Kiểm soát chặt hành vi buôn lậu, gian lận trên thương mại điện tử
Thời đại công nghệ số 4.0, cùng với sự phát triển như vũ bão của Internet, xu hướng kinh doanh trực tuyến hay bán hàng online đã đem lại hiệu quả kinh tế cho rất nhiều ngành nghề kinh doanh tại Việt Nam.
Những năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) đã không còn là khái niệm xa lạ trong xã hội hay một lĩnh vực mới mẻ tại nước ta. Có thể nói trong năm 2020-2021, đại dịch Covid-19 đã mang đến nhiều biến động đối với nền kinh tế và sự tăng trưởng bứt phá của TMĐT, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường tiềm năng nhất khu vực ASEAN, thể hiện vai trò của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN.
Tuy nhiên, song hành với những cơ hội phát triển thì TMĐT ở Việt Nam cũng gặp không ít những thách thức trong việc xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh.
Song hành với những cơ hội phát triển thì TMĐT ở Việt Nam cũng gặp không ít những thách thức trong việc xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh |
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên không gian mạng được thực hiện dưới nhiều phương thức, thủ đoạn xâm phạm trực tiếp đến trật tự quản lý hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa; xâm phạm quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân...
Các hành vi vi phạm pháp luật có tính ẩn danh rất cao, dễ giả mạo, thay đổi che giấu nhân thân lý lịch người thực hiện; dễ tẩy xóa, sửa chữa, thay đổi dấu vết, chứng cứ để che giấu hành vi phạm tội, đối phó với cơ quan chức năng, không phân biệt ranh giới, khu vực. Đối tượng có thể ở tại vị trí này để hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại ở một vị trí khác.
Ngoài ra, tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng công khai trên các trang web TMĐT, đặc biệt các sàn giao dịch TMĐT và mạng xã hội,... thực sự gây ảnh hưởng nghiêm trọng, đe dọa đến môi trường kinh doanh chung, ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng.
Để chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm, góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho thương mại phát triển bền vững, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã ban hành Kế hoạch tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử.
Về phía Bộ Công Thương, Bộ cũng tập trung chỉ đạo, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động TMĐT. Cụ thể, ngày 25/9/2021, Bộ Công Thương đã xây dựng, tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về hoạt động thương mại điện tử. Bên cạnh nhiều quy định mới về quản lý hoạt động thương mại điện tử nói chung, Nghị định số 85/2021/NĐ-CP đã bổ sung một số quy định mới nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua bán hàng hóa, dịch vụ thông qua thương mại điện tử.
Đồng thời Bộ cũng đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ (Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục Quản lý cạnh tranh) phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác được giao nhiệm vụ phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên không gian mạng như Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công An và Công an các địa phương; các cơ quan quản lý Thuế, Hải quan – Bộ Tài chính.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường tính đến tháng 10/2021, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã thực hiện kiểm tra gần 2.500 vụ việc, phát hiện, xử lý trên 2.300 vụ vi phạm (bao gồm hành vi vi phạm về TMĐT và các hành vi lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả), xử phạt trên 18 tỷ đồng.
TMĐT là xu thế tất yếu của thời đại công nghệ nhưng lại là thách thức lớn cho công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Cùng với việc đưa ra dự báo, trong khoảng hai đến ba năm tới, tỷ lệ gian lận thương mại trên TMĐT sẽ chiếm khoảng 50 - 60% so với tổng thể các hình thức gian lận thương mại nói chung.
Do vậy, Bộ Công Thương xác định nhiệm vụ chính của lực lượng Quản lý thị trường trong năm 2022 và những năm tiếp theo sẽ là đấu tranh chống hàng gian, hàng giả trên môi trường mạng, kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm, thường xuyên, liên tục các chủ thể, chủ sàn giao dịch thương mại điện tử, trên mạng xã hội, chứ không còn chỉ là việc đi kiểm tra các cửa hàng kinh doanh thương mại theo phương thức truyền thống.
Đồng thời, để chủ động trong công tác phòng, chống vi phạm trong lĩnh vực này, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu lực lượng quản lý thị trưởng cả nước đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử.
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, kết hợp công tác kiểm tra, xử lý vi phạm với việc vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên thị trường tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả bằng các hình thức đa dạng, thiết thực; thực hiện ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng lậu, kém chất lượng; kiểm tra đối với những cơ sở kinh doanh đã ký cam kết và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.