Chống hàng giả dịp cuối năm: Người tiêu dùng là "mắt xích" quan trọng
Cuối năm luôn là thời điểm gia tăng các hành vi vi phạm về hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại “nóng” nhất trước nhu cầu tiêu dùng tăng cao dịp Tết Nguyên đán. Để bảo về thị trường lành mạnh, chia sẻ với báo chí, ông Tạ Đình Dũng - Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Thái Nguyên cho biết, lực lượng sẽ siết chặt công tác quản lý, triển khai nhiều giải pháp mạnh nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hoạt động sản xuất trong nước.
Lực lượng QLTT tỉnh Thái Nguyên kiểm tra cơ sở kinh doanh bánh kẹo thực phẩm trên địa bàn thành phố |
Chia sẻ với báo chí về tình hình thị trường hàng hóa của tỉnh trong thời gian qua, ông Tạ Đình Dũng cho biết, trong đại dịch Covid-19, thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm của người dân. Tuy nhiên, dịch bệnh đã ảnh hưởng đến sức mua sắm của người dân, vì thế, hàng hóa cũng có mức độ mua sắm khác nhau.
Trong đó, hàng hóa phục vụ công tác phòng, chống dịch như khẩu trang, nước sát khuẩn; lương thực thực phẩm thiết yếu… là những mặt hàng có sức mua tăng cao.
Cũng theo Phó Cục trưởng Phụ trách Tạ Đình Dũng, đại dịch Covid-19 đã buộc các doanh nghệp, cơ sở, hộ kinh doanh chuyển đổi phương thức kinh doanh, chuyển nhanh, đẩy mạnh sang hoạt động kinh doanh trực tuyến, bán hàng qua các nền tảng mạng xã hội. Hoạt động này đã gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường của lực lượng trong việc nắm bắt, theo dõi, phát hiện những vi phạm trong kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử.
Siết chặt kiểm tra, kiểm soát trên môi trường thương mại điện tử, từ đầu năm 2021, Cục QLTT tỉnh đã ban hành Quyết định thành lập Tổ thương mại điện tử do Đội QLTT số 1 - Đội cơ động của Cục QLTT Thái Nguyên giữ vai trò nòng cốt trong lĩnh vực này.
Tính đến giữa tháng 12/2021, Cục QLTT tỉnh đã kiểm tra 1.772 lượt vụ; trong đó xử lý 1.562 vụ (tăng 121 vụ so với năm 2020), thu nộp ngân sách Nhà nước 6,9 tỷ đồng (gấp hơn 2 lần so với cả năm 2020). Trong đó xử lý gần 100 vụ việc liên quan đến thương mại điện tử.
Dự báo, thời điểm giáp Tết, lưu thông hàng hóa sẽ tăng cùng với đó là những hành vi vi phạm hàng giả, hàng kém chất lượng sẽ diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng. Do đó, Cục QLTT Thái Nguyên đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) của tỉnh ban hành Kế hoạch cao điểm tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm trước, trong và sau Tết Nguyên đán; tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành.
Theo Kế hoạch, Cục QLTT tỉnh sẽ tiếp tục bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng của Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT và UBND tỉnh để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm kinh doanh, buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa vi phạm về an toàn thực phẩm... góp phần vào phát triển thị trường lành mạnh, bảo vệ lợi ích cho người tiêu dùng và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Mặt khác, Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên cũng phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền về thị trường hàng hóa và xử lý vi phạm để người dân kịp thời nắm bắt.
Trong công tác phòng, chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại vai trò, trách nhiệm của người tiêu dùng là rất quan trọng. Do vậy, người tiêu dùng nên hình thành thói quen mua sắm, tiêu dùng thông minh |
Phó Cục trưởng phụ trách Tạ Đình Dũng nhận định, trong công tác phòng, chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại vai trò, trách nhiệm của người tiêu dùng là rất quan trọng. Lãnh đạo Cục QLTT khuyến cáo, người tiêu dùng nên hình thành thói quen mua sắm, tiêu dùng hàng hóa từ những cơ sở kinh doanh có uy tín trên thị trường, chỉ mua hàng hóa sản phẩm có đầy đủ nhãn mác, thời hạn sử dụng.
Bên cạnh đó cần quan tâm phản ánh đầy đủ, chính xác đến cơ quan QLTT và các cơ quan chức năng về những doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh có những sai phạm, để kịp thời kiểm tra xử lý nghiêm.