Dệt may sẽ có nhiều chuyển biến tích cực trong năm 2024
Theo số liệu công bố ngày 22/2 của Tổng cục Hải quan, lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/2, dệt may đã không còn là mặt hàng có kim ngạch tỷ USD khi chỉ mang về 960 triệu USD.
Số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho thấy, tính đến hết tháng 2/2024, nhiều doanh nghiệp thành viên đã có đơn hàng đến tháng 6/2024, thậm chí có doanh nghiệp đã nhận đơn hàng đến hết năm nay. Bên cạnh đó, ngành sợi cũng được nhiều khách hàng đàm phán, giao dịch cho những tháng tiếp theo. Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt cho biết, May 10 đã có đơn hàng đến hết quý II và đang tiếp tục đàm phán cho những tháng tiếp theo.
Bước sang năm 2024, dự báo nền kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức, song ngành dệt may Việt Nam vẫn quyết tâm đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD, tăng 9,2% so với 2023.
Theo ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), từ đầu năm nay, các nhà sản xuất, chuỗi cung ứng hàng dệt may toàn cầu tiếp tục chọn Việt Nam là nơi sản xuất và đặt hàng, cho thấy Việt Nam có thế mạnh nhất định trong lĩnh vực này.
Đánh giá về cơ hội và triển vọng xuất khẩu từ nay đến cuối năm, Chủ tịch Vitas cho biết, ngành dệt may Việt Nam đang có những ưu thế so với các quốc gia cạnh tranh. Ưu thế đầu tiên cần nhắc đến là chúng ta đã tham gia và đang đàm phán 19 FTA và là quốc gia duy nhất ký kết FTA với tất cả các đối tác như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Eu, Anh, Nga - những thị trường đang có dấu hiệu phục hồi, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa đang “ấm” lên. Ở trong nước, mặt bằng lãi suất cho vay giảm đáng kể, giúp giảm sức ép chi phí lãi vay, trong khi các chính sách hỗ trợ của Chính phủ về thuế, đất đai… được kéo dài trong năm 2024.