Doanh nghiệp tham gia mạng phân phối nước ngoài: Kênh xuất khẩu bền vững của hàng hóa Việt
Ngày 22/2/2023, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Triển khai Quyết định 1415/QĐ-TTg ngày 14/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2030”. Đề án mới được phê duyệt sau khi mô hình xúc tiến xuất khẩu này đã triển khai thành công trong giai đoạn I từ năm 2015 tới 2022.
Mục tiêu chính của Đề án nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia mạnh mẽ vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa toàn cầu, xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài trên cơ sở phát huy thế mạnh và khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.
Hội nghị có sự tham gia trực tiếp và trực tuyến của các Bộ, ngành, địa phương; các Cơ quan đại diện thương mại Việt Nam tại nước ngoài; các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp Việt Nam, các Tập đoàn phân phối hàng đầu thế giới như Walmart, Amazon (Mỹ), Carefour (Pháp), Aeon (Nhật Bản), Central Retail, Mega Market (Thái Lan)...
Ra mắt Bộ Cẩm nang xuất khẩu thông qua thương mại điện tử với Amazon |
Khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá cao đóng góp to lớn của các Tập đoàn phân phối, các đầu mối thu mua nước ngoài cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian vừa qua.
“Sự hiện diện tích cực của nhà phân phối bán lẻ lớn nhất thế giới đến từ châu lục trong các lĩnh vực kinh tế và xuất khẩu của Việt Nam là minh chứng cho mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại ngày càng phát triển giữa Việt Nam và các đối tác, cũng như sức hấp dẫn ngày càng tăng của Việt Nam trong vai trò là thị trường bán lẻ, cũng như nguồn cung quan trọng cho chuỗi cung ứng toàn cầu”, Thứ trưởng nhấn mạnh và khẳng định “xuất khẩu vào hệ thống phân phối của các Tập đoàn bán lẻ nước ngoài đã thực sự trở thành một kênh xuất khẩu hiệu quả, bền vững”.
Bởi, từ 2015, khi bắt đầu giai đoạn 1 của Đề án cho đến nay, với sự đồng hành của các Tập đoàn phân phối bán lẻ hàng đầu thế giới, các sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam, từ nông sản, thực phẩm tới đồ gia dụng, dệt may, da giày, nội thất,... đã tới tay hàng triệu người tiêu dùng thông qua hệ thống phân phối trải khắp toàn thế giới.
Do vậy, tiếp nối sự thành công của Đề án “Thúc đẩy Doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020”; nhằm tận dụng cơ hội do các FTA mang lại để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam; tiếp tục giữ vững và mở rộng thị phần xuất khẩu trong giai đoạn sắp tới; đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu nhằm nâng cao kim ngạch xuất khẩu của cả nước, ngày 14/11/ 2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030” tại Quyết định số 1415/QĐ-TTg.
Kênh quảng bá hữu hiệu sản phẩm Việt
Ông Nguyễn Thành Huân, Phó Giám đốc Sở Công Thương An Giang cho biết, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã phối hợp với Bộ Công Thương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tìm hướng ra cho sản phẩm xuất khẩu của địa phương, nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu cho doanh nghiệp. Sở Công Thương tỉnh đang đẩy mạnh kết nối các doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp với bộ phận mua hàng của các tập đoàn phân phối lớn, giúp doanh nghiệp nắm được các quy định, yêu cầu kỹ thuật của từng nhà phân phối đặt ra để từ đó có chiến lược tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn.
“Trong khuôn khổ thực hiện Đề án tỉnh An Giang đã thường xuyên hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh gắn kết đưa các sản phẩm của tỉnh vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị nước ngoài. Chính điều này, góp phần vào sự tăng trưởng về giá trị xuất khẩu, tỉnh An Giang cũng mong muốn tiếp tục phối hợp với Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ giới thiệu các mặt hàng chủ lực là cá tra và rau củ quả tươi sống, đông lạnh, đảm bảo đủ tiêu chuẩn tham gia chương trình Tuần lễ hàng Việt tại các mạng lưới phân phối nước ngoài” - ông Nguyễn Thành Huân nói.
Việc tăng cường xuất khẩu thông qua hệ thống phân phối lớn cũng như xuất khẩu trên các hệ thống phân phối dựa trên nền tảng thương mại điện tử được xem là giải pháp hữu hiệu, giúp cho doanh nghiệp từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, cung ứng hàng hóa toàn cầu. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thương mại điện tử xuyên biên giới đang trở thành nhân tố cốt lõi của nền kinh tế toàn cầu, xu hướng tất yếu mà không một quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc.
Gia nhập Việt Nam từ năm 2019, Amazon Global Selling là chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển kinh doanh. Đến nay, xuất khẩu và kinh doanh trên Amazon mở ra xu hướng đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt. Bà Đỗ Hồng Hạnh, Giám đốc Đối tác chiến lược Amazon Global Selling Việt Nam chia sẻ, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang trở nên phổ biến và được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Do vậy, Amazon Global Selling sẽ hỗ trợ mạnh mẽ các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt thông tin thị trường, từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời từng bước xây dựng thương hiệu cho hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới.
“Việt Nam những năm gần đây chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử nói chung và thương mại điện tử xuyên biên giới nói riêng, báo cáo hoạt động Amazon 2022 dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam cho thấy, năm 2022 là năm khởi sắc của xuất khẩu điện tử trực tuyến tại Việt Nam thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới. Số lượng đối tác bán hàng Việt Nam trên Amazone tăng, trong đó thì phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, không chỉ góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam” - bà Đỗ Hồng Hạnh nói.