Doanh nghiệp, người dân "khó chồng khó", khi xăng dầu liên tiếp tăng giá
Vận tải - lĩnh vực chịu sức ép lớn nhất
Ngày 11/2, Liên Bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh mức tăng của giá xăng dầu trong nước. Trong đó, giá xăng E5RON92 tăng 976 đồng/lít, xăng RON95-III tăng 962 đồng/lít... Các mặt hàng dầu cũng tăng đồng loạt từ 666 - 962 đồng/lít,kg. Đây là đợt tăng thứ ba liên tiếp của giá xăng từ đầu năm nay, đánh dấu cao nhất từ tháng 8/2014.
Theo Liên Bộ, giá xăng dầu trong nước tăng là do giá thế giới tăng. Đến ngày 11/2, bình quân xăng RON 92 có giá 102,419 USD/thùng, giá xăng RON 95 ở mức 104,605 USD/thùng, tăng 6,5% so với kỳ điều chỉnh trước đó. Đáng lo nhất là giá xăng dầu thế giới hiện vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Giá xăng tăng cao kỷ lục gây thêm nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, người dân |
Mức tăng của giá xăng dầu trong nước đã gây áp lực rất lớn đối với nhiều ngành nghề, tác động mạnh tới mặt bằng giá cả, nhất là ở lĩnh vực vận tải. Anh Hoàng Văn Ngọc - lái xe taxi trú tại Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, từ năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh, tài xế chúng tôi đã và đang gặp rất nhiều khó khăn do người dân hạn chế đi lại, thu nhập giảm sút.
Theo anh Ngọc, đã có không ít tài xế đã “đắp chiếu”, thậm chí là phải bán xe, giờ lại cộng thêm tăng giá xăng thì đúng là khó chồng khó bởi nếu chạy chỉ càng thêm lỗ.
“Tính trung bình, cứ 100km, phải mất 8 lít xăng. Ngày trước giá xăng thấp, chạy xe còn có lãi. Nhưng bây giờ 8lít xăng, tài xế chúng tôi đã mất trên 200.00 ngàn đồng, chưa kể chi phí cầu đường, chiết khấu của hãng, các loại chi phí cộng gộp hàng tháng, phí hao xe. Như vậy, thời điểm này, tài xế chạy gần như không có lãi”, anh Ngọc chia sẻ.
Với mức giá xăng vượt 25.300 đồng/lít, các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ, nhất là vận tải càng thêm lao đao khi chưa kịp khôi phục lại 100% công suất hoạt động do dịch Covid-19. Bởi, xăng dầu là đầu vào của đa số các ngành nghề này, khi chi phí vận tải tăng thì đẩy giá hàng hóa, dịch vụ vận chuyển tăng theo.
Ông Tô Quang Học, Giám đốc Công ty TNHH Phiệt Học - đơn vị có nhiều đầu xe chuyên chạy tuyến Hà Nội - Thái Bình cho hay, doanh nghiệp đang “vò đầu bứt tai” tìm phương án kinh doanh khi giá nhiên liệu liên tục tăng chóng mặt.
Xăng dầu chiếm 30 - 40% đơn giá vận chuyển nên việc nhiên liệu đầu vào tăng giá chắc chắn ảnh hưởng đến chi phí vận tải. Hiện doanh nghiệp đang phải tính toán lại giá cước vận chuyển cho những chuyến xe sắp tới. Tuy nhiên, việc này không dễ, bởi mỗi chuyến chỉ lèo tèo vài khách.
Tương tự, Giám đốc Công ty CP Vận tải, thương mại và dịch vụ Đất Cảng Khúc Hữu Thanh Hải - nhà xe có nhiều năm hoạt động vận tải hành khách chuyên tuyến Hải Phòng - Hà Nội và ngược lại cho biết, giá xăng dầu tăng mạnh, cộng với việc phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 khiến chi phí vận tải đội lên đáng kể.
“Từ nhiều tháng nay, vận tải hành khách thua lỗ. Doanh nghiệp đang nỗ lực giữ nguyên giá cước, nhưng nếu giá nhiên liệu tiếp tục tăng như hiện nay, doanh nghiệp buộc lòng phải điều chỉnh”, đại diện đơn vị này trăn trở.
Cũng theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Đỗ Văn Bằng, trong khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải đau đầu vì phải tính toán các phương án cân đối chi phí phát sinh để không lỗ, không mất khách hàng.
Nhiều đơn vị hoạt động cầm chừng, nhiều xe đã phải nằm bãi vì không có khách, không có hàng để chạy. Cùng với đó, doanh nghiệp vẫn phải “gồng mình” chi trả một số khoản chi phí định kỳ như: Lãi vay ngân hàng, tiền thuế, tiền thuê mặt bằng, bảo hiểm xã hội cho người lao động, phí kiểm định và phí sử dụng đường bộ, phí bến bãi… Điều này đã làm ảnh hưởng lớn đến đời sống người lao động và hoạt động của các doanh nghiệp.
Sẽ tác động mạnh tới mặt bằng giá cả
Theo khảo sát của phóng viên tại các chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy), chợ Nhật Tân (Tây Hồ), về cơ bản diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng tiêu dùng không có biến động bất thường, một số mặt hàng thiết yếu tăng theo quy luật hoặc theo diễn biến giá thế giới. Tuy nhiên, nhiều tiểu thương dự báo, tới đây, giá rau củ quả và nhiều mặt hàng thiết yếu khác sẽ tiếp tục tăng bởi cước phí vận chuyển tăng theo giá xăng dầu.
Trước diễn biến phức tạp của giá một số mặt hàng là đầu vào nền kinh tế trong đó có giá xăng dầu, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã có công văn số 1076/BTC-QLG gửi các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội và tập đoàn, tổng công ty về tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác quản lý giá. Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị cần theo sát diễn biến cung cầu để có phương án điều hành, kiểm soát lạm phát ngay từ đầu năm.
Tới đây, giá rau củ quả và nhiều mặt hàng thiết yếu khác sẽ tiếp tục tăng bởi cước phí vận chuyển tăng theo giá xăng dầu |
Theo Cục Quản lý giá, trên cơ sở tình hình diễn biến giá cả thị trường trước và trong tết và giá xăng dầu thế giới có xu hướng tăng cao tác động đến giá bán lẻ trong nước..., Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh triển khai công tác quản lý, điều hành giá sau dịp Tết Nguyên đán.
Bộ Tài chính yêu cầu và đề nghị, các bộ ngành, địa phương cần chủ động theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu trong thời điểm sau tết, nhất là đối với các mặt hàng có nhu cầu tăng cao như dịch vụ vận tải, du lịch tại điểm vui chơi, tham quan, lễ hội và mặt hàng hiện đang có xu hướng tăng giá như xăng dầu, vật liệu xây dựng phục vụ các công trình trọng điểm... Trên cơ sở đó, chủ động tăng cường công tác phối hợp trong triển khai các giải pháp quản lý, điều hành giá, góp phần giữ ổn định giá cả thị trường, hướng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát trong quý I và cả năm 2022.
Riêng đối với giá các mặt hàng xăng dầu và LPG, Cục Quản lý giá nhận định, giá xăng dầu đang ở mức cao do chịu tác động từ thị trường thế giới. Trong kỳ điều hành ngày 11/2/2022, giá xăng dầu dự báo chịu áp lực điều chỉnh tăng rất lớn từ giá thế giới.
Từ đó, gây sức ép lớn đến mặt bằng giá nói chung và giá các mặt hàng sử dụng xăng dầu là đầu vào cho sản xuất.
Bên cạnh đó, giá nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư vẫn chịu áp lực lớn từ xu hướng tăng giá trên thế giới. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ, kích thích kinh tế cũng sẽ có tác động nhất định lên mặt bằng giá cả.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, xăng dầu tăng giá ngay từ đầu năm sẽ gây sức ép lớn đến mặt bằng giá nói chung và giá các mặt hàng sử dụng xăng dầu là đầu vào cho sản xuất nói riêng. Những lo ngại tác động tới lạm phát là có cơ sở khi xăng dầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến giá cả thị trường. Do đó, liên Bộ Công Thương- Tài chính cần tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá đối với mặt hàng quan trọng này.
Nhằm đảm bảo cung - cầu xăng dầu trong nước, Bộ Công Thương cũng đã có các văn bản chỉ đạo nhà máy lọc dầu nâng cao trách nhiệm trong việc đảm bảo nguồn hàng giao cho khách hàng theo các hợp đồng đã ký kết. Trong Quý I/2022, Petrolimex dự kiến nhập khoảng 2.356.000 m3, tấn xăng dầu các loại. Trong đó, tháng 1 nhập khoảng 906.000 m3,tấn; tháng 2 nhập khoảng 700.000 m3,tấn; tháng 3 nhập khoảng 750.000 m3,tấn. Đối với mặt hàng khí đốt hóa lỏng (LPG), PVN cũng triển khai nhập khẩu LPG trong các tháng cuối năm 2021và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. Cụ thể trong Quý IV/2021, PVN nhập khẩu khoảng 237,6 nghìn tấn; tháng 1/2022 nhập khoảng 83,3 nghìn tấn. Song song với việc nhập khẩu, PVN tiếp tục duy trì sản xuất ổn định các nhà máy để đảm bảo nguồn cung LPG cho thị trường; điều tiết nguồn hàng giữa các khu vực, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng. |