Doanh nghiệp dệt may, da giày thưởng Tết cao hơn năm trước
Đối với ngành dệt may, da giầy, thời điểm cuối năm nay vô cùng khó khăn, phần lớn các nhà máy phải giãn việc của người lao động. Song nhìn chung kim ngạch xuất khẩu của ngành vẫn vượt so với chỉ tiêu và lương của người lao động được điều chỉnh tăng. Mức thưởng Tết toàn ngành vẫn có sự tăng trưởng vượt bậc so với năm trước.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, tiền lương bình quân 11 tháng đầu năm tăng khoảng 5-7%. Dự kiến, năm nay, công nhân ít nhất cũng được thưởng 1 tháng tiền lương.
Chẳng hạn, Tổng công ty May Hưng Yên vẫn quyết định thưởng Tết cho người lao động bằng 2 tháng thu nhập trung bình. So với năm ngoái mức thưởng này tăng 10% do lương tăng.
Còn theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội da giầy Việt Nam, các doanh nghiệp trong ngành cam kết đảm bảo quyền lợi cho người lao động, đặc biệt là thưởng Tết.
Năm nay dù suy giảm đơn hàng nhưng các doanh nghiệp vẫn duy trì lương tháng thứ 13 tăng 5-6% so với năm ngoái.
Không khả quan như các doanh nghiệp dệt may, da giày, trên toàn thị trường lao động, mức thưởng Tết sẽ giảm, nhất là tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bà Trần Thị Thanh Hà, Trưởng ban Quan hệ lao động Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, trong những ngành gặp khó khăn do sụt giảm về đơn hàng cũng như khó khăn trong quá trình sản xuất thì dự báo sẽ giảm tiền lương và tiền thưởng. Một số ngành khác thì tương đối ổn định.
Mức thưởng Tết năm nay giảm từ 15-20%. Số người nhận thưởng cao đến trăm triệu sẽ không có nhiều. Còn lại phần lớn, mức thưởng Tết tương đương từ 1-2 tháng lương.
Năm 2022 được đánh giá có nhiều biến động với cả doanh nghiệp và người lao động. Những tháng đầu năm, các nhà máy tuyển dụng nhiều, mức lương cao. Song từ tháng 6 trở đi tình hình đổi chiều, các công ty hạn chế tuyển dụng và không có nhiều việc làm mới vào cuối năm. Vì vậy, người lao động lo sẽ không có tiền thưởng Tết.