tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh và đổi mới phương thức quản lý, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong năm, lực lượng đã phát hiện và xử lý 41.375 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách 430 tỷ đồng. Đặc biệt, nhiều vụ việc gian lận thương mại, buôn lậu lớn đã được chủ động phát hiện, điều tra, truy tố các đối tượng theo đúng quy định của pháp luật.
Thứ tư, Phó Thủ tướng nhắc đến công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính được triển khai có hiệu quả.
“Những kết quả nổi bật trên trước hết là do sự nỗ lực, cố gắng của tập thể lãnh đạo và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Công Thương.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tôi ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành công thương đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2021”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và biểu dương.
Tuy nhiên, ngay tại Hội nghị, Phó Thủ tướng cũng nhắc lại một số khó khăn, hạn chế của ngành Công Thương như: Quy hoạch điện VIII còn chậm; cơ chế điều hành giá điện, còn bất cập; sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; không ít doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, thậm chí giải thể, phá sản, ảnh hưởng tới việc làm, đời sống của người lao động; tiến độ triển khai các dự án trọng điểm của một số Tập đoàn, doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu; quản lý thương mại biên giới còn một số bất cập. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả còn diễn biến phức tạp...
Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác, bứt phá vươn lên, thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022, lãnh đạo Chính phủ đã giao cho ngành Công Thương 5 nhiệm vụ |
Chính phủ giao 5 nhiệm vụ lớn
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, 2022 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, năm bản lề, tạo nền tảng thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2021-2025. Dự báo tình hình quốc tế, trong nước tiếp tục có những yếu tố bất lợi; đặc biệt là đại dịch Covid-19 có thể còn diễn biến phức tạp, khó lường; chiến tranh thương mại giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; tăng trưởng kinh tế thế giới chưa vững chắc, không đồng đều; áp lực lạm phát, rủi ro và bất ổn của thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng…
Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác, bứt phá vươn lên, thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022, lãnh đạo Chính phủ đã giao cho ngành Công Thương 5 nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể:
Trước hết, tập trung lãnh đạo chỉ đạo công tác xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch ngành quốc gia bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng. Trước mắt tập trung cao cho Quy hoạch điện VIII, Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đây là một trong những nhiệm vụ có ý nghĩa rất quan trọng, đòi hỏi cả về chất lượng và tiến độ, ngành Công Thương cần tập trung cao trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành thời gian tới.
Thứ hai, tập trung tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các ngành công nghiệp năng lượng, chế biến chế tạo, hóa chất, phân bón, sản xuất hàng tiêu dùng như dệt may, da giày, chế biến gỗ, nông lâm thủy sản...
“Ngành điện thực hiện đúng tiến độ đầu tư xây dựng các công trình nguồn điện, lưới điện trọng điểm, bảo đảm cung cấp đủ điện, an toàn ổn định cho phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh. Dứt khoát không để thiếu điện ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Cùng với đó, rà soát lại các phương án tính toán, quy định về điều độ hệ thống điện quốc gia bảo đảm hiệu quả chung, tổng thể của toàn bộ nền kinh tế.
Thứ ba, năm 2022 được dự báo có nhiều thuận lợi và thách thức đan xen, tăng trưởng kinh tế thế giới chưa vững chắc, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Dự báo diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu sẽ có biến động khó lường.
Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu, ngành Công Thương cần bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, có phản ứng kịp thời trong sản xuất, lưu thông hàng hóa, đặc biệt hoạt động xuất nhập khẩu cần thực hiện các giải pháp bền vững, lâu dài.
Mặt khác, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, ngành Công Thương tiếp tục tập trung phát triển thương mại nội địa, mở rộng hệ thống phân phối như trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, chợ đầu mối… nhằm thúc đẩy tiêu dùng, phát triển thương mại điện tử gắn với thương mại truyền thống để khai thác hiệu quả sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng chuyển đổi số.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tiếp thu ý kiến chỉ đạo từ Phó Thủ tướng Chính phủ |
Thứ tư, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm minh các vi phạm; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái hàng giả, bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đặc biệt, lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh đến nhiệm vụ thực hiện đột phá về thể chế chính sách, thực hiện rà soát các quy định pháp luật của ngành. Điều chỉnh, bổ sung kịp thời, phân cấp phân quyền mạnh hơn, cải cách thủ tục hành chính nhằm khơi thông mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.
“Với bề dày truyền thống vẻ vang của ngành Công Thương, tôi tin tưởng tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành công thương sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được; nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thách thức, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022”, Phó Thủ tưởng giao nhiệm vụ và kỳ vọng.