Chống hàng giả trên thương mại điện tử: Công nghệ là yếu tố then chốt
Sẽ định danh chủ thể tham gia bán hàng?
Dù các cơ quan chức năng, doanh nghiệp đã và đang chung tay xử lý vấn nạn hàng giả, hàng lậu trên môi trường thương mại điện tử, nhưng tình trạng vi phạm vẫn diễn ra phổ biến.
Ông Lê Đức Anh - Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, Tổng cục Quản lý thị trường cũng như Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối hợp, triển khai nhiều vụ thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trên các sàn.
Qua công tác kiểm tra, các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng nhái có nhiều thủ đoạn rất tinh vi. Đối tượng có thể khởi tạo gian hàng và chỉ chạy trong một đợt, sau đó có những chương trình giảm giá đặc biệt như giá 1.000 đồng, giá 0 đồng... Khi hết chương trình, họ đóng gian hàng và cũng biến mất luôn.
Không chỉ lừa đảo người mua, các đối tượng còn lợi dụng lừa đảo cả đơn vị cung cấp dịch vụ hạ tầng như sàn thương mại điện tử và đơn vị thực hiện dịch vụ chuyển phát hàng hóa.
Hiện nay, các sàn thương mại điện tử khi đăng ký website thương mại điện tử với Bộ Công Thương đều phải có chứng minh thư/căn cước công dân hoặc mã số thuế. Tuy nhiên, số lượng người bán lẻ trên sàn thương mại điện tử sử dụng chứng minh thư/căn cước công dân giả rất nhiều.
Để góp phần giải quyết vấn nạn hàng giả, hàng nhái trên môi trường thương mại điện tử, công nghệ là yếu tố quan trọng |
“Hiện nay, doanh nghiệp có website chưa đăng ký, thông báo với Bộ Công Thương còn chiếm tỉ trọng lớn. Một phần do doanh nghiệp chưa hiểu rõ các quy định, chính sách về thương mại điện tử, hoặc chưa được tư vấn tìm hiểu về các thủ tục đăng ký, khai báo...”, ông Lê Đức Anh chia sẻ.
Trước thực trạng này, để kiểm soát, ngăn chặn, xử lý kịp thời đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng nhái trên thương mại thương mại điện tử, Trung tâm Tin học và Công nghệ số đang đề xuất phương án và đã tiến hành ký thỏa thuận hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân (Bộ Công an) nhằm hợp tác triển khai ứng dụng liên quan đến công nghệ để có thể định danh một chủ thể khi tham gia bán hàng trên sàn thương mại điện tử.
Công nghệ là yếu tố quan trọng
Theo ông Lê Đức Anh, để góp phần giải quyết vấn nạn hàng giả, hàng nhái trên môi trường thương mại điện tử, công nghệ là yếu tố quan trọng. Các ứng dụng này liên kết chặt với hệ thống dữ liệu của Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân, tạo dựng nền tảng để có thể chia sẻ chéo giữa các bên nhằm sớm nhận thức được hành vi lừa đảo.
Tức là, định danh được khách hàng thông qua hình ảnh, sau đó đối chiếu dữ liệu đối tượng khi lập gian hàng với dữ liệu hình ảnh gốc trong hệ thống Bộ Công an sử dụng một vector 360 chiều để kiểm tra đã khớp được hai dữ liệu đến với nhau nhằm định danh chủ thể.
Bên cạnh đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng đang làm việc với Ngân hàng Nhà nước triển khai nền tảng liên quan đến hệ thống đảm bảo giao dịch với đối tác phối hợp các trung tâm thanh toán để giải quyết bài toán hạn chế tỷ lệ lừa đảo, giúp môi trường thương mại điện tử tốt hơn.
Hiện nay, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về hoạt động thương mại điện tử. Nghị định này được kỳ vọng sẽ hạn chế tình trạng mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên sàn thương mại điện tử.
Nghị định số 85 được chia theo 4 vấn đề chính. Thứ nhất, theo chủ trương giảm bớt thủ tục hành chính của Chính phủ, Nghị định 85 cũng giới hạn phạm vi nhiều đơn vị, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục hành chính. Thứ hai, Nghị định quy định về việc bán hàng trên các mạng xã hội. Thứ ba, quản lý người bán hàng có yếu tố nước ngoài. Thứ tư, quản lý để thúc đẩy hạn chế hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên môi trường thương mại điện tử. Trong đó, nhiều quy định được đưa ra để đảm bảo sàn thương mại điện tử phải có trách nhiệm nhiều hơn trong quản lý chủ thể xây dựng gian hàng.
Mặt khác, Nghị định 85 cũng đưa vào những điều khoản quy định ràng buộc chặt chẽ hơn đối với doanh nghiệp đang kinh doanh thông qua sàn thương mại điện tử, vấn đề liên quan đến khiếu nại của người tiêu dùng.
Ngay trong quá trình đơn hàng hình thành, người tiêu dùng đã được đưa vào quá trình giải quyết và khi đơn hàng có vấn đề phát sinh, trong 72 giờ, sàn thương mại điện tử sẽ nhận phản hồi của người tiêu dùng ngay vào hệ thống trung gian. Điều này sẽ giải quyết nhanh bài toán xử lý phát sinh khiếu nại tại thời điểm đó nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi của người tiêu dùng trên kênh thương mại điện tử.