Doanh nghiệp thương mại điện tử còn nhiều cơ hội giữa đại dịch Covid -19
Cơ hội còn rất lớn
Mới đây, trong một Hội thảo về “Phát triển thị trường cho doanh nghiệp thương mại điện tử trong bối cảnh chuyển đổi số”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, sau đại dịch Covid, thương mại điện tử được dự báo sẽ tiếp tục bùng nổ, tạo ra những xu hướng tiêu dùng mới.
Cùng với sự phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0, vài năm trở lại đây, khởi nghiệp lĩnh vực thương mại điện tử trở thành chủ đề thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp trẻ.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, đây là một xu hướng kinh doanh đang phát triển mạnh ở trên thế giới và đặc biệt ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử phát triển sẽ góp phần thúc đẩy trao đổi, mua bán hàng hóa trực tuyến.
Thị trường thương mại điện tử đang trở thành một hình thái kinh doanh phổ cập của doanh nghiệp và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng |
Theo các chuyên gia, thị trường thương mại điện tử đang trở thành một hình thái kinh doanh phổ cập của doanh nghiệp và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Đặc biệt trong năm 2020 và 2021, trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong kinh doanh thì thị trường thương mại điện tử đã trở thành kênh kinh doanh hữu hiệu giúp các doanh nghiệp vừa giao dịch được với khách hàng, vừa đảm bảo các yêu cầu trong phòng chống dịch.
Vì vậy, thời gian tới thương mại điện tử sẽ là xu hướng mua sắm mới với tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Đây là cơ hội tốt giúp các doanh nghiệp sản xuất phục vụ khách hàng mọi lúc mọi nơi, mang tiện ích và trải nghiệm tốt đến cho người tiêu dùng.
Hơn nữa, thương mại điện tử tăng trưởng ấn tượng cũng buộc doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải chuyển dịch mới kịp thời đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Cùng chung quan điểm, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, mặc dù thị trường thương mại điện tử đang phát triển khá nhanh và ấn tượng nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Chẳng hạn như quy mô phát triển thương mại điện tử giữa các địa phương chưa đồng đều; việc sử dụng tiền mặt trong các giao dịch thương mại điện tử vẫn còn khá phổ biến; thách thức cạnh tranh giữa các sàn thương mại điện tử trong nước với sàn nước ngoài; niềm tin của người tiêu dùng với các giao dịch trực tuyến chưa cao.
Ngoài ra, thách thức về an toàn, an ninh mạng và bảo mật cá nhân trong các giao dịch thương mại điện tử cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp.
Mặt khác, hoạt động vận tải giao nhận hàng hóa chưa đáp ứng yêu cầu, nhân lực hiểu rõ và tham gia vận hành hệ thống thương mại điện tử còn thiếu... Những khó khăn này đòi hỏi cả sự đồng hành cùng tìm giải pháp để phát triển thị trường cho các doanh nghiệp đang chuyển đổi và các cơ quan quản lý nhà nước.
Doanh nghiệp phải chủ động thích ứng
Chia sẻ về những kinh nghiệm thực tế trong việc đẩy mạnh kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử, ông Nguyễn Huy Hoàng - Giám đốc phát triển Đối tác Kinh doanh của Lazada Việt Nam cho hay, do chưa trang bị về tư duy kinh doanh trên nền tảng số nên nhiều doanh nghiệp Việt vẫn loay hoay với những khó khăn do thiếu dữ liệu trên nền tảng số.
Cùng với đó là khả năng tiếp cận khách hàng trong bối cảnh người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu do đại dịch cũng như bài toán đầu tư về chi phí vận hành. Tuy nhiên, nếu làm tốt các vấn đề này, các doanh nghiệp có thể dễ dàng thích ứng với sự phát triển của xã hội cũng như đáp ứng các nhu cầu của người tiêu dùng.
Để phát triển thị trường thương mại điện tử trong bối cảnh mới, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh nhạy tận dụng cơ hội đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nắm bắt công nghệ để phát triển thị trường |
Ông Như Bình - Giám đốc kinh doanh chiến lược Teko Việt Nam cũng cho rằng, hiện nay vẫn còn khá nhiều doanh nghiệp truyền thống đặt vấn đề lợi nhuận lên rất nhiều trong quá trình chuyển đổi số trong khi vẫn chưa có nền tảng ổn định để tạo ra lợi nhuận.
Không những thế, việc mở rộng kênh bán, kênh chăm sóc khách hàng, tích hợp tối ưu các công nghệ mới như dữ liệu, bảo mật khách hàng, phương thức điều hành, quy trình làm việc, văn hóa doanh nghiệp… lại đòi hỏi sự đầu tư về tài chính và giải pháp từ doanh nghiệp khiến họ dễ nản và bỏ cuộc.
Trong khi đó, ông Bùi Quốc Anh - Phụ trách sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart chia sẻ, dịch Covid-19 kéo dài cũng khiến chuỗi cung ứng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự thiếu hụt đầu vào sản xuất.
Cùng với đó, các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội và khó khăn trong vận hành các tuyến vận tải biển, chiếm tới 90% lưu lượng vận chuyển hàng hóa quốc tế.
Mặc dù Postmart tập trung phục vụ các mặt hàng nông sản, các sản phẩm thiết yếu để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng nhưng do tình hình dịch bệnh khiến gặp khó khăn, hạn chế nhiều trong vận chuyển liên vùng, liên tỉnh.
Đặc biệt, đối với mặt hàng nông sản, do đặc thù ngành hàng nên việc vận chuyển giao vận vẫn chưa được nhanh.
Chính vì vậy, ông Bùi Quốc Anh kiến nghị, việc kiểm soát chi phí vận chuyển ở mức hợp lý là yêu cầu lâu dài của doanh nghiệp bởi chi phí này ảnh hưởng rất lớn tới giá cả các mặt hàng nhất là nông sản của Việt Nam và cũng ảnh hưởng tới mức giá mua nguyên liệu cho nông dân.
Vì vậy, hỗ trợ cho doanh nghiệp chính là tìm các giải pháp cho khâu logistics; đồng thời, doanh nghiệp cần đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng tới phát triển bền vững và đa dạng hóa kênh bán hàng.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Đắc Việt Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sendo cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19, người dân và các doanh nghiệp đều đã có sự thay đổi nhận thức trên nhiều phương diện của chuyển đổi số.
Vì thế, việc thúc đẩy, tạo làn sóng tích cực cho thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam nhất là định hướng phát triển nền tảng thanh toán không tiền mặt dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ là điều vô cùng cần thiết.
Ông Nguyễn Đắc Việt Dũng cho rằng, để tạo thị trường trong bối cảnh mới, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh nhạy tận dụng cơ hội đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nắm bắt công nghệ để phát triển thị trường. Đồng thời, sự phối hợp của các bộ, ngành và các doanh nghiệp cũng là yếu tố quyết định thành công của bước tiến chuyển đổi số cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.